"Phong sát" hàng nhập giá rẻ dưới 1 triệu đồng: Chặn "con voi" chui lọt "lỗ kim"
Đánh thuế hàng nhập giá rẻ dưới 1 triệu đồng: Chặn "con voi" chui lọt "lỗ kim"
An Linh
Thứ hai, ngày 06/01/2025 09:04 AM (GMT+7)
Quyết định đánh thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu đối với hàng nhập qua biên giới dưới 1 triệu đồng khiến không ít người vui, nhưng cũng không ít kẻ buồn.
Người vui ắt hẳn là những doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam, còn kẻ buồn là doanh nghiệp bên kia biên giới, nhà nhập khẩu đang "ăn lên làm ra" khi xuất khẩu lượng hàng khủng vào Việt Nam mà không chịu bất kỳ đồng thuế nào suốt 14 năm qua.
Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 18/2/2025, tức là chỉ còn khoảng 50 ngày nữa Quyết định này có hiệu lực, các nhà nhập khẩu hàng nước ngoài vào Việt Nam theo phương thức (B2B), xé lẻ đơn giá dưới 1 triệu đồng sẽ phải đóng thuế VAT, thuế nhập khẩu như hàng hóa giao dịch bình thường.
Đối với các giao dịch đơn lẻ giữa người tiêu dùng với nhà phân phối, sản xuất (B2C), các nhà cung cấp ở nước ngoài là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, các sàn thương mại sẽ phải nộp thay thuế cho người mua cuối cùng tại cổng thông tin dành nhà cung cấp nước ngoài của Bộ Tài chính.
Vì sao phải đánh thuế đối với hàng qua biên giới giá trị dưới 1 triệu đồng?.
Chủ trương miễn thuế đối với hàng nhập khẩu qua biên giới giá dưới 1 triệu đồng xuất phát từ Công ước Kyoto 1973 - về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan của các quốc gia tham gia.
Năm 2010, khi Việt Nam tham gia Công ước nói trên, Chính phủ đã ban hành Quyết định 78/2010/QĐ- TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế có hiệu lực thi hành, từ ngày 1/2/2011 đến nay.
Thực hiện Quyết định 78/2010, cơ quan hải quan không thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống.
Thực tế, trong hơn 14 năm áp dụng chính sách miễn thuế hàng nhập giá dưới 1 triệu đồng, người tiêu dùng Việt cũng được hưởng lợi, đặc biệt là giao dịch biên giới khi tiếp cận hàng hóa đa dạng, giá rẻ và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo thời gian, phương thức giao nhận và chuỗi cung ứng sản phẩm thương mại đổi thay, hàng nhập từ nước ngoài giá dưới 1 triệu đồng ùn ùn vào Việt Nam với tổng giá trị giao dịch hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày gây áp lực cực lớn đối với sản xuất trong nước.
"Dù các đơn hàng nhỏ dưới 1 triệu đồng/lần, nhưng ngày doanh nghiệp, người dân nhập 100 đơn, 1 nghìn đơn là sẽ rất lớn. Hàng trong nước vừa phải nộp đủ các loại thuế (VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất đai, lãi suất, thuế nhập nguyên, nhiên liệu, chi phí trung gian…) vừa phải cạnh tranh với hàng nước ngoài được miễn thuế, trong khi họ có lợi thế về quy mô, cạnh tranh. Như vậy, chẳng khác nào chúng ta ưu đãi cho con voi, để chui lọt lỗ kim, gây bất ổn thị trường thương mại trong nước", PGS, TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay.
Theo báo cáo của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh mỗi ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok... mà không phải đóng thuế. Điều này vừa gây thất thu ngân sách vừa tạo cạnh tranh bất bình đẳng thương mại khi hàng hoá, doanh nghiệp trong nước phải đóng các nghĩa vụ thuế mà hàng nhập khẩu không phải đóng thuế.
Nhiều nước tham gia Công ước Kyoto năm 1973 hiện đã không duy trì chính sách miễn thuế đối với hàng hoá, và quay ra thu thuế với hàng nhỏ lẻ. Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách các quốc gia EU đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với lô hàng có giá trị từ 22 Euro trở xuống.
Từ ngày 1/1/2021, Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định về thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống bắt đầu ngày từ ngày.
Ở khu vực ASEAN, Thái Lan đã bắt đầu thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu không phân biệt (từ tháng 5/2024).
Như vậy, nhìn chung, xu hướng các quốc gia đang thắt chặt việc miễn thuế đối với hàng nhập giá rẻ theo phương thức chuyển phát nhanh do chuỗi phân phối đang thay đổi nhanh chóng và việc ưu đãi hàng giá rẻ nước ngoài vô tình khiến bất bình đẳng thị trường, bất lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính vừa phải đóng các nghĩa vụ thuế vừa phải giảm chi phí để cạnh tranh với đối thủ không cân xứng.
Theo báo cáo của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bình quân có 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT khi vào Việt Nam, gây thất thu lớn cho ngân sách.
Trong khi đó, trong tháng 10/2024, trong báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III của Metric Nền tảng dữ liệu thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu dữ liệu giao dịch của Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop tại Việt Nam cho biết, người Việt trung bình cho khoảng 1 tỷ USD (hơn 25.300 tỷ đồng) cho mua sắm online. Đáng chú ý, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường.
Các sàn thương mại điện tử đăng ký kinh doanh tại Việt Nam đều ưu tiên các cửa hàng (shop), tổng kho bán nhiều hàng hoá, giá rẻ hiện diện sớm, trên trang chủ khi người mua tìm kiếm sản phẩm. Nhiều giao dịch của người Việt mua hàng từ tổng kho từ Trung Quốc chứ không phải mua hàng ở Việt Nam. Với đơn hàng dưới 1 triệu đồng, Nhà nước không thu được thuế trong mỗi lần giao dịch; người tiêu dùng chọn mua hàng từ nước ngoài, khiến sản phẩm Việt, doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh được về chi phí, giá bán.
Có gây tổn hại đến thị trường thương mại điện tử?
Nhiều lo ngại việc Việt Nam đánh thuế hàng nhập giá rẻ dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh, mà trọng tâm là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ gây tổn hại đến thị trường bán lẻ, thị trường thương mại điện tử, khiến hàng hóa đắt đỏ, người tiêu dùng không tiếp cận được hàng giá rẻ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, chuyên chuyên gia về thương mại việc Chính phủ đánh thuế hàng nhập khẩu giá dưới 1 triệu đồng có thể làm giá hàng nhập đắt hơn. Tuy nhiên, điều này đảm bảo cuộc chơi công bằng bởi sản phẩm sản xuất ra tại Việt Nam, bán ra trong nước cũng bị đánh thuế thì không thể có chuyện hàng nhập cùng chủng loại như vậy ở nước ngoài về lại hưởng đặc quyền.
Nếu lấy giá cả là biện pháp cạnh tranh, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn có cơ hội giảm giá sản phẩm nhờ vào lợi thế quy mô sản xuất, đổi mới sáng tạo, tiết giảm chi phí trung gian (cắt giảm tổng kho, đại lý cấp 1, 2,3…, chi phí quảng cáo, bán hàng).
Chia sẻ với PV Dân Việt, một chuyên gia về thương mại cho rằng: Chỉ nói về góc độ giá bán, trên sàn thương mại hiện nay rất nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ không tưởng. Thậm chí, nếu so sánh giá thành bán sản phẩm với giá chi phí các yếu tố đầu vào, giá bán ra thấp hơn 20-30% giá sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
"Giá rẻ không tưởng do chi phí sản xuất của họ rẻ (điện, nguyên, nhiên liệu thấp), họ làm dây truyền, chuyên môn hóa cao từng doanh nghiệp làm một sản phẩm và lắp ráp để thành một thương hiệu. Thứ hai là lợi thế quy mô, sản xuất nhiều bất kể hàng gì sẽ rẻ hơn so với làm thủ công, sản xuất ít. Cuối cùng là tối ưu hóa chi phí, trong đó cắt bỏ tầng lớp đại lý cấp 1, 2,3, tầng nấc trung gian, bỏ chiết khấu, bán tận tay người dùng cuối cùng…", vị chuyên gia thương mại điện tử cho hay.
Với số tiền 25.300 tỷ đồng/tháng mà người Việt bỏ ra mua đồ online trên mạng, như vậy bình quân mỗi ngày người Việt rút túi khoản 843 tỷ đồng để mua sắm, đây là thị phần khổng lồ.
