Tờ báo của Đức cho biết đơn đặt hàng được giao trong hai đợt, đợt đầu Ukraine được giao 2.300 chiếc, đợt sau là 576 chiếc. Kiev đã thanh toán cho lô hàng bằng tiền của mình.
Vũ khí chống tăng vác vai RGW90 có trọng lượng 8,9kg, trong đó tên lửa nặng 2,6kg. Chiều dài lúc tác chiến là 1,15m, và chiều dài khi được rút gọn để hành quân là 1m. Sơ tốc đầu nòng của RGW90 đạt 250 m/s; tầm bắn hiệu quả đạt 500m. Tên lửa của RGW90 đủ khả năng xuyên qua 0,5m thép đồng nhất.
Hôm 21/6, Chính phủ Đức lần đầu tiên công bố danh sách vũ khí trang bị được chuẩn bị cung cấp cho Ukraine. Trong đó bao gồm 30 pháo tự hành Gepard, một hệ thống phòng không IRIS-T, ba hệ thống tên lửa phóng loạt Mars, 22 xe tải và 80 xe bán tải. Cũng trong hôm này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết đất nước ông đã nhận được 2000 khẩu pháo Panzerhaubitze của Đức.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Berlin cung cấp cho Kiev chủ yếu là vũ khí hạng nhẹ.
Trong số các vũ khí sát thương mà Berlin cung cấp cho Kiev cho đến nay, có 3.000 súng phóng lựu chống tăng cơ động Panzerfaust 3, 500 tên lửa Stinger do Mỹ thiết kế, 2.700 tên lửa phòng không Strela (do Liên Xô thiết kế).
Ngoài ra, còn có 100 súng máy MG3, 14.900 quả mìn chống tăng, 50 tên lửa phá boongke, 16 triệu băng đạn cho vũ khí hạng nhẹ, 100.000 lựu đạn…
Bên cạnh đó, Đức cũng cung cấp cho Ukraine 23.000 mũ bảo hiểm chiến đấu, 178 xe và 30 xe bọc thép, bộ dụng cụ sơ cứu và các vật tư y tế khác, cũng như phụ tùng cho máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô sản xuất.
Nga nhiều lần lên án việc các nước phương Tây vận chuyển vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định động thái này sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài.