Dân Việt

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau

Hoàng Hoài 05/08/2021 08:15 GMT+7
Với hai chiếc vỏ khổng lồ và lực kẹp lớn, những con trai khổng lồ này được ví như một chiếc bẫy đáng sợ dưới đáy biển và gán cho biệt danh "sát thủ".

Dưới vùng biển của đảo Palau ở tây Thái Bình Dương, từ hơn 3.000 năm trước, trai khổng lồ đã là một phần của thực đơn hàng ngày và trở thành nét ẩm thực đặc trưng của nơi này. Nhiều công cụ cổ xưa trên đảo được làm từ vỏ của chúng. Nhưng từ phương Tây đến phương Đông, loài động vật này là nhân vật chính trong nhiều truyền thuyết rùng rợn.

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau - Ảnh 1.

Quần đảo Rock nằm trong số hàng trăm đảo tạo nên quốc gia Palau- nơi sinh sống của đa số trai khổng lồ. Ảnh: BENJAMIN LOWY / GETTY

 

Hình ảnh đáng sợ trong truyền thuyết của trai khổng lồ

Trai khổng lồ có tên khoa học là Tridacna, xuất phát từ tiếng Hy Lạp, kết hợp của "tri" (ba) và "dakno" (miếng), vốn để mô tả việc con người ăn chúng, chứ không phải "trai ăn thịt người" như thường bị lầm tưởng. Pliny giải thích trong cuốn Natural History: Trong chuyến thám hiểm, Alexander phát hiện ra những con trai lớn ở vùng Ấn Độ Dương và đặt tên cho chúng là tridacna, nghĩa là "to đến mức phải ăn ba miếng mới hết".

Trước khi đạo Công giáo được truyền bá đến Palau vào thế kỷ 18, sinh vật này xuất hiện trong truyền thuyết địa phương dưới dạng con trai khổng lồ ở vùng biển khởi nguyên. Con trai lớn dần, lớn dần đến lúc nó sinh ra Latmikaik, thủy tổ của loài người.

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau - Ảnh 2.

Một thợ lặn với con trai khổng lồ ở Raja Ampat, Indonesia. Ảnh: BILL45 / SHUTTERSTOCK

Nhưng trong thế giới phương Tây, "trai khổng lồ" đồng nghĩa với "trai sát thủ" trong phần lớn thế kỷ 19 và 20. Tất cả đều không có chứng cứ - không một câu chuyện lịch sử, tin tức, nghiên cứu khoa học hay thậm chí là một câu chuyện chưa xác minh nhưng có khả năng xảy ra - về chuyện có người từng bị con trai khổng lồ kẹp chết.

Có thể, thời xưa ở quần đảo Polynesia, một đứa trẻ bị kẹt chân trong miệng trai khổng lồ, vốn rất nhiều ở vùng nước nông, và lời cảnh báo của bố mẹ lan truyền thành chuyện kể. Hoặc một ngư dân đã kể chuyện bịa cho bạn bè, và câu chuyện được truyền miệng. Tất cả chỉ là trí tưởng tượng của con người, nhưng những lời đồn lan ra và bắt rễ sâu đến mức khó lòng bị xóa bỏ.

Sinh vật đẹp đẽ bị mang tiếng xấu: trai khổng lồ

Các nhà tự nhiên học đầu tiên quan sát trai khổng lồ ở vùng biển nhiệt đới thuộc Thái Bình Dương mô tả chúng với lời khen ngợi dành cho sinh vật sặc sỡ, nổi bật giữa các rạn san hô. Bơi qua những con trai màu sắc ở Philippines, nhà nghiên cứu động vật thân mềm người Anh - Hugh Cumingghi - mô tả chúng giống như "một thảm hoa tulip tuyệt đẹp".

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau - Ảnh 3.

Màu sắc đặc biệt của con trai khổng lồ góp phần tạo ra những rạn san hô sặc sỡ. Ảnh: alamy.com

 Nhưng các cây bút nổi tiếng đã thêm những chi tiết phóng đại vào phần thông tin khoa học để thu hút người đọc, tạo dựng hình ảnh của loài trai khổng lồ ăn thịt người, thậm chí là cả cá mập.

Trong cuốn Elements of Zoology xuất bản năm 1885, Charles Frederick Holder cảnh báo: "Chúng khỏe đến mức những con cá mập và cá đuối lớn vô tình bơi ngang đã bị kẹp lại".

Vào những năm 1920, tờ Popular Mechanics đưa tin rằng ở Papua, "thợ lặn dẫm phải miệng những con quái vật này thường bị kẹp chặt đến mức không thể thoát ra, và thường chết đuối". Đến những năm 1930, mục du lịch của tờ New York Times Sunday mô tả chúng là "ác mộng của biển Australia", với chiều dài hơn 4 m khiến "nhiều người địa phương và thợ lặn bị kẹp chân không thể sống sót".