"Giá cả, sự tiện lợi là yếu tố quyết định khiến người mua hàng tiếp cận sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Còn yếu tố chất lượng, phẩm chất hiện là vấn đề đáng quan ngại nhất khi mua hàng trên mạng", vị chuyên gia nói.
Theo vị chuyên gia này, hàng trên thương mại điện tử có giá siêu rẻ có không ít sản phẩm là hàng giả, hàng phẩm chất kém, giả bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm gốc, chính hãng, nhưng cấu kiện bên trong hoàn toàn khác nên giá bán rẻ hơn. Người tiêu dùng không am hiểu dễ bị lừa.
Thực tế, sàn thương mại điện tử hay chợ "mạng" đang là xu thế của thế giới nói chung và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trên thế giới, các nền tảng bán lẻ thương mại điện tử như eBay, Amazon có cơ chế kiểm soát nhà cung ứng, phân phối hàng và có các quy định chặt chẽ về giấy phép chất lượng, xuất xứ, đánh giá khách hàng và cơ quan quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không phải không có những kẽ hở khiến nhiều sản phẩm trên các sàn thương mại có phẩm chất kém, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bên cạnh các yếu tố đánh thuế, chặn hàng giá rẻ xâm nhập thị trường, gây cạnh tranh thiếu công bằng, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị Việt Nam áp đặt các quy chuẩn về về kiểm dịch an toàn vệ sinh động thực vật (SPS) và quy chuẩn đo lường kỹ thuật, quy chuẩn (TBT) vào các sản phẩm nhằm hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt trên thị trường.
Theo ông Đặng Lâm Anh Kiệt, Giám đốc một công ty may mặc tại Hải Dương cho biết, hiện các sản phẩm may mặc, nữ trang, đồ điện tử nhỏ lẻ trên sàn thương mại bán rất nhiều, với giá thượng vàng, hạ cám với đầy đủ các mẫu mã, giá cả khác nhau. Dù shopee có cơ chế xử phạt các shop, nhà cung cấp gian lận hàng vi phạm nhãn mác, shop có tỷ lệ khiếu nại cao, song mô hình quản lý này mở, số nhà cung ứng đông đảo vào ra lớn nên việc phụ thuộc chỉ kiểm soát của Shopee là không đủ.
"Nhà nước bên cạnh biện pháp quản lý thuế để tăng thu, chống cạnh tranh bất đối xứng, còn cần đặt ra cơ chế xử phạt các nhà cung ứng nước ngoài nếu để doanh nghiệp, shop bán lẻ cung ứng hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm lợi ích doanh nghiệp khác và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chúng ta biết hiện nay, không gian mạng là ảo, nhưng sự việc diễn ra và các hệ quả của nó đang là thật. Các nước đang tiến hành đưa hoạt động thương mại điện tử vào khuôn khổ, để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính và những sản phẩm tốt, chất lượng", ông Lâm Anh Kiệt nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho rằng: "Công ước Kyoto về đơn giản hóa thủ tục hải quan là văn bản ký kết song phương và đa phương, chế độ mở, không bắt buộc cam kết hoặc không cam kết thực hiện mở cửa mà tùy vào mỗi quốc gia. Anh mở cửa cho hàng các nước, thì các nước cũng mở cửa hàng cho anh và ngược lại, nếu anh đánh thuế, thì các nước cũng dựa trên đó để có biện pháp phù hợp".
Ông Phụng cho rằng, về nguyên tắc khi một nước đơn phương chấm dứt miễn thuế sẽ phải thông báo cho các quốc gia khác để lên phương án làm việc với cơ quan hải quan, thuế vụ các nước.
"Chuỗi cung ứng hàng hóa đang thay đổi nhanh chóng nếu chúng ta không thay đổi chính sách thuế, chỉ có lợi cho nước ngoài. Hiện nay, giao dịch thương mại trên nền tảng số, kinh doanh trên facebook, Youtube, tiktok, các trang thương mại điện tử ngày một lớn, bắt buộc phải thay đổi các phương thức quản lý và thu thuế để chặn lợi dụng ưu đãi nhằm trục lợi", ông Phụng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.