Dân Việt

“Vỡ mộng” làm giàu với cây sachi (bài 3): Tỉnh táo khi quyết định đầu tư

Thiên Hương 13/09/2019 15:45 GMT+7
Từng có một thời những cái tên cây sachi, mắc ca, cà chua thân gỗ, hay trước đó là cây dó bầu... liên tục được quảng cáo rầm rộ là cây tiền tỷ, “vua của các loại hạt”, giá bán từ 500.000 – 800.000 đồng/kg nhưng không có mà bán. Với sachi, viễn cảnh “hái” ra tiền, đổi đời đã khiến nhiều nông dân mạnh dạn bỏ tiền vào đầu tư mà không tính toán kỹ, và bây giờ đang gánh hậu quả...

Cây tiền tỷ hay chỉ “thổi phồng”?

Nếu tính cả diện tích 12ha mà Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai đồng ý cho các công ty trồng khảo nghiệm thì đến nay, diện tích cây sachi tại Gia Lai khoảng hơn 200ha, trong đó một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Sâm Phát, Công ty CP Sacha Inchi Việt Nam, Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên… đã liên kết với các hộ dân trồng khoảng 119ha để hướng tới xuất khẩu.

Chưa kể, ở Đăk Lăk, người dân cũng trồng khoảng hơn 200ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Búk, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ…, mà phần lớn là trồng tự phát.

img

Sachi - cây trồng được mệnh danh “bạc tỷ” nhưng tại Gia Lai đang ở tình cảnh  vườn thì bỏ hoang, vườn thì chặt phá...  Ảnh:  T.H

Theo Phòng NNPTNT huyện Krông Năng (Đăk Lăk), trên địa bàn huyện có gần 100ha diện tích trồng sachi. Toàn bộ diện tích này đều do người dân trồng tự phát. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng cây sachi khi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, hoặc nếu có hợp tác trồng sachi với các doanh nghiệp thì cần có hợp đồng sản xuất, nhưng thực tế là nông dân đều mạnh ai nấy làm.

Tháng 3/2018, gia đình ông Nông Văn Thiếp (trú tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng) đã chuyển đổi một số diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng 200 gốc sachi với hy vọng tìm được hướng đi mới. Đến cuối năm 2018, cây sachi bắt đầu cho thu hoạch thì giá hạt tụt dốc “không phanh” từ 180.000 đồng/kg còn 20.000 đồng/kg, tiêu thụ cũng rất chật vật khiến gia đình ông lâm cảnh khó khăn, không biết tiếp tục giữ hay phá bỏ.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thanh Bình - Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cho biết, sản phẩm từ cây sachi tại Đăk Lăk chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, quy trình chế biến, sản xuất cũng chưa hình thành. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, chỉ trồng khảo nghiệm ở các diện tích nhỏ, tránh rủi ro.

Trao đổi với phóng viên DANVIET.VN, ông Nguyễn Trí Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Tổng Thư ký Tổng hội NNPTNT cho biết, đến nay vẫn chưa có điều tra cụ thể, đánh giá chi tiết về hiệu quả kinh tế của cây sachi. “Ở một số mô hình thử nghiệm, dù cây sachi có thời điểm đem lại thu nhập cao hơn các loài cây khác như hồ tiêu, cà phê, nhưng đúng là cũng có một số nhà khoa học, doanh nghiệp nói hơi quá ý nghĩa thật của nó. Khi đã đưa vào sản xuất, trồng trọt thì chúng ta phải nhìn với tư duy kinh tế thị trường, phải biết trồng cây đó bán cho ai, giá cả ra sao, độ rủi ro thế nào…” - ông Ngọc nói.

Ở góc độ quản lý nhà nước, tới giữa tháng 1/2019, Bộ NNPTNT mới ban hành Quyết định 204/QĐ-BNN-TT về việc công nhận đặc cách giống dược liệu mới Sacha Inchi S18 (sachi), vùng sinh thái được công nhận đặc cách là các tỉnh phía Bắc. Như vậy, theo quyết định này, khu vực Tây Nguyên không nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây sachi.

Đừng để nông dân hoang mang trồng- chặt

Trước tình trạng nhiều nông dân Gia Lai, Đăk Lăk đang khó khăn, bí bách vì trót đầu tư trồng sachi ồ ạt, ông Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: Chúng ta nên có đánh giá khách quan trong bối cảnh nền nông nghiệp đang có sự chuyển đổi, nhất là ở khu vực Tây Nguyên. Sachi là loại cây nếu có doanh nghiệp lớn đồng hành ngay từ ban đầu, sẽ không có chuyện trồng rồi không thu mua, không bán được.

Cây sachi hiện nay tôi thấy hơi giống với cây chanh dây. Rất nhiều nơi người dân đang tự phát trồng chanh dây với diện tích lớn, nhưng nếu trồng mà không có nhà máy chế biến ngay tại chỗ, hoặc không có người thu mua về bán cho các nhà máy chế biến đã có sẵn thì nguy cơ lại đổ đi không hết”.

Ông Nguyễn Trí Ngọc

“Những năm gần đây, cà phê, hồ tiêu liên tục bị mất giá, người dân Tây Nguyên loay hoay đi tìm cây trồng khác. Trong lúc đó, sachi là cây rất dễ trồng. Mặc dù là giống cây dài ngày, nhưng lại cho quả nhanh. Lại đúng thời điểm thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu mua hạt sachi rất nhiều, bao nhiêu cũng mua, dẫn tới tình trạng dân đua nhau trồng. Lúc đó, cơ quan quản lý nhà nước đã cảnh báo phải trồng trên cơ sở có doanh nghiệp đầu tư, ký hợp đồng, nhưng người dân vì hám lợi trước mắt đã bỏ qua khuyến cáo” - ông Ngọc phân tích.

Đến bây giờ, thương lái Trung Quốc không thu mua, doanh nghiệp lớn cũng thờ ơ, người dân lâm vào tình trạng khó khăn. “Lẽ ra, chúng ta phải suy nghĩ tới câu chuyện xây dựng chuỗi giá trị, ngay từ đầu doanh nghiệp phải cùng vào cuộc, đồng hành với người nông dân. Thứ hai, cơ quan nhà nước phải có định hướng, xây dựng quy hoạch chi tiết, không phải chỉ là quy hoạch chung chung, trên giấy, còn việc đảm bảo thực hiện quy hoạch như thế nào lại là câu chuyện khác. Bên cạnh đó, chúng ta phải có cơ chế thích hợp để thu hút doanh nghiệp vào cùng làm ăn với nông dân, chứ không phải bỏ mặc nông dân thích trồng cây gì cũng được, liên tục trong vòng luẩn quẩn trồng – chặt hay đổ hết trách nhiệm cho doanh nghiệp”- ông Ngọc khẳng định.