Dân Việt

Tên cướp "bận bịu" nhất nước Mỹ và 30 vụ cướp trong 1 năm

Quốc Đạt 29/10/2019 10:32 GMT+7
Tỉnh dậy sau khi dùng heroin và giấc ngủ gật trên vô lăng, Anthony (cựu kỹ sư trưởng của Boeing) nhớ ra còn phải cướp ngân hàng nên vội vã lái xe.

Hết quãng đường 5 dặm về phía bắc, thấy không có chiếc SUV hoặc trực thăng nào đằng sau, Anthony mới quay trở lại ngân hàng KeyBank, chi nhánh ở Seattle, bang Washington.

Anthony xuống xe rồi bình thản bước qua cửa ra vào với chiếc ô che mưa giơ qua đầu để chắn camera, trong người không mang vũ khí như thường lệ. Lúc này là 17h25 ngày 11/2/2014.

img

Anthony Hathaway. Ảnh: FBI.

Sau khi đeo găng tay và mặt nạ, Anthony lớn tiếng yêu cầu mọi người nằm xuống sàn, tiếp cận giao dịch viên và đòi "tiền có mệnh giá lớn, 50 hoặc 100 USD".

Giao dịch viên ngoan ngoãn làm theo, đưa 2.310 USD cho Anthony. Tiền tới tay, tên cướp nhét vào túi và bình thản bước về phía cửa. Tất cả diễn ra chưa đầy một phút từ lúc hắn bước vào.

Nhưng khác với mọi lần, hôm đó cảnh sát đã phục kích sẵn bên ngoài để chờ Anthony – một trong những tên cướp ngân hàng có số lần gây án nhiều nhất trong lịch sử Mỹ với tổng cộng 30 vụ.

Anthony không chống cự cũng không chạy trốn mà chỉ giơ tay qua đầu và nằm sấp xuống đất. Ông ta cảm thấy cả thế giới như đè nặng lên mình, vừa thấy sợ những gì xảy đến tiếp theo nhưng cũng thở phào khi biết cơn ác mộng dài đã gần đến hồi kết.

Anthony kể từ bé sống ở ngay Seattle, học giỏi. Mới 20 tuổi và chỉ có bằng cấp III, Anthony được nhận vào làm cho tập đoàn Boeing với tư cách là thiết kế kỹ thuật khu bếp tàu bay, chủ yếu thực hiện công việc thiết kế trên máy tính. Sau 10 năm làm việc, Anthony thăng tiến lên vị trí kỹ sư – thành viên duy nhất trong nhóm không có bằng đại học đạt tới chức danh này.

11 năm tiếp theo, Anthony bay khắp thế giới để thiết kế bếp cho các hãng hàng không là khách hàng của Boeing và trở thành kỹ sư trưởng cho khu bếp ăn trên mẫu máy bay 747-8 Intercontinental của Boeing. Đầu những năm 2000, thu nhập của Anthony đạt mốc hơn 100.000 USD một năm, chưa tính tới lợi nhuận thu được từ việc nắm cổ phần trong một công ty bán đồ uống. Nhưng chỉ vài năm sau, tai họa ập đến.

Trong một lần chơi thể thao, Anthony bị chấn thương đĩa đệm, cơn đau dữ dội tới mức đôi khi không thể bước xuống giường. Sau hai lần phẫu thuật, Anthony được bác sĩ kê cho loại thuốc đặc chủng có khả năng giảm đau hiệu quả hơn bất cứ loại thuốc nào khác. Nhưng sự hiệu nghiệm của loại thuốc này khiến Anthony ngày càng bị lệ thuộc.

Sau vài năm, kỹ sư của Boeing nhận ra mình cần lượng thuốc giảm đau lớn hơn nhiều lần so với liều được kê. Qua một bác sĩ "chợ đen", Anthony mới thỏa mãn được cơn thèm thuốc.

Sau khi tạm nghỉ việc ở Boeing, Anthony và con trai phải dùng heroin hàng ngày, chi phí vượt quá mức thu nhập. Hai bố con nảy ra ý định cướp ngân hàng vào tháng 6/2011. Vụ cướp thất bại nhưng cảnh sát chỉ truy tố con trai của Anthony vì cảnh sát không đủ bằng chứng chứng minh Anthony là đồng phạm. Cùng thời điểm, Anthony bị Boeing sa thải vì bỏ bê công việc. Người kỹ sư với mức lương 6 con số một thời phải tới ở chung với mẹ, sống nhờ số tiền trợ cấp xã hội ít ỏi.

