Làng chài cổ Việt Hải đang là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan TP Hải Phòng.
Xã Việt Hải được bao quanh bởi Vườn quốc gia Cát Bà và vịnh Lan Hạ. Để đi đến được làng chài cổ, có 2 cách là đi tàu, thuyền, ca nô từ bến Bèo, đảo Cát Bà (thuộc TT.Cát Bà, H.Cát Hải) hoặc đi bộ xuyên Vườn quốc gia Cát Bà. Chính vì vị trí địa lý đặc biệt như vậy nên xã Việt Hải còn được người dân ở H.Cát Hải gọi là “đảo ở trong đảo”.
Chúng tôi đến làng chài cổ Việt Hải bằng ca nô từ bến Bèo. Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Việt Hải) vừa điều khiển ca nô lướt trên dòng nước trong xanh của biển Cát Bà vừa cho biết, năm nay du khách ra tham quan làng chài rất đông. Những năm trước đây, đa phần du khách qua thăm làng chài là người nước ngoài nhưng mấy năm gần đây, du khách trong nước đến tham quan nhiều hơn.
Những ngày cuối tháng 7-2022, sóng trên biển Cát Bà khá mạnh nên tiếng va đập của ca nô với sóng làm một số người trong đoàn của chúng tôi tỏ ra lo lắng. Ông Hùng trấn an: “Chỉ vài phút chạy ngoài biển sóng mạnh thôi, khi vào vịnh Lan Hạ sẽ rất êm”.
Quả thực khi rẽ vào vịnh Lan Hạ, ca nô chạy êm hơn. Mọi người bắt đầu trầm trồ về vẻ đẹp kỳ vỹ, hoang sơ và thực sự mãn nhãn với khung cảnh thiên nhiên trên vịnh Lan Hạ khi được hít thở không khí trong lành cùng làn nước xanh ngắt, được ngắm cảnh xung quanh là những hòn đảo lớn nhỏ phủ màu xanh của rừng nguyên sinh Cát Bà.
Nếu không đến làng chài cổ Việt Hải bằng đường thủy thì có thể đi bộ xuyên Vườn quốc gia Cát Bà. Tuyến đường xuyên rừng đến xã Việt Hải rất dài, khoảng 12km, quanh co và khá khó khăn. Do đó, tuyến đường biển được đánh giá đơn giản hơn nhiều so với đường xuyên rừng quốc gia Cát Bà.
Dọc đường đi là những bè nuôi hải sản được sắp xếp gọn gàng ven các đảo trên vịnh. Đa phần các bè nuôi hải sản này là của người dân ở làng chài cổ Việt Hải. Ngoài ra, trên vịnh còn khá đông tàu, thuyền chở khách du lịch dừng, đậu tại chỗ cho du khách ngắm vịnh, chèo thuyền vào tham quan các đảo nhỏ…
Sau gần20 phút di chuyển bằng ca nô, làng chài cổ Việt Hải hiện ra trước mắt chúng tôi là một hòn đảo, nhìn giống như ngọn núi phủ xanh bởi rừng. Vừa điều khiển ca nô đi sát vào bến tàu lên làng chài Việt Hải, ông Hùng vừa nói: “Nét hấp dẫn của làng chài cổ Việt Hải chính là cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nguyên sơ, trong lành và yên tĩnh, mang đặc trưng của cả vùng biển và rừng nguyên sinh, rất ít các khu du lịch khác có được”.
Nhìn từ vịnh Lan Hạ, làng chài cổ Việt Hải hầu như không có ngôi nhà nào ven biển như những làng chài khác. Để vào được làng chài, chúng tôi phải di chuyển bằng xe điện khoảng 10 phút đi qua con đường nhỏ ven núi mới đến nơi. Khung cảnh hiện ra trước mắt chúng tôi không phải những ghe, thuyền, ngư cụ mà mang đậm cảnh sắc của một làng quê nông thôn Bắc bộ với cánh đồng trồng lúa, trồng bắp, đàn trâu đang ăn cỏ khá tĩnh lặng và yên bình.
