PNJ vinh dự có 6 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú ngành Kim Hoàn
PNJ vinh dự có 6 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú ngành Kim Hoàn
PV
Thứ năm, ngày 17/12/2020 10:00 AM (GMT+7)
Ngày 15/12/2020, tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội diễn ra lễ vinh danh các nghệ nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Trong đó 6 nghệ nhân đến từ Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) vinh dự được nhận danh hiệu cao quý.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu là những người đã được trao truyền, lưu giữ tinh hoa của nghề thủ công truyền thống, đồng thời luôn nỗ lực để duy trì phát triển nghề, sáng tạo thêm những tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Cùng với đó, không ngừng tiếp nối truyền nghề cho thế hệ sau và có đóng góp quan trọng, đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tầm vóc thương hiệu Việt Nam đến với thế giới. "Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được chọn làm quà tặng cho nguyên thủ các nước đến thăm Việt Nam và phụ vụ công tác đối ngoại của Nhà nước trong những năm vừa qua", Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Trong 5 năm qua, ngành nghề thủ công mỹ nghệ đã và đang có vị trí quan trọng trong hoạt động kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã có mặt ở 163 quốc gia, vùng lãnh thổ, không chỉ mang lại nguồn thu ngoại tệ, phát triển du lịch quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc.
Đối với nghề kim hoàn, các Nghệ nhân là những người có đôi bàn tay tài hoa, họ đều phải thuần thục các kỹ năng trong nghề như: Mài dũa, đánh bóng, xi mạ, gắn đá…Để tạo ra được một tác phẩm nữ trang theo ý muốn, các nghệ nhân cho biết đó là sự dày công đầu tư, say mê nghiên cứu bằng cả trí tuệ lẫn cảm xúc.
Chia sẻ cảm xúc bên lề buổi lễ, Nghệ nhân Ngân Vũ bày tỏ: "Sau khi hoàn thành một tác phẩm với hàng trăm chi tiết nhỏ, những kiến thức nghề đều in đậm trong đầu, dù sau này không cầm bản vẽ cũng có thể tạo ra được một sản phẩm giống hệt như bản cũ, đó là vì mình qúa yêu say nghề".
PNJ, cái nôi sản sinh ra những bậc thầy ưu tú trong ngành kim hoàn
Hiện, PNJ luôn mang trong mình một khát vọng đưa ngành kim hoàn Việt Nam ra thế giới. 30 năm trước, khi mà trong nước vẫn chưa có trường đào tạo nghề kim hoàn, với mong muốn xây dựng đội ngũ nhân lực giỏi chỉ còn cách đi học nước ngoài, mời các chuyên gia và nhân rộng ra theo hình thức tự đào tạo.
Tại đây, các nghệ nhân được cử đi tu nghiệp tại nhiều nước trên thế giới như: Đức, Đan Mạch, Ý, Singapore, Thái Lan… để học hỏi tinh hoa ở các nước phát triển trong ngành, từ đó ứng dụng vào công việc và truyền đạt lại cho các học viên sau này. Hầu hết, các Nghệ nhân được vinh danh lần này là những người thầy đã và đang trực tiếp giảng dạy, đào tạo hàng trăm, hàng nghìn thợ, học viên kim hoàn tại PNJ.
Các nghệ nhân đều là những người có kiến thức sâu rộng, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Song song với đó, họ có khả năng kết hợp giữa kỹ thuật thủ công truyền thống và các máy móc thiết bị hiện đại để để giảng dạy và truyền đạt lại cho các lớp đàn em đang làm việc và theo học nghề kim hoàn tại PNJ. Họ là những người giữ lửa nghề và truyền giúp người thợ trẻ am hiểu kỹ thuật chuyên môn và phát triển tư duy sáng tạo, óc thẩm mỹ, từ đó sản sinh ra các thế hệ nghệ nhân tài hoa tiếp theo.
"Tại PNJ, ngoài tay nghề truyền thống xưa nay, các nghệ nhân còn áp dụng thành thạo những kỹ thuật của thiết bị công nghệ mới trong chế tác kim hoàn để chế tạo ra những sản phẩm tinh xảo, vừa đạt được yếu tố thẩm mỹ lẫn mang lại giá trị thương mại cao", Ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc Truyền Thông Đối Ngoại PNJ chia sẻ.
Cũng theo ông Tẩn, trong ngành kim hoàn, ngoài tài năng còn đòi hỏi các nghệ nhân phải có cái tâm với nghề. Với ý tưởng sáng tạo tốt, đôi bàn tay khéo là chưa đủ mà còn phải kiếm cho mình chữ tín. Một khi đôi tay của anh có nghề và có uy tín thì nghề sẽ mang lại cho anh nhiều giá trị khó mà đóng đếm hết được.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hoàng đúc kết kinh nghiệm để trở thành một người thợ kim hoàn giỏi. "Với người thợ kim hoàn, "Nhân bất tín bất lập", tức không có sự chân thật, uy tín thì không thành nghề. Làm nghề mà không ham học hỏi thì khó mà giỏi giang được. Nhờ những bài học sơ đẳng này mà hàng nghìn học trò của tôi không ít người bây giờ đã là nghệ nhân kim hoàn có tiếng ở miền Nam, họ giỏi hơn cả tôi".
Nghệ nhân Phan Văn Tiên nói về sự gắn bó với nghề kim hoàn hơn nửa thế kỷ của mình. Con người chính là nền móng của ngôi nhà PNJ, với những phẩm chất đã được tôi luyện và thử thách trong suốt bao nhiêu năm qua, đó là sống và làm việc trung thực, thẳng thắn, biết yêu thương nhau và biết đấu tranh cho những gì tốt đẹp. PNJ là nơi giúp họ có thể phát triển bản thân và thăng hoa trong sự nghiệp.
Vào tháng 10/2020, PNJ vinh dự trở thành Doanh nghiệp kim hoàn xuất sắc nhất Châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là bước khẳng định về những khát khao mà vị thuyền trưởng tài ba Cao Thị Ngọc Dung đã mơ ước từ những ngày đầu mới thành lập công ty, đưa PNJ – thương hiệu kim hoàn Việt trở thành thương hiệu hàng đầu châu Á và thế giới, và trong hành trình ấy, không thể thiếu sự góp sức quan trọng của những nghệ nhân ưu tú được công nhận hôm nay và hơn 1.000 thợ kim hoàn lành nghề đang công tác tại công ty PNJ hiện tại.
6 Nghệ nhân PNJ được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú ngành kim hoàn năm 2020:
Nghệ nhân Nguyễn Duy Hưng: sinh năm 1967, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông hiện là người thợ, đồng thời là người thầy có chuyên môn cao về chế tác được tất cả các dòng hàng nữ trang trên thị trường. Năm 1995, tác phẩm "Kiềng Cổ - Hòa Bình" ông Hưng chế tác đã đoạt giải nhất tại Hội thi trang sức SJC; tác phẩm "Vòng tay" đoạt giải nhì năm 1997, do Hội thi trang sức SJC, do Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tổ chức. Năm 2005, ông Hưng đã được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý TP.HCM phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Kim hoàn. Hiện tại, ông Hưng là Trưởng Bộ phận kỹ thuật chế tác thủ công tại PNJ.
