Món quà quý của vùng quê này đang được tham gia Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang năm 2020.
Không ngừng cải tiến
Là người con của miền Tây sông nước, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều đã quá quen thuộc với cây cà na - loài cây hoang dã mọc cặp bờ sông, trái chín rụng nổi lều phều trên mặt nước khi vào mùa nước nổi. Cây cà na đã gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ, trở thành nỗi nhớ, ký ức đẹp của những người con xa quê.
Chị Kiều cho biết, thấy trái cà na chín rụng lãng phí nên cách nay hơn 10 năm, chị đã gom lại làm cà na muối, mọi người khen ngon nên đặt chị làm nhiều hơn.
“Bà con nông dân và các em học sinh trong vùng thấy tôi làm cà na muối nên hái trái bán cho tôi. Do cà na muối lúc đó chưa tiêu thụ được nhiều nên tôi mua không hết số lượng cà na tươi. Nhìn thấy mấy em nhỏ bán cà na kiếm tiền đi học mà mình không mua cũng thấy lòng xót xa. Thế là tôi nghiên cứu sản xuất rượu cà na với hy vọng tiêu thụ được nhiều cà na hơn cho bà con và học sinh” - chị Kiều nhớ lại.
Năm 2009, chị Kiều bắt tay thử nghiệm rượu cà na. Do đây là sản phẩm mới, chị lại là người làm đầu tiên nên chẳng có quy trình hay công thức nào để học hỏi, buổi đầu sản xuất rượu cà na gặp rất nhiều khó khăn.
“Đặc thù của trái cà na là có vị chua, chát nên sản xuất rượu cũng mang theo hương vị này. Nếu mình ướp đường nhiều thì rượu quá ngọt, không phù hợp với khẩu vị người dùng, còn để ít đường lúc ngâm thì rượu lại có vị chua nhiều.
Để tạo ra sản phẩm hợp khẩu vị người dùng, tôi tự mày mò điều chỉnh công thức ngâm rượu, tất cả các sản phẩm đều mời người quen dùng thử, góp ý. Mất 4 năm, tôi mới nghiên cứu hoàn chỉnh công thức sản xuất rượu cà na, sản phẩm có màu sắc đẹp tự nhiên, hương vị thơm ngon được nhiều người tiêu dùng chấp nhận” - chị Kiều thông tin.
Bên cạnh rượu cà na, trái cà na muối, cơ sở Hòa Kiều còn sản xuất thêm cà na ngào đường, mứt cà na để đa dạng sản phẩm. “Với rượu cà na, tôi chỉ sử dụng trái cà na mọc hoang dã, loại trái đặc trưng được thu mua từ các vùng quê của An Giang, chứ không sử dụng cà na Thái. Cà na hoang dã tuy chua, chát và ít thịt hơn cà na Thái nhưng chính những đặc tính này tạo ra hương vị rất riêng cho rượu cà na. Tôi muốn xây dựng sản phẩm thành quà tặng để bất cứ ai nếm qua rượu cà na đều có cảm giác tìm lại ký ức tuổi thơ ở miền quê sông nước” - chị Kiều bộc bạch.
Tâm huyết với quê hương
Dù là sản phẩm vùng quê nhưng rượu cà na Hòa Kiều vẫn mang dáng dấp của hiện đại. Chị Nguyễn Thị Diễm Kiều cho biết, để lưu thông ra thị trường, chị đã chú trọng xây dựng thương hiệu, uy tín cho sản phẩm; nhãn hiệu, bao bì, vỏ chai đều được đặt thiết kế, sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2013, cơ sở rượu cà na Hòa Kiều được Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rượu. Sản phẩm rượu cà na đã được công bố chất lượng tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang; nhãn hiệu rượu cà na Hòa Kiều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.
Năm 2015, rượu cà na Hòa Kiều đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu huyện Tịnh Biên, rồi đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh An Giang 1 năm sau đó (2016). Năm 2018, cơ sở rượu cà na Hòa Kiều được UBND tỉnh khen thưởng cơ sở thường xuyên tham gia kết nối giao thương.
Năm 2019, được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao cúp và chứng nhận Thương hiệu Việt uy tín. Sản phẩm rượu cà na Hòa Kiều vừa được Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP huyện Tịnh Biên đánh giá đạt yêu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, chuyển Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP tỉnh An Giang thẩm định trong năm nay.
Theo chị Kiều, từ khi sản xuất rượu cà na đến nay, cơ sở luôn có nguồn cà na hoang dã ổn định, do người dân ở Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên cung ứng thường xuyên. Từ loại trái “rụng trôi đầy sông”, giá trị kinh tế của cà na ngày càng tăng.
“Cà na là loại cây dễ trồng, đất nhiễm mặn hay phèn đều có thể tận dụng trồng được. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây cà na còn có tác dụng giữ đất, chống sạt lở bờ sông. Với rượu cà na, tôi muốn nâng loại trái cây hoang dã lên tầm cao mới, xây dựng sản phẩm trở thành món quà đặc trưng của An Giang” - chị Kiều tâm huyết.
Ngoài tiêu thụ tại chỗ, rượu cà na Hòa Kiều hiện phân phối trong siêu thị Tứ Sơn, các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, điểm du lịch ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, bán lên TP. Hồ Chí Minh. Nhờ được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2013 chỉ đạt 3.000 lít thì năm 2019 đạt doanh số 12.000 lít, dự kiến năm 2020 là 20.000 lít.