Đem thắc mắc vì sao ngôi làng này có tên làng chài cổ Việt Hải, một số người dân địa phương cho biết, làng này có bề dày lịch sử cả trăm năm. Trước đây, khi các ngư dân đi đánh bắt cá ngang vịnh Lan Hạ tình cờ gặp bão lớn đã dừng lại trú nghỉ tại một hòn đảo và phát hiện nguồn nước ngọt trong thung lũng nên đã định cư luôn nơi đây để trồng trọt, chăn nuôi.
Nhiều năm về trước, xã đảo Việt Hải gần như biệt lập do đường sá đi lại khó khăn và mọi lương thực, thực phẩm phải tự cung, tự cấp. Ngày nay, người dân trong làng không còn làm nghề chài lưới nhiều mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ du lịch, homestay nhưng nơi đây vẫn được gọi là làng chài cổ với ý nghĩa là những người tìm đến đây sinh sống đầu tiên là những ngư dân.
Làng chài cổ Việt Hải hiện có 89 hộ gia đình. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của địa phương được H.Cát Hải quan tâm đầu tư khang trang, có cả UBND xã, trạm y tế, trường học, hệ thống cung cấp nước sạch, điện lưới quốc gia.
Anh Nguyễn Hoàng Hiệu (ngụ xã Việt Hải) cho biết, hiện nay người dân chuyển qua làm du lịch nhiều vì thu nhập khá, lại đỡ vất vả hơn làm nghề chài lưới. Đa phần, người dân mở dịch vụ cá massage chân, cho thuê homestay, cho thuê xe đạp, chở khách tham quan quanh làng chài bằng xe điện... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Thanh, thiếu niên trong vùng cũng được học hành đàng hoàng. Nhiều người tốt nghiệp đại học, cao đẳng rồi ở lại thành phố làm việc, rất ít thanh niên về đây. Riêng những người làm nghề chài, lưới đa phần lớn tuổi, không có việc làm.
Cũng theo anh Hiệu, làng chài cổ Việt Hải nằm trong tuyến trung gian giữa du lịch khám phá rừng biển rất phù hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Du khách đến làng chài, nhất là du khách nước ngoài rất thích thuê xe đạp chạy vòng quanh làng để ngắm cảnh vì cảnh sắc ở đây rất đa dạng vừa có biển, có núi, có rừng, có đồng ruộng.
Hầu như tất cả còn rất nguyên sơ nên du khách tha hồ hít thở không khí trong lành, đắm mình trong không gian yên tĩnh hiếm có nơi phố thị ồn ào. Thậm chí, có du khách còn trải nghiệm làm ruộng và tỉa bắp cùng người dân địa phương. Ngoài ngắm cảnh, du khách còn có thể tham quan một số địa điểm như: nhà cổ, hang Dơi, đồi Hải Quân...
Tại làng chài cổ Việt Hải không có nhà hàng, khách sạn nhưng có khá nhiều người dân địa phương làm homestay và cung cấp dịch vụ ăn uống tại chỗ để phục vụ yêu cầu của khách du lịch với những món hải sản tươi sống, ngon ngọt có tiếng của vùng biển Cát Bà được đánh bắt hoặc nuôi trên bè ở biển Cát Bà, vịnh Lan Hạ.
Chị Nguyễn Thị Phương Anh (ngụ TT.Cát Hải, H.Cát Hải) cho biết, sinh sống ở H.Cát Hải từ nhỏ nhưng đây là lần đầu tiên chị đến xã Việt Hải. Quả thực nơi này rất đẹp và khác biệt, khác hẳn không khí ồn ào, náo nhiệt ở TT.Cát Bà.
Trước đây, rất ít người có thể đến đây vì đường đi rất khó khăn, hiểm trở. Ngày nay, giao thông và các dịch vụ du lịch khá phát triển nên việc đi tham quan dễ dàng hơn. “Không khí ở làng chài thật trong lành và mát mẻ. Trải nghiệm tại làng chài cổ là một trải nghiệm tuyệt vời của gia đình tôi giữa mùa hè nóng bức như hiện nay” - chị Phương Anh nói.