Những câu chuyện này bắt rễ sâu rộng đến mức nhiều thập kỷ sau, hướng dẫn lặn cho người nhái của Hải quân Mỹ vẫn có phần dành cho việc tự giải thoát nếu bị trai khổng lồ kẹp: Bằng cách cắm dao vào giữa khe hở và cắt cơ khép to của con vật.

Ngay cả khi các nhà khoa học bắt đầu khám phá ra vai trò của trai khổng lồ trong hệ sinh thái ở rạn san hô vào những năm 1960, hình ảnh "sát nhân" của chúng vẫn tồn tại bền bỉ, từ trên truyền hình đến các điểm tham quan ven đường.

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau - Ảnh 4.

Loài trai khổng lồ bị gán cho hình ảnh "sát thủ" trong văn hóa đại chúng. Ảnh: atlasobscura

Như cá mập khát máu, sói hung ác và rắn độc, những câu chuyện hoang đường về "trai giết người" sinh ra từ nỗi sợ hãi với những điều chưa hiểu rõ của con người, và lớn dần khi ngày càng có nhiều người tiến ra chinh phục biển cả. Trên thực tế, chúng mới là loài phải sợ con người.

Tương lai u ám của trai khổng lồ

Trai khổng lồ là món ăn đặc sản được yêu thích của người dân địa phương và khách du lịch ở Palau và nhiều khu vực ở Thái Bình Dương. Chúng được ăn sống với chanh, nấu súp, làm bánh kếp, hoặc thái lát và đem xào. Thời xưa, chúng là "thức ăn cho ngày bão", dễ bắt và chế biến khi trời mưa gió, khi ngư dân không thể ra khơi đánh cá.

Với luật bảo vệ biển thuộc hàng nghiêm ngặt nhất trên thế giới và ngành nuôi trai khổng lồ phát triển, những cá thể trai hoang dã của Palau có cơ hội sống sót. Trung tâm Biểu diễn Văn hóa biển Palau nhân giống hàng trăm nghìn con trai khổng lồ mỗi năm, cung cấp cho các nông dân nuôi trai địa phương. Họ sẽ nuôi chúng và bán cho nhà hàng, công ty thủy sản... Điều này giúp giảm áp lực lên quần thể trai khổng lồ hoang dã. Tuy nhiên, khi các quốc gia khác đánh bắt loại hải sản này quá mức, vùng biển Palau trở thành mục tiêu của hoạt động khai thác trái phép

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau - Ảnh 5.

Vỏ trai khổng lồ bị khai thác quá mức làm đài phun nước hay bồn rửa mặt ở những căn nhà ven biển. Ảnh: Alamy.com

Loài vật tuyệt đẹp này từng phổ biến ở khu vực nước nông và những rạn san hô ở vùng nước nhiệt đới thuộc Thái Bình Dương, đến mức nhà nghiên cứu Cuming mô tả đi thuyền qua cả dặm toàn trai khổng lồ. Chúng sống quần tụ để sinh sản: Trai trưởng thành thả cả tinh trùng và trứng vào nước, nên chúng cần ở gần nhau để có thể thụ tinh.

Nhưng chỉ hai thế kỷ sau khi Cuming thấy đáy biển toàn trai khổng lồ, giờ đây, số lượng của chúng còn lại quá ít ỏi trong môi trường tự nhiên để có thể sinh sản một cách thuận lợi. Cùng với sự đánh bắt của con người và biến đổi khí hậu, tương lai của loài trở nên u ám hơn bao giờ hết.

Hết hồn với 'trai giết người' khổng lồ ở Thái Bình Dương và sự thật đằng sau - Ảnh 6.

Những cụm trai khổng lồ còn sót lại sẽ sớm biến mất với tình trạng hiện tại. Ảnh: atlasobscura

Palau lập ra khu vực biển được bảo vệ thuộc hàng lớn nhất trên thế giới - lên đến gần 500.000 km2 - tương đương diện tích bang California, Mỹ, nhưng chỉ có hai tàu tuần tra hải quân.

Năm 2012, hai sĩ quan hải quân Palau và phi công người Mỹ gặp tai nạn khi tìm kiếm tàu đánh bắt trai khổng lồ trái phép ở rạn san hô Helen, bang Hatohobei. Đến giờ, hài cốt của họ vẫn chưa được tìm thấy. Những con trai bị đám săn trộm bỏ lại. Chắc hẳn, chúng đã lăn xuống đáy biển như đá cuội, xuống vùng nước sâu hơn nơi cả đời chúng sống.