Chung "chiến trường" nhưng khác "chiến tuyến"
Vừa tiêm xong mũi vaccine phòng Covid-19 thứ 2, đôi bạn trẻ Trung Nguyên và Vân Anh đã sắp xếp ít đồ dùng vào chiếc ba lô nhỏ, ghi tên mình vào danh sách tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM.
Đã yêu nhau được 4 năm và tham gia nhiều chương trình tình nguyện, song lần này họ gặp khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Dù vậy, đôi bạn trẻ vẫn sẵn sàng, hy vọng có thể góp sức vào công cuộc chống dịch Covid-19 của thành phố.
Trung Nguyên và Vân Anh là sinh viên của Học viện Quân y Hà Nội. Hai người cùng đăng ký tham gia chống dịch và có mặt tại TP.HCM vào hôm 23/8, lúc này thành phố đang "nóng như chảo lửa".
Tuy cả hai cùng tham gia hỗ trợ nhưng lại được phân ở 2 nơi khác nhau. Cả hai không có cơ hội gặp gỡ, hay có những buổi hẹn hò đúng nghĩa như các cặp đôi khác.
"Em được tăng cường về quận 12, còn người yêu của em thì ở quận 7, thời gian đầu công việc rất nhiều, hầu như mỗi ngày chỉ tranh thủ buổi tối chúc nhau ngủ ngon.
Chúng em được phân làm các công việc như lấy mẫu cộng đồng, quản lý chăm sóc F0 tại nhà, cấp cứu và hỗ trợ chuyển tuyến lên bệnh viện khi bệnh nhân trở nặng do Covid-19 và đôi khi còn hỗ trợ những người dân đau ốm do các bệnh thông thường", Nguyên chia sẻ với phóng viên Dân Việt.
Trung Nguyên và Vân Anh đều xa nhà vài tháng để đi chống dịch nên rất nhớ gia đình. Một ngày của tình nguyện viên chống dịch cũng đối diện với đủ vui buồn. Nhưng nghĩ tới giờ giải lao, hay lúc cuối ngày được gọi điện cho nửa kia để tâm sự, cả hai lại có thêm động lực.
"Trong những giờ nghỉ ngơi, hai đứa mình nhắn tin cho nhau, kể cho nhau nghe ngày hôm đó của đối phương như thế nào. Rồi cùng giỡn vui cho nhau cười, động viên tinh thần nhau cùng nhau cố gắng và cảm thông cho nhau nhiều hơn.
Những tháng qua, mình được gặp gỡ, hỗ trợ và được làm việc chung cùng các anh chị sinh viên trường y dược, được mọi người chỉ bảo rất nhiều kiến thức mà mình chưa biết tới", Nguyên kể.
Những ngày đầu vào TP.HCM của hai người thật ngỡ ngàng khi những con đường vắng vẻ, chỉ còn những chốt kiểm soát, thỉnh thoảng vọng lại những tiếng xe cấp cứu.
"Lúc mới vào, bọn em hơi ngợp vì khối lượng công việc quá nhiều trong khi số người thì quá ít. Khi tiếp xúc với những người bệnh là F0, ban đầu em cũng có lo lắng nhưng rồi cũng quen và sự đồng cảm với người dân nơi đây đã làm cho chúng em không còn lo lắng nữa", Nguyên nhớ lại.
Gặp lại nhau trong tâm thế người chiến thắng
Yêu trong thời điểm dịch căng thẳng, hai bạn trẻ đều có nhiệm vụ riêng khiến khoảng thời gian dành cho nhau chẳng được nhiều. Vốn là con gái nên nhiều lúc Vân Anh không khỏi tủi thân và cô đơn. Tuy nhiên, cô đã xem như đây là động lực để bản thân có đủ sức mạnh vượt qua mọi thử thách.
"Có rất nhiều lý do khiến chúng mình cảm thấy đối phương là người mình muốn nắm tay suốt cuộc đời, trong đó, mình nghĩ việc cùng chung chí hướng, đam mê và sở thích là một trong những lý do quan trọng", Vân Anh nói.
Chia sẻ về những kỷ niệm của 2 người trong quá trình chống dịch, Vân Anh kể, có lần thành phố tổ chức cho các đoàn công tác tham quan Củ Chi - Cần Giờ, hai người nghĩ đây là cơ hội duy nhất để được gặp nhau sau bao ngày xa cách. Nhưng đến hôm đó rất nhiều người bệnh trở nặng cần hỗ trợ nên cả hai quyết định hoãn chuyến đi để chăm sóc cho bệnh nhân.
"Cũng tiếc và buồn lắm, nhưng biết làm sao được, người dân cần chúng em nên không gặp lúc này thì gặp lúc kia, một chút hy sinh để đồng cảm phần nào đó mất mát với người dân", Vân Anh bộc bạch.
Sau gần 2 tháng hoàn thành nhiệm vụ, cả 2 được gặp nhau tại Trung đoàn Gia Định và trở về trong tâm thế chiến thắng nhưng điều làm Nguyên vẫn thấy áy náy là bản thân còn nhiều thiếu sót vì hơn 20.000 người dân đã ra đi vì dịch bệnh. Nguyên và Vân Anh đều hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, để các lực lượng tuyến đầu chống dịch được trở về với gia đình và mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường.