Phương án một giá điện: Chỉ có “nhà giàu” đồng ý, người thu nhập thấp bị bỏ quên?

Thanh Phong - Quang Dân Thứ năm, ngày 09/07/2020 14:54 PM (GMT+7)
Nếu áp dụng phương án một giá điện, thì trong điều kiện của Việt Nam thì chỉ có những người thu nhập cao mới đồng ý, còn người thu nhập thấp sử dụng ít điện hơn sẽ lựa chọn cách tính bậc thang lũy tiến, ai sử dụng nhiều phải chi trả nhiều hơn.
Bình luận 0

Mới đây, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi hoặc "một giá".

Cụ thể, cách tính một giá điện sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.

Cũng theo nhận định của Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng, với phương án trên, những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh, sẽ chọn phương án một giá điện. Trong đó, các khách hàng sử dụng bình quân dưới 400 kWh (chiếm 70-80% tổng số khách hàng) có thể sẽ chọn biểu giá điện bậc thang.

Ngoài ra, theo đánh giá sơ bộ của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nếu người sử dụng chọn phương án một giá điện, doanh thu của EVN có thể sẽ giảm sút.

Phương án tính điện 1 giá, sẽ chỉ có “nhà giàu” đồng ý - Ảnh 1.

Cách tính một giá điện có thể không phù hợp với đối tượng khách hàng thu nhập thấp, sử dụng ít điện?

Nhận định về phương án trên, TS. Ngô Trí Long cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ duy nhất Singapore là quốc gia đang áp dụng cách tính này. Tuy nhiên, theo quy định của đảo sư tử, để phản ánh sự thay đổi chi phí của giá điện, mức giá được điều chỉnh định kỳ 3 tháng một lần.

Qua đó, có thể thấy, việc lựa chọn theo phương án một giá điện không được nhiều nước lựa chọn, bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cách tính này chỉ hợp lý khi xã hội có thu nhập bình quân mọi người như nhau.

Đồng thời, để thực hiện cách tính giá điện trên, sản lượng điện sản xuất ra đủ đáp ứng được cho nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh của cả nước. Lúc này, người dân càng sử dụng nhiều điện thì nguồn lợi đổ về ngân sách càng nhiều.

"Nếu đáp ứng được đủ 2 yếu tố trên, việc áp dụng phương án một giá điện sẽ có khả năng. Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam hiện tại, nếu đưa ra tham khảo ý kiến của người dân sẽ chỉ nhận được sự ủng hộ của tầng lớp thu nhập cao, sử dụng bao nhiêu điện cũng chỉ tính một bậc giá. Ngược lại, những người có thu nhập thấp hơn, sử dụng ít điện hơn sẽ lựa chọn cách tính bậc thang lũy tiến, ai sử dụng nhiều phải chi trả nhiều hơn", ông Long cho hay.

Phân tích thêm về bất cập của phương án một giá điện, TS. Long chia sẻ, Chính phủ chỉ xây dựng một mức giá bán lẻ bình quân, nhưng lại yêu cầu phải phân cho những đối tượng khác nhau giá khác nhau. Với giá bán lẻ bình quân của bên sản xuất khác bên hành chính sự nghiệp, nơi kinh doanh khác điểm bán lẻ người tiêu dùng.

"Ở đây, ta xem xét giá bán lẻ của người tiêu dùng, với nhóm khách hàng này cần phải đảm bảo được các yêu cầu thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong xã hội còn người giàu người nghèo nên phải xây dựng biểu giá để người tiêu dùng ít điện được hưởng giá thấp hơn người sử dụng điện nhiều hơn", Tiến sĩ Ngô Trí Long nói.

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, nguyên liệu để sản xuất ra điện chủ yếu là nguyên liệu khoáng thạch, xăng; dầu; than… đây đều là những tài nguyên có hạn. Do đó, nhà nước luôn khuyến khích tiết kiệm điện, không khuyến khích người tiêu dùng dùng nhiều.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện hàng năm tăng rất nhanh từ 10-12% nhưng sản lượng điện sản xuất ra hiện vẫn chưa đáp ứng đủ. Vậy nên, muốn đáp ứng yêu cầu về Chính sách an sinh của Chính phủ và đảm bảo công bằng thì chỉ còn cách tính giá điện bậc thang.

Nhận định thêm về phương án tính giá điện, TS. Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá, cho biết để đảm bảo đủ điện, ngành điện trong những thời gian cao điểm vẫn phải huy động những nguồn điện giá cao, như chạy dầu. Do đó, phải tạo ra các bậc thang giá điện để khuyến khích tiết kiệm và giải quyết vấn đề an sinh.

"Nguồn cung về điện hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu và nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới đã được đặt ra. Bên cạnh đó, điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu khí..., có nguy cơ cạn kiệt. Đây là quy luật khan hiếm tài nguyên và càng dùng nhiều càng đắt. Do vậy, áp dụng biểu giá điện 5 bậc thang để khuyến khích người dân tính toán dùng điện cho hợp lý nhất", ông Thỏa phân tích.

Ông Nguyễn Anh Tuấn Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết bản chất của việc điều chỉnh là cơ cấu lại cách tính cho phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện chứ không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện.

Theo số liệu thống kê từ phía Bộ Công Thương, có hơn 1,2 triệu khách hàng dùng dưới 50 kWh/tháng. Khách hàng dùng từ 50-300 kWh/tháng là trên 18 triệu hộ (chiếm 72%). Số khách hàng sử dụng trên 700 kWh/tháng so với lần khảo sát năm 2015 đã tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 1,7% với sản lượng tiêu thụ khoảng 13%.

Với mỗi phương án đưa ra, Bộ Công Thương đều có tính toán, so sánh về số tiền khách hàng ở mỗi bậc thang phải chi trả so với phương án 6 bậc đang được áp dụng.

"Ví dụ, đối với phương án được Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn 5 bậc có thể khắc phục được các nhược điểm và hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng được hưởng lợi, trả tiền điện thấp hơn. Tuy nhiên, với phương án này, các hộ khách hàng sử dụng điện nhiều trên 700 kWh/tháng (0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8%) sẽ bị thiệt", ông Tuấn thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem