Phó Thủ tướng, 4 Bộ trưởng ngồi "ghế nóng" Ban Chỉ đạo xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam

An Linh Thứ tư, ngày 04/10/2023 09:58 AM (GMT+7)
Thủ tướng vừa có Quyết định 1143/QĐ-TTg ngày 3/10/2023 lập Ban Chỉ đạo đề án chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban, các Phó trưởng ban gồm 4 Bộ trưởng có liên quan.
Bình luận 0

Phó Thủ tướng, 4 Bộ trưởng phụ trách về dự án đường sắt cao tốc

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, KH&ĐT, Tài Chính và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Phó trưởng Ban chỉ đạo. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan có liên quan.

Các cơ quan có thành viên tham gia Ban Chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện thành công Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng, bốn Bộ trưởng ngồi "ghế nóng" Ban Chỉ đạo xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, 4 Bộ trưởng ngồi ghế nóng Ban Chỉ đạo xây dựng đường sắt cao tốc

Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, huy động nguồn lực, đấy nhanh tiến độ, tổ chức thực hiện thành công Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Ban Chỉ đạo được quyền tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo đối với Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp thực hiện; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các bất cập, phát sinh trong thực tiễn (nếu có) liên quan đến việc thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Được mời các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học tư vấn trong quá trình chỉ đạo thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến việc xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành; giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; chuẩn bị tài liệu, báo cáo và dự thảo thông báo kết luận của các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Trưởng Ban Chỉ đạo giao.

Ban Chỉ đạo có Tổ Tư vấn giúp việc hoạt động theo chế độ chuyên gia và chế độ kiêm nhiệm do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy làm Tổ trưởng.

Mới đây, Bộ GTVT cho biết dự kiến cuối năm 2023 sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2025.

Trong dự thảo báo cáo Quốc hội về thực hiện chính sách và đầu tư đường sắt gửi các bộ ngành và ý kiến chuyên gia, Bộ GTVT cho biết dự án đường sắt tốc độ cao là dự án có tính chất phức tạp, quy mô rất lớn cả về vốn đầu tư, tới kỹ thuật, lần đầu triển khai tại Việt Nam, dự án có tác động sâu rộng và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì thế, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành đi nghiên cứu kinh nghiệm tại 4 nước có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, gồm: Trung Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Đức. Kinh nghiệm từ chuyến đi sẽ cập nhật, bổ sung hoàn thiện đề án báo cáo Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị.

Trong các quốc gia trên, Trung Quốc có mạng đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới, Tây Ban Nha có mạng đường sắt lớn nhất châu Âu và đứng thứ 2 thế giới. Đây là 2 nước nhận chuyển giao công nghệ trong khi Nhật Bản và Đức là 2 nước làm chủ công nghệ về đường sắt tốc độ cao.

Chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao được đưa ra từ năm 2019 với nhiều báo cáo, đánh giá khác nhau. Bộ GTVT đưa ra 2 phương án là: Xây dựng đường sắt Bắc - Nam với đường đôi, khổ ray 1.435 mm, chiều dài 1.545 km, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ chạy tàu khách; kết hợp cải tạo đường sắt hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư dự kiến cho phương án này khoảng 58,71 tỷ USD.

Phương án thứ 2 làm tuyến đường sắt tốc độ cao mới hoàn toàn, đường đôi, khổ ray 1.435 mm, kết hợp khai thác cả tàu chở khách và chở hàng; tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự án theo phương án này khoảng 64,9 tỷ USD.

Phương án thứ 2 nhận được sự đồng ý của nhiều chuyên gia, học giả bởi kết hợp được hiệu quả cả chuyên chở người, hàng hoá, nhanh chóng thu hồi vốn và phục vụ phát triển có tính lan toả tốt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem