Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 13/3 đã bắn tên lửa đạn đạo, bay khoảng 1.000 km, trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, Yonhap đưa tin.
Seoul cho hay Bình Nhưỡng có thể đã thử hệ thống tên lửa mới, bao gồm ICBM nhiên liệu rắn, vũ khí được Triều Tiên giới thiệu tại lễ diễu binh hồi tháng 2.
KCNA ngày 14/4 xác nhận Triều Tiên đã thử nghiệm loại tên lửa nhiên liệu rắn.
Mỹ và Hàn Quốc lên án vụ phóng ICBM của Triều Tiên. Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết đồng minh đã họp và khẳng định sẽ tăng cường phòng thủ trước các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Trả lời Zing, tiến sĩ Petr Topychkanov, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nói rằng tên lửa rắn sẽ có nhiều ưu thế để đặt trong tình trạng sẵn sàng so với tên lửa nhiên liệu lỏng, khi nó mất ít thời gian để khai hỏa hơn.
“Việc phát triển công nghệ tên lửa rắn sẽ giúp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đáng tin cậy hơn, bền vững hơn, và sẽ đe dọa được các mục tiêu tầm xa”, ông nói.
Đồng quan điểm, ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết tên lửa rắn có thể được phóng chỉ sau vài phút chuẩn bị. Hệ thống tiếp nhiên liệu và trang bị ống phóng (như mẫu ICBM Triều Tiên vừa giới thiệu hồi tháng 2) cũng được khép kín, giúp tăng tính ngụy trang cho tên lửa rắn.
Truyền thông Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã 7 ngày không trả lời các cuộc gọi từ Seoul thông qua đường dây liên lạc quân sự.
Hôm 10/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi tiếp tục mở rộng khả năng răn đe của đất nước.