Dân Việt

Ông Tập gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của ông Abe

Đăng Nguyễn - SCMP 09/07/2022 16:34 GMT+7
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9.7 đã gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ông Tập nêu bật nỗ lực của ông Abe nhằm cải thiện mối quan hệ song phương Trung-Nhật.

img

Ông Tập (phải) từng dự định thăm Nhật Bản năm 2020 nhưng chuyến thăm bị hoãn lại vì Covid-19.

Ông Abe là Thủ tướng Nhật tại vị lâu nhất kể từ thời Thế chiến 2, bị ám sát vào ngày 8.7 khi đang tham gia một cuộc vận động tranh cử cho đảng Dân chủ Tự do (LDP) ở thành phố Nara. Cái chết của ông Abe đã gây chấn động nước Nhật, nơi các vụ bạo lực súng đạn hiếm khi xảy ra.

“Tôi vô cùng thương tiếc về sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe”, ông Tập nói trong thông điệp chia buồn gửi tới Thủ tướng Nhật Bản đương nhiệm Fumio Kishida, theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã.

“Ông Abe đã nỗ lực để cải thiện quan hệ Trung-Nhật trong nhiệm kỳ. Ông ấy và tôi đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc xây dựng quan hệ Trung-Nhật trong kỷ nguyên mới”, ông Tập cho biết.

Ông Tập nói thêm rằng mình sẵn sàng làm việc cùng ông Kishida để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Phu nhân ông Tập là bà Bành Lệ Viện cũng đã gửi lời chia buồn tới người vợ góa của ông Abe là bà Akie Abe, theo Tân Hoa Xã.

Ông Abe, 67 tuổi, từng là Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 2006 – 2007 và hai nhiệm kỳ từ năm 2012 – 2020. Ông Abe nắm quyền trong giai đoạn quan hệ Trung-Nhật căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông và căng thẳng liên quan đến việc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc trong Thế chiến 2.

Năm 2018, ông Abe có chuyến thăm gây chú ý tới Bắc Kinh. Ông Tập dự định thăm Nhật Bản, gặp ông Abe vào năm 2020 nhưng chuyến thăm bị hoãn vì dịch bệnh Covid-19. Lần gần nhất một Chủ tịch Trung Quốc tới Nhật Bản là vào năm 2008.

Theo giới quan sát, quan hệ Trung-Nhật dưới thời ông Abe tương đối ổn định, dù Trung Quốc có thời điểm bày tỏ lo ngại về các quyết sách của ông.

Sau khi ông Kishida lên nắm quyền, quan hệ Trung-Nhật có nhiều căng thẳng liên quan đến chủ quyền Biển Hoa Đông và vấn đề Đài Loan.

Lãnh đạo Nhật Bản cùng lãnh đạo Hàn Quốc, Úc và New Zealand gần đây đã tham dự hội nghị NATO tại Madrid (Tây Ban Nha) với tư cách là khách mời.

Phản ứng sau hội nghị NATO, Bắc Kinh cảnh báo NATO về tham vọng mở rộng ảnh hưởng tới châu Á – Thái Bình Dương, cảnh báo điều này chỉ càng thổi bùng xung đột.