Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao trực tiếp thực hiện.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Theo đó, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 diễn ra với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Ông đánh giá thế nào về chủ đề của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024?
Thứ nhất, chủ đề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 đã thể hiện và bám sát nội dung của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua. Nghị quyết có nhiều nội dung mới, điểm nhấn mang tầm chiến lược, lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ hai, chủ đề cũng đã thể hiện "khát vọng hướng về tương lai" của người nông dân Việt Nam trong thời đại mới. Đây vừa là nền tảng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn phát triển, đồng thời "khơi dậy khát vọng, sự bền bỉ trong hành động". Đây là điều kiện, cơ sở để xây dựng cho các tổ chức kinh tế ở nông dân vững mạnh và xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, tận hiến cho đất nước.
Thứ ba, thông qua các ý kiến, kiến nghị, tâm tư của nông dân, HTX, cán bộ, hội viên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ thấy rõ hơn những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, từ đó ban hành những chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX, kinh tế hộ, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là về nguồn lực và khoa học công nghệ.
Dưới góc độ chuyên gia nhiều năm theo dõi ngành nông nghiệp, theo ông Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 cần nhấn mạnh vào các vấn đề gì, từ đó hướng tới xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”?
Trước tiên, cần nhấn mạnh vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương trong việc xây dựng các kế hoạch dài hạn về phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Thực tế, người nông dân vừa đóng vai trò nguồn cung và cũng là người tiêu dùng. Bởi vậy, sản xuất xanh- sạch - an toàn là điều chúng ta cần hướng tới. Vấn đề này cần được truyền đi với thông điệp một cách mạnh mẽ từ người đứng đầu Chính phủ.
Đặc biệt, yếu tố khoa học- công nghệ trong nông nghiệp rất quan trọng, khi mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57- NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có nhiều nội dung, điểm mới đột phá. Trên thực tế, KHCN trong nông nghiệp hiện nay cần ưu tiên vào sản xuất chế biến; công nghệ sinh học; chuyển đổi số cũng cần được quan tâm. Đây là các yếu tố rất quan trọng để tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, hướng đến xuất khẩu và có thể cạnh tranh với các sản phẩm nông sản của các nước trên thế giới, từ đó tạo dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Mặt khác, xây dựng và thực hành nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Điều này đem lại lợi ích kép, giúp tăng năng lực xuất khẩu, đặc biệt khi chúng ta đang tận dụng rất tốt 16 Hiệp định FTA thế hệ mới.
Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cũng là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, khuyến khích. Để nông nghiệp tăng trưởng 1% thì phải đầu tư 4%. Năm 2024, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng GDP ước khoảng 3,3% thì phải đầu tư 13%, tuy nhiên, nhiều năm qua nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng. Trong xu thế chúng ta đang chuẩn bị bước vào "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", nếu không có nguồn lực đầu tư xứng đáng cho nông nghiệp thì sẽ rất khó phát triển.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đầu tư liên kết vùng. Hiện ở nhiều tỉnh, thành phố dư địa phát triển nông nghiệp đã hẹp dần, thiếu không gian để phát triển, nhất về đất đai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo thế hệ người nông dân mới, nông dân chuyên nghiệp để thực sự trở thành những người dẫn dắt nông dân trong các tổ chức kinh tế, đặc biệt trong các chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, cần tổ chức lại sản xuất với mục tiêu chuyển từ "số lượng sang tối ưu chất lượng" trên cùng một diện tích. Ví dụ, trước đây, nông dân trồng cây ăn quả thì quả cứ phải sai trĩu trịt, trồng lúa thì năng suất cứ phải thật cao... Việc đặt mục tiêu về năng suất lên hàng đầu khiến việc đưa ra quyết định sản xuất và mức đầu tư thiếu khoa học, lãng phí, hiệu quả và lợi nhuận thấp. Hiện nay, giá phân bón tăng rất cao, đầu tư quá lớn, thậm chí lãng phí phân bón vô cơ để có năng suất cao, nhưng có khi tính ra thì không có lãi.... Vì thế, để đưa ra quyết định sản xuất thế nào cho phù hợp, cần hội tụ, phân tích rất nhiều yếu tố, lựa chọn quy trình sản xuất nào là tối ưu nhất.
Trước khi diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của bà con nông dân, các hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có kênh từ Hội Nông dân 63 tinh, thành phố, từ hai Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói", từ các chuyên mục "Lắng nghe nông dân", "Nông dân gửi tâm tư tới Thủ tướng" trên Báo điện tử Dân Việt và qua các kênh tiếp nhận khác. Ông đánh giá gì về sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị đối thoại của người đứng đầu Chính phủ với nông dân lần này?
Tôi cho rằng, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã lựa chọn chủ đề rất "đúng" và "trúng". Thời điểm này, các địa phương đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, Trung ương cũng đang tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XIV. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 là những thông tin rất quan trọng để đóng góp vào các Nghị quyết này.
Hội nghị được tổ chức đúng vào thời điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2024 đạt mốc kỷ lục, trên 62 tỷ USD, từ đó, tạo cho nông dân, HTX, ngành nông nghiệp một niềm tin rất lớn vào sự phát triển của "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" Việt Nam.
Tại Hội nghị, người nông dân, HTX, cán bộ hội viên cũng sẽ có cơ hội được chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành.
Cá nhân ông khi được tham gia Hội nghị đối thoại lần này, thay mặt các chuyên gia, ông sẽ chia sẻ những ý kiến gì gì với Thủ tướng?
Tham gia Hội nghị, tôi sẽ chia sẻ với Thủ tướng một số vấn đề sau đây:
Trên thực tế, qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có những bước thay đổi lớn, người nông dân cũng ngày càng có thu nhập cao hơn, trở thành những nông dân văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, có một số vấn đề, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá lại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, chúng ta đã có kinh nghiệm và thành công trong việc kêu gọi "đại bàng" là các doanh nghiệp FDI lớn ở các lĩnh vực công nghiệp, điện tử, máy móc… đầu tư vào nước ta trong nhiều năm qua. Vậy, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ sẽ có chính sách, chiến lược gì để kêu gọi, thu hút các "đại bàng" là các công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?
Thứ hai, việc thực hiện chủ trương "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, dự kiến trong nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng tới đây, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ được đặt ở vị trí như thế nào để thực sự đột phá, thay đổi toàn diện, mà nói như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng? Và đây cũng là thời cơ, thời điểm để nông nghiệp, nông dân Việt Nam bước vào kỷ nguyên đó?
Xin cảm ơn ông!
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao trực tiếp thực hiện.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến. Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự dưới sự chủ trì của Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị, còn có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Dân vận Trung ương; Ban Đối ngoại Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Tuyên giáo Trung ương;...
Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; các đồng chí Thường trực tỉnh, thành Hội Nông dân và các ban, đơn vị trực thuộc, Thường trực Hội Nông dân cấp huyện; đại diện các nông dân tiêu biểu với dự kiến khoảng 4.000 đại biểu.