Bỏ nhà vì nhiều nguyên nhân
Gần đây, nhiều trường hợp các bạn trẻ bỏ nhà đi bụi không báo với gia đình rồi đột nhiên trở về hoặc được tìm thấy đã được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội.
Chị Lê Thúy Nga, đồng sáng lập nền tảng mạng xã hội Spiderum.com, trang web với hơn 100.000 thành viên trẻ và thường xuyên có những bài viết, chia sẻ về chính giới trẻ cho biết việc bỏ nhà, hay thuật ngữ khác là dạt nhà, đi bụi cũng là chủ đề được các bạn quan tâm. Một bạn sinh viên năm thứ 3 đại học đã viết bài chia sẻ câu chuyện 1 tháng dạt nhà của mình có nguyên nhân từ việc không thể trò chuyện được cùng bố mẹ. Bất cứ khi nào mở lời, bạn sẽ nhận được chỉ trích hoặc những lời nói dễ gây tổn thương.
Khi đọc câu chuyện này và cũng như nhiều trường hợp tương tự về sự xung đột trong gia đình, thường người lớn sẽ có thể cho rằng đó là những lý do lãng xẹt “chỉ mâu thuẫn một tí, chỉ mắng mỏ một tẹo mà đã bỏ nhà đi. Bọn trẻ thật yếu đuối”.
Chị Thúy Nga lại cho rằng một bạn trẻ nào đấy quyết định bỏ nhà đi thường là kết quả của một quá trình tích tụ những mâu thuẫn, đứt gẫy khó hàn gắn trong mối quan hệ với gia đình.
Bỏ nhà để đặt điều kiện hoặc yêu sách với bố mẹ cũng cần được chỉ ra khi số con mỗi gia đình ngày một ít đi, kèm theo sự quan tâm, chiều chuộng ngày một nhiều hơn. Nhưng cách thức này cho thấy một cách hành xử trẻ con của các bạn. Và nếu lặp đi lặp lại nhiều, sẽ chẳng còn ai tin cũng như quan tâm tới việc bạn bỏ nhà đi. Thậm chí cả khi bạn trẻ đó rơi vào nguy hiểm cũng sẽ khó có sự trợ giúp kịp thời.
“Nó giống như chuyện cậu bé chăn cừu ngu ngốc giả vờ việc bị sói tấn công. Quá nhiều lần bị lừa, khi sói đến thật, không còn ai xuất hiện để trợ giúp cậu nữa. Chị Thúy Nga nêu ví dụ.
Trường hợp này, những mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái không thể giải quyết được triệt để. Nhưng cũng có trường hợp như chị Nga chia sẻ, việc bỏ nhà đi chỉ đột ngột xuất hiện khi bạn trẻ bị hấp dẫn bởi một điều gì đó từ bạn bè.
“Thật ra cũng có nhiều câu chuyện bỏ nhà đi rất buồn cười chứ không hẳn đến từ một mâu thuẫn khủng khiếp. Mình có lần từng nghe một tác giả của Spiderum.com về việc một ngày tự nhiên thấy người bạn của anh chạy chiếc xe mới đến nhà và ở độ tuổi hai mươi, anh cảm thấy rất ngầu, thế là trèo lên xe với bạn ấy đi đến tỉnh khác độ dăm bảy ngày”. Chị Thúy Nga chia sẻ một trong số những tình huống thoạt nghe khá hồn nhiên và gây cười.
Chuyện bỏ nhà đi với việc tách khỏi gia đình ra sống độc lập của giới trẻ có một ranh giới khá rõ ràng, không hẳn căn cứ vào việc bạn đã đủ 18 tuổi và đã có quyền công dân, không còn chịu sự giám sát từ bố mẹ. Bởi trong nhiều trường hợp, khi mới chỉ bước vào bậc THPT, nếu đi du học hoặc học trường chuyên của địa phương nào đó, bạn trẻ đã buộc phải sống xa nhà, buộc phải bắt đầu cuộc sống tự lập. Nghĩa là ở đây có sự đồng thuận từ gia đình. Còn chuyện bỏ nhà đi thường liên quan đến sự đứt gãy nào đấy và khiến cho các bạn một sự bức xúc, quyết định ra đi mà không có sự chuẩn bị trước cũng như không có sự đồng thuận từ gia đình.