Nghệ nhân Mai Anh Thi: sinh năm 1967, ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Hiện nay, ông là người có khả năng chế tác các loại sản phẩm trang sức kim hoàn bằng kỹ thuật thủ công truyền thống từ thiết kế cho đến hoàn thiện sản phẩm bằng sáp, bằng kim loại. Ông có tác phẩm đoạt giải quán quân như "Tiếng thu", tác phẩm "Pháo hoa"; tác phẩm "Gốc Hoa" đoạt giải nhì Hội thi Bàn Tay Vàng cấp thành phố; thể loại Vòng cổ được chọn để trưng bày tại Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia Hội quán Lệ Châu - Đền thờ Tổ nghề kim hoàn TP.HCM…
Nghệ nhân Trần Ngọc Ngân Vũ: sinh năm 1969, ngụ tại Phú Nhuận, TP. HCM, hiện công tác tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ), ông đang phụ trách công việc chế tác sản phẩm nữ trang và đào tạo chuyên viên chế tác nữ trang. Tác phẩm
"Mai - Lan Trúc - Cúc" đoạt đồng Giải nhất với ông Phạm Duy Phương trong cuộc thi tay nghề do Hội SJC và Hội đồng vàng tổ chức năm 1999. Năm 2000, tác phẩm bộ trang sức "Rồng bay" đoạt đồng Giải nhất với ông Trần Văn Dân; tác phẩm nữ trang vòng "Lông công" đá Ruby và Saphia đạt Giải ba do Hội SJC và Hội đồng vàng tổ chức. Năm 2003, ông Vũ nhận danh hiệu Nghệ nhân Kim hoàn do Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP. Hồ Chí Minh trao và nhận nhiều bằng khen của UBND TP.HCM và các tổ chức trao tặng. Hiện ông Vũ đảm nhiệm Trưởng Trung tâm bảo hành tại PNJ.
Nghệ nhân Phan Văn Tiên: sinh năm 1954, quê ở An Nhơn, Châu Thành, Đồng Tháp, hiện cư ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Nói đến nghệ nhân Phan Văn Tiên, trong giới thợ kim hoàn ở miền Nam hầu như ai cũng biết. Nhiều người thợ kim hoàn đã thành danh lẫn mới học nghề đều trân trọng gọi ông là "Sư phụ Tiên" với nhiều giai thoại về nghề rất độc đáo..Năm 2005, ông Phan Văn Tiên được công nhận danh hiệu Nghệ nhân kim hoàn do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh phong tặng. Năm 2018, tác phẩm "Hạnh phúc" thể loại cài áo được chọn để trưng bày tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Hội quán Lệ Châu - đền thờ Tổ nghề kim hoàn TP.HCM.
Nghệ nhân Phạm Bảo Phát: sinh năm 1953, hiện ngụ tại Gò Vấp. Ông có kỹ thuật chế tác hàng tay thủ công 100%, bán thủ công và hàng xuất khẩu; chế tác khuôn, mẫu Master cao cấp theo quy chuẩn PNJ và nước ngoài. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm vòng tay cẩn hột, nhẫn, bông tai, lắc, dây…đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi danh giá như Hội thi nữ trang TP.HCM (1992,1994,1995,1996,1997) do SJC và Hội đồng vàng thế giới tổ chức; vòng cổ "Vườn hồng" trưng bày tại Hội quán Lệ Châu, TP.HCM. Năm 2003, ông được Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn Đá Quý TP.HCM xét tặng danh hiệu Nghệ nhân kim hoàn.
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Hoàng sinh năm 1975, hiện ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Trong ngành kim hoàn ở TP.HCM, danh hiệu là nghệ nhân được trao tặng không nhiều và người trẻ tuổi như anh Hoàng lại càng hiếm. Nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Tiến Hoàng đã có nhiều tác phẩm kim hoàn đoạt giải thưởng trong các cuộc thi gần đây. Chẳng hạn như tác phẩm "Bộ trang sức đá Sapphire - Phượng Hoàng" tại Hội thi Nữ trang TP.HCM; Năm 2004, Nguyễn Tiến Hoàng đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Nữ trang TP.HCM với tác phẩm "Dây cổ Hồn Việt", do Công ty PNJ và Hội đồng vàng thế giới tổ chức. Năm 2011, Nguyễn Tiến Hoàng được phong tặng Nghệ nhân kim hoàn, do Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM và Hội đồng vàng thế giới công nhận khi anh mới 36 tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.