Phim thì có thể "vui bất thình lình", nhưng giá điện đừng "tăng bất thình lình"!
Phim thì có thể "vui bất thình lình", nhưng giá điện đừng "tăng bất thình lình"!
An Linh
Thứ năm, ngày 06/04/2023 10:05 AM (GMT+7)
"Trên tivi, tôi có xem phim "Gia đình mình vui bất thình lình", khá hài hước, nhưng đó chỉ ở trên phim thôi. Còn để xã hội vui bất thình lình vì tăng giá điện là điều không thể diễn ra, cho nên giá điện đừng "tăng bất thình lình", TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Không thể có xã hội "vui bất thình lình" khi tăng giá điện
Trao đổi nhanh với PV Dân Việt về quan điểm xung quanh việc điện bán lẻ rục rịch được tăng giá, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việc neo giữ giá điện trong suốt 4 năm qua (từ tháng 3/2019 đến nay) cho mục tiêu tăng trưởng, giảm lạm phát là quá đủ rồi, với giá dầu thô đang tăng, giá than và tỷ giá có lúc trên 25.000 đồng/USD, việc tăng giá điện là không thể tránh khỏi.
Về thời gian tăng giá điện, hiện quản lý nhà nước đang phải giải bài toán khó: Tăng giá điện sẽ khiến giảm tăng trưởng, tác động lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng và sức ép rất lớn lên nền kinh tế. Tuy nhiên, không tăng giá điện sẽ gây mất an toàn tài chính cho ngành điện, không đảm bảo năng lực đầu tư dự án, hoạt động của EVN.
TS. Doanh cho rằng, cần tôn trọng quy luật thị trường, trong đó có chi phí sản xuất điện và giá bán ra cho EVN. Cũng tương tự là vấn đề mua điện từ các nguồn điện (gió, mặt trời, sinh khối…), Việt Nam cần linh hoạt, tranh tận mua các nguồn điện sạch đang chờ, không nên để nhà đầu tư chịu cảnh bỏ núi tiền để chờ đợi mòn mỏi.
Về hạn chế các tác động tăng giá điện đến đời sống người dân, doanh nghiệp về nền kinh tế, TS. Doanh gợi ý cần có lộ trình hợp lý, từng giai đoạn để đạt được mức tăng giá lý tưởng, cân bằng lợi ích cho các bên.
Theo TS. Doanh, EVN và các nhà quản lý cần có lộ trình tăng từng bước, từng thời gian cụ thể để xã hội có thể chịu đựng được. "Không thể ép một nền kinh tế năng suất còn thấp, số lao động giản đơn còn nhiều phải chịu gánh nặng tăng lên một cách bất thình lình", ông Doanh nói.
Giá điện bán lẻ có thể tăng vào thời điểm nắng nóng!?
Theo đại diện của Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các phương án tăng giá điện đang được báo cáo lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua.
Trao đổi với PV Dân Việt mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định: "Chắc chắc giá điện sẽ tăng, có điều sớm hay muộn thôi". Cũng theo nguồn tin của Dân Việt từ EVN, các phương án tăng giá điện được đơn vị này gửi Bộ Công Thương từ tháng 1/2023, Bộ Công Thương cũng đã gửi Chính phủ xem xét và cho ý kiến. Mới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: "Mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hoà lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho EVN, lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát".
Theo tính toán, với mức lỗ gần 26.300 tỷ đồng năm 2022 và hai năm 2021 - 2022, EVN gánh lỗ hơn 1,2 tỷ USD về sản xuất và phân phối điện, nếu không tăng giá điện bán lẻ, tập đoàn này sẽ rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ, lỗ năm sau cao hơn năm trước.
Về phương án tăng giá điện bán lẻ, từ tháng 3/2019 cho đến nay, giá điện bán lẻ bình quân ở mức 1.864,44 đồng/ kWh, nếu tăng 8,36% như mức tăng giá điện gần nhất (tháng 3/2019 so với năm 2018), giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 155,87/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ bình quân năm 2023 dự đoán sẽ tăng trên 2.020,31 đồng/kWh.
Với phương án tăng 167,82 đồng/ kWh, tương ứng tăng giá điện 9%, theo quy định tại Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế giá bán điện, EVN được quyền điều chỉnh tăng giá tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận mà không cần được sự đồng ý của Thủ tướng.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện. Sau khi thực hiện điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Thực tế, tủ tục này có thể rút ngắn trình tự thời gian tăng giá điện, nhưng EVN và Bộ Công Thương cũng phải thực hiện các thao tác như báo cáo đánh giá tác động của tăng giá điện lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ phải chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá các tác động này đối với nền kinh tế.
Theo nhiều chuyên gia, khả năng tăng giá điện trong quý II hoặc chậm nhất là quý III có thể xảy ra. Nếu vậy, rất có thể ngay giữa mùa nóng, giá điện sẽ tăng giá, điều này ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế.
Trả lời Dân Việt, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Dự báo năm 2023 hiện tượng El Nino sẽ diễn ra mạnh, thiếu nước cho thuỷ điện, áp lực lớn sẽ đổ lên vai nhiệt điện than, điều này càng khiến chi phí phát điện tăng lên, trong bối cảnh giá than thế giới ngày càng tăng, giá dầu, khí cũng được dự báo tăng mạnh khi các nước OPEC+ đang cắt giảm 1,6 triệu thùng dầu/ngày.
Một chuyên gia từ Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động tiêu cực, không có bữa ăn nào miễn phí cả! Có điều là giảm tác động tiêu cực này thế nào là bài toán của nhà quản lý, chúng ta đang giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, nếu tăng giá điện thì cần chính sách an sinh phù hợp hoặc phải tăng có lộ trình để doanh nghiệp có kế hoạch, tính toán trước bài toán sản xuất, thương thảo giá với đối tác".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.