Một nguyên nhân khác khiến người trẻ dạt nhà nằm ở sự bùng nổ của mạng xã hội với việc các bạn trẻ tham gia các hội nhóm. Ở đâu đó có những chỉ dẫn về việc tự làm đau bản thân, việc sử dụng chất kích thích hoặc bỏ nhà đi. Mạng xã hội đem đến những kết nối được các chuyên gia tâm lý, giáo dục đánh giá “khá đáng sợ”. Internet hay game hoàn toàn không nên bị coi như tác nhân xấu khiến bạn trẻ bỏ nhà đi. Nhưng nếu lạm dụng, bạn sẽ bị mất kết nối với cuộc sống, với người thân và để mình bị lạc lối trong thế giới ảo với những chỉ dẫn nguy hiểm thực sự khi trở lại cuộc sống thực. Nó khiến nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ nhiều khi cảm thấy gần gũi, thân quen một người lạ hơn chính người thân trong gia đình. Và từ đây, bạn trẻ có thể bị lừa gạt hoặc bị dụ dỗ để làm việc này việc kia lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật.
Hãy giữ cho mình an toàn khi rời bỏ gia đình mà chưa có sự chuẩn bị
Trong tình cảnh bạn trẻ cảm thấy không thể chịu nổi, không thể có giải pháp cho mâu thuẫn với các thành viên gia đình và muốn rời bỏ nhà ra đi theo chị Thúy Nga, việc đầu tiên bạn hãy nghĩ đến những nơi chốn để mình có thể nương tựa. Ví dụ như nhà của bạn bè, nhà của người thân những người mà mình thực sự làm quen biết và tin tưởng như ông bà, cô chú bác. Giải pháp này cùng lúc giữ cho bạn an toàn đồng thời tách khỏi mâu thuẫn đỉnh điểm, giúp bạn có thêm thời gian yên tĩnh để suy nghĩ, bình tâm tìm giải pháp.
Điều chị Nga lưu ý các bạn trẻ đặc biệt tránh tự làm tổn thương bản thân bằng cách ngủ bờ ngủ bụi hay vào các hàng quán bar rồi say sưa để bản thân mình bị mất kiểm soát, bị kẻ xấu lôi kéo hoặc hãm hại.
Còn việc mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình, đặc biệt với bố mẹ khi giải quyết cần tìm đến sự đồng thuận thật lòng. Chị Thúy Nga nêu ví dụ nếu việc bạn trẻ đang muốn học trường này, muốn làm một công việc kia, khác với mong muốn của phụ huynh, thay vì tranh cãi nảy lửa, bạn hoàn toàn có thể cố gắng chứng minh và hãy tìm đến sự đối thoại, dù đôi khi thực sự sẽ rất khó khăn.
Các bạn trẻ có thể đặt ra những cái ranh giới. Ví dụ như là có thể là mục tiêu của bạn là A và bố mẹ muốn lại là B, rất là xa nhau. Nhưng để tìm điểm ở giữa thì chúng ta sẽ nhượng bộ mỗi bên một chút: con sẽ làm điều này và ngược lại thì bố mẹ hãy ủng hộ con bằng việc cho phép con thực hiện mong muốn kia.
“Sau những thuyết phục, trao đổi, dần dần hai bên cũng sẽ tìm được tiếng nói chung và thực sự là nếu mà khi con cái cất lên được tiếng nói trưởng thành như thế, tôi tin là các bậc phụ huynh cũng phải nhìn nhận lại để không nói những từ ngữ hoặc dùng những lời lẽ xúc phạm hay là gây tổn thương với con”.
Còn trường hợp bố mẹ không lắng nghe, không công bằng, không nhẹ nhàng trong các chia sẻ thì đôi khi lí do nằm ở việc họ từng là nạn nhân khi từng sống đúng trong môi trường như vậy, được giáo dục như thế. Và khi làm bố mẹ, họ áp dụng đúng những gì đã trải qua suốt những năm tháng ấu thơ và tuổi trẻ. Ví dụ như họ cũng từng nói mà không ai nghe hay là luôn luôn chịu sự áp đặt một chiều từ phụ huynh. Việc hiểu về bố mẹ sẽ khiến người trẻ thông cảm với những cách cư xử chưa chuẩn mực và cũng khiến các bạn trưởng thành hơn.