PGS sinh năm 1963 được phong tặng Nhà giáo nhân dân 2024, từng là hiệu phó một trường đại học

Lê Bình Thứ hai, ngày 15/07/2024 15:02 PM (GMT+7)
Một trong những nhà giáo được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân 2024 là PGS.TS.Phạm Văn Bổng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Bình luận 0

Phong tặng Nhà giáo nhân dân 2024 cho PGS.TS.Phạm Văn Bổng

PGS.TS.Phạm Văn Bổng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nằm trong danh sách 21 cá nhân có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc. Cuối tháng 6 vừa qua, ông được Chủ tịch nước Tô Lâm ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2024.

NGND.PGS.TS.Phạm Văn Bổng sinh năm 1963. Năm 2008, ông nhận bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2016, ông được bổ nhiệm Phó Giáo sư chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí. Ông từng là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Phong tặng Nhà giáo nhân dân 2024 cho PGS.TS.Phạm Văn Bổng, từng là phó hiệu trưởng- Ảnh 1.

Phong tặng Nhà giáo nhân dân 2024 cho PGS.TS.Phạm Văn Bổng. Ảnh: ĐBND

Về thành tích hoạt động đào tạo và nghiên cứu, ông đã chủ biên nhiều sách chuyên khảo, 7 giáo trình. NGND.PGS.TS.Phạm Văn Bổng cũng đã có 27 bài báo, tạp chí trong nước, 2 bài báo, tạp chí quốc tế, 2 đề chương trình, đề tài cấp Bộ về Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị lọc cặn xăng dầu theo nguyên lý thủy động lực.

Năm 2017, PGS.TS Phạm Văn Bổng chính thức nhận quyết định đảm nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ông phụ trách tuyển sinh, đào tạo, khảo thí các chương trình đào tạo; mở ngành và phát triển chương trình đào tạo; đảm bảo chất lượng; đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; Liên kết, hợp tác đào tạo trong nước; Thực tập, thực hành và trao đổi sinh viên.

NGND Phạm Văn Bổng và những tư vấn chọn ngành nghề theo xu hướng

Từng là Phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh, đào tạo, trong buổi tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh mới diễn ra, PGS.TS Phạm Văn Bổng đã tư vấn ngành nghề "hot" theo xu hướng thị trường.

NGND Phạm Văn Bổng cho hay: "Ngày nay, những ngành nghề liên quan đến "công nghệ 4.0" nổi lên, như Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Điện tử,… Nhưng không phải nổi lên giống như một "trào lưu mới, mốt mới", mà là từ nhu cầu thực tế đang cần.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh với thí sinh rằng, khi lựa chọn một ngành để theo học, các em không nhất thiết căn cứ vào việc ngành đó "hot" hay "không hot", mà phải xem bản thân có phù hợp hay không. Trong xu hướng công nghệ 4.0, tất cả lĩnh vực đều có xu hướng liên quan đến công nghệ thông tin, không nên bóc tách riêng ra.

Có những ngành tâm lý mọi người có vẻ không thích, ít thí sinh lựa chọn theo học. Thế nhưng, nhu cầu từ xã hội không phải là không cần. Ngay ở trường chúng tôi, trước đây, có những ngành mà các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp chờ đợi để tuyển dụng sinh viên, nhưng cũng không đủ số lượng cho họ tuyển dụng.

Làm về công tác tuyển sinh và đào tạo rất nhiều năm nay, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nhắn nhủ tới các em là đừng vội chọn trường. Trước hết, các em hãy xem mình đam mê, yêu thích với ngành nghề nào. Việc này cần cân nhắc rất kỹ, không phải đến ngày đăng ký mới suy nghĩ, băn khoăn.

Bước thứ hai, hãy nghĩ đến năng lực bản thân của mình, suy nghĩ xem em có đủ khả năng để theo đuổi đam mê, đáp ứng được những yêu cầu của ngành này hay không. Nếu chỉ yêu thích nhưng năng lực mình có hạn thì cũng không nên theo đuổi.

Thứ ba, ngoài đam mê, năng lực, thí sinh còn phải xem xét tới điều kiện gia đình và điều kiện vị trí địa lý, xem có phù hợp không. Bản thân các em muốn học, nhưng gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng thì cũng không thể.

Thứ tư, các em cũng nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Bởi nhiều khi em thích ngành này chỉ là "cảm tính", vì chạy theo số đông, nên cần thêm sự phân tích từ mọi người xung quanh.

Sau khi đã xác định được ngành nghề phù hợp theo 4 bước trên, lúc này các em mới tiến đến việc chọn trường trong các trường có đào tạo ngành đó. Nhiều thí sinh bây giờ đua nhau chọn trường trước rồi mới chọn ngành sau, tôi cho rằng điều này có thể dẫn đến sai lầm...

Cũng có những sinh viên vào học rồi mới thấy đam mê của mình là ở lĩnh vực khác. Trường hợp này để chuyển ngành, chuyển trường sẽ khó khăn hơn rất nhiều, các em cũng phải "trả giá" bằng việc bỏ phí 1 - 2 năm học. Cho nên, việc lựa chọn ngành nghề đúng ngay từ đầu rất cần thiết. Các em cần có sự lựa chọn, cân nhắc cho hợp lý từ những tiêu chí tôi nêu ra".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem