Dân Việt

Thực dân Pháp khép Trần Quý Cáp vào án "Mạc tu hữu", vậy án này bất nhân ra sao?

Đ.T 25/05/2023 21:30 GMT+7
Mặc dù không tìm ra chứng cứ, nhưng thực dân Pháp vẫn kết tội tử hình Trần Quý Cáp bằng bản án cực kỳ bất nhân "Mạc tu hữu"...

Trần Quý Cáp còn có tên khác gọi là Nghị, sau đổi thành Quý Cáp và tên chữ là Dã Hàng, Thích Phu. Ông sinh năm Canh Ngọ - 1870 tại làng Bất Nhị, nay thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nông dân. Khi học ở trường Đốc (trường tỉnh) ông nổi tiếng là một học trò thông minh và là một trong 6 người học trò giỏi nhất tỉnh Quảng Nam ngày ấy, đó là Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang, Trần Quý Cáp.

Năm Giáp Thìn - 1904, qua kỳ thi Hội đến thi Đình, ông trúng cách trên hai vị hoàng giáp là Đình nguyên Đặng Văn Thụy (quê ở Nghệ An) và Hội nguyên Huỳnh Thúc Kháng (quê ở Quảng Nam) để đỗ nhất giáp đồng tiến sĩ.

Thực dân Pháp khép Trần Quý Cáp vào án "Mạc tu hữu", vậy án này bất nhân ra sao? - Ảnh 1.

Tượng chí sĩ Trần Quý Cáp. Ảnh: QN.

Đạt được thành tích rực rỡ ấy, nhưng Trần Quý Cáp không dùng tấm bằng để tiến thân theo đường quan chức, mà muốn đem kiến thức và sở học của mình cùng một số bạn hữu có cùng chí hướng thực thi việc nâng cao dân trí, vận động cải cách xã hội. Từ một tiến sĩ Hán học, giác ngộ chủ thuyết Duy Tân, ông đã trở thành một con người đổi mới hoàn toàn khác từ tư duy đến nhận thức và hành động. Thậm chí, sự thay đổi ấy đến mức bị một số người cho là ông đã phát cuồng. Ông đi nhiều nơi trong tỉnh, đánh trống nhóm họp dân và say sưa diễn thuyết về Duy Tân, đến nỗi chính quyền Nam triều phải ra lệnh cấm ông diễn thuyết.

Năm 1905, bộ ba Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp thực hiện chuyến "Nam du" qua các tỉnh duyên hải miền Trung để tìm hiểu, khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương. Khi đến Bình Định, các ông đã gặp kỳ khảo hạch. Khi đó, các sĩ tử tập trung khá đông và ba ông đã mượn tên Đào Mộng Giác làm một bài thơ, một bài phú cùng ứng hạch. Bài thơ "Chí thành thông thánh" do Phan Châu Trinh chấp bút; bài phú "Lương Sơn danh ngọc" do ông Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp chấp bút. Nội dung bài thơ và bài phú này đều phê phán lối học từ chương, khoa cử, đồng thời lên án chính sách ngu dân, bần cùng hóa dân ta của bọn thực dân cướp nước và chính quyền bù nhìn đương thời. Bài thơ và bài phú này đã gây một tiếng vang lớn trong giới nho sinh thời bấy giờ.

Năm 1906, ông được lệnh bổ giáo thọ phủ Thăng Bình. Đến nhiệm sở, ông mời ngay những người biết chữ Quốc ngữ, chữ Tây về dạy cho học trò, từ đó chủ trương này lan nhanh ở trong tỉnh, cụ thể là tại các trường Diên Phong, Phú Lâm, Phước Bình... Thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã nhận ra nguy cơ về những hoạt động của ông, nên chúng đã đổi ông vào làm giáo thọ ở Ninh Hòa (Khánh Hòa). Năm 1908, sau khi ông vào Ninh Hòa hơn một tháng thì ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bùng lên cuộc biểu tình chống thuế cự sưu.

Hốt hoảng trước phong trào đấu tranh sôi sục của quần chúng, bọn quan lại đầu tỉnh Khánh Hòa là Án sát Nguyễn Văn Mại và Bố chánh Phạm Ngọc Quát, theo mật lệnh của Khâm sứ Trung kỳ là Lévecque đã câu kết với tên công sứ Pháp ở đây để bắt giam ông. Sau đó, bọn chúng buộc tội cho ông là "đại phản nghịch" và kết án ông thuộc loại án "Mạc tu hữu" (tức là án không cần phải có chứng cứ). Thế rồi chúng đưa ông ra chém ở bãi Sông Cạn (Ninh Hòa).

Chí sĩ Phan Bội Châu trong bài điếu văn Trần Quý Cáp đã viết:

- Nhớ khi ông tới trường chém, dao đã kề cổ, còn ung dung xin với quan giám trảm cho đặt án, đốt hương, áo mão nghiêm trang, bái tạ quốc dân năm bái, rồi khảng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách.

Trần Quý Cáp đã ngã xuống dưới lưỡi gươm bạo tàn của tay sai phong kiến thực dân với bản án "Mạc tu hữu", hôm đó là ngày 17-5-1908. Hay tin này, chí sĩ Phan Châu Trinh trong bài "Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký" đã cho rằng "cái án ấy có 8 điều oan và 6 điều gian".

Lời bàn:

Trần Quý Cáp cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng là ba người khởi xướng phong trào Duy Tân, với mục đích cuối cùng là cổ vũ dân quyền và tiến tới khôi phục chủ quyền cho đất nước. Để ngăn chặn phong trào đã và đang lan rộng ở các tỉnh Nam - Trung kỳ, thực dân Pháp đã rắp tâm hãm hại ông. Mặc dù không tìm ra chứng cứ, nhưng kẻ thù vẫn kết tội tử hình ông bằng bản án cực kỳ bất nhân "Mạc tu hữu". Hay tin kẻ thù đã sát hại Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu đã khóc viếng người đồng chí của mình bằng đôi câu đối: "Ngọc nát hơn ngói lành, ba chữ ngục thành, khóc rền núi biển; Lông hồng nhẹ mà non Thái nặng, nghìn năm luận định chói rạng trời sao". Và giọt nước mắt thống thiết này đã thể hiện rõ ý nghĩa sự hy sinh cao cả của Trần Quý Cáp.

Ngày ấy, thực dân Pháp cùng chính quyền bù nhìn của nhà Nguyễn tưởng rằng giết Trần Quý Cáp là chắc chắn dập tắt được phong trào Duy Tân, nhưng chúng đã lầm! Lịch sử của dân tộc đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: Tấm lòng tận trung báo quốc cùng với tinh thần cách mạng của ông vẫn luôn được gìn giữ và phát huy ở mỗi người dân Việt. Bằng chứng là hậu thế ngày nay lớp lớp noi gương ông trên tất cả các lĩnh vực để thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp của ông, ở các thành phố trong cả nước có nhiều con đường được mang tên ông. Đây là bằng chứng hậu thế mãi mãi ghi nhớ về công lao và sự nghiệp của ông.