Làm việc với nhà chức trách sau khi bị bắt, Anthony nói trong những lúc tuyệt vọng nhất vẫn không bao giờ ăn trộm đồ gia đình với suy nghĩ "không muốn làm khổ người khác chỉ để mình sống tốt hơn một chút". Đầu năm 2013, Anthony tiếp tục nảy ra ý định cướp ngân hàng vì cho rằng tiền ở ngân hàng được bảo hiểm, mình không chiếm đoạt tiền của ai. Hơn nữa, ông ta còn nghe kể giao dịch viên Mỹ được đào tạo tuân theo lệnh của kẻ cướp. Vì thế nếu tấn công vào đây, Anthony sẽ không phải mang theo vũ khí, không làm hại người khác.

Để chuẩn bị, Anthony ăn cắp ôtô và tập dượt sao cho thời gian cả vụ cướp chỉ tốn 45 giây. Ông ta thử dùng đủ loại cải trang, cuối cùng chọn loại mũ len có thể kéo xuống chùm kín mặt nhưng vẫn có khe hở để nhìn. Mục tiêu đầu tiên của Anthony là ngân hàng gần văn phòng làm việc cũ, ít khi đông khách và gần xa lộ, có thể dễ dàng bỏ trốn.

Ngày 5/2/2013, Anthony thực hiện vụ cướp ngân hàng trót lọt đầu tiên ở Everett, bang Washington, lấy được 2.151 USD. Hai tuần sau, tên cướp tiếp tục ra tay với một ngân hàng khác và có được số tiền tương tự. Các vụ cướp cứ thế diễn ra. Anthony được báo chí đặt cho nhiều biệt hiệu như "Tên cướp Robot" hoặc "Tên cướp Người voi", dựa vào đặc điểm đồ hóa trang.

img

Hai chiếc mặt nạ tự chế của Anthony. Ảnh: FBI.

Trong 30 vụ cướp trải khắp năm 2013 với tần suất khoảng mỗi tuần một ngân hàng, vụ lớn nhất Anthony thu được là 6.396 USD nhưng cũng có lần ông ta phải trắng tay ra về vì ngân hàng trang bị kính chống đạn tại quầy giao dịch. Dù số tiền cướp được nhiều thế nào, Anthony nói đều tiêu hết sạch, chủ yếu là để mua heroin, đôi khi để trả tiền thuê nhà và đưa mẹ đi chơi. Tên cướp nói nếu "trúng quả đậm" 20.000 USD thì sẽ ngừng tay, nhưng ngày đó không bao giờ tới.

Theo lời khai của Anthony, mỗi khi cướp xong, ông ta đều vứt hoặc đốt bỏ găng tay, áo khoác hoặc giày dùng trong vụ cướp để loại bỏ bằng chứng ADN và tránh mặc lại đồ cũ. Anthony cũng nhận ra mình không phải ăn cắp xe mà hoàn toàn có thể thuê xe theo giờ của những kẻ nghiện ma túy khác.

Cứ cách một vài vụ cướp, Anthony lại đổi cách cải trang, đôi khi chỉ là chiếc áo phông trùm kín đầu và khoét chỗ cho hai mắt. Nếu cần, ông ta có thể dành nhiều ngày để chọn mục tiêu và chọn lúc không có khách hàng để ra tay (thường là buổi chiều).

Tuy vậy, nhà chức trách cho biết trong vụ cướp lần thứ 29 ở thành phố Lynwood, bang Washington, Anthony đã đi ngược lại những "quy tắc" trên khi gây án trong lúc ngân hàng vẫn đông khách. Khi Anthony ra khỏi cửa với số tiền 3.450 USD, một vị khách đã đi theo và chụp biển số xe minivan - chiếc xe Anthony mượn của chị gái đi cướp thay vì đi thuê.

Sau khi có được biển số xe, cảnh sát tìm ra chủ nhân chiếc xe, từ đó xác định được Anthony là nghi phạm. Một tuần sau, Anthony bị bắt sau khi thực hiện vụ cướp thứ 30, ngày 11/2/2014.

Nhà chức trách đánh giá Anthony có thái độ hợp tác trong cuộc điều tra, thành khẩn khai báo. Dù thủ đoạn cướp ngày càng tinh vi hơn, Anthony chưa bao giờ dùng vũ khí và chưa bao giờ làm hại ai trong khi thực hiện tội phạm.

img

Bản đồ những nơi Anthony đã cướp. Ảnh: FBI.

Năm 2016, Anthony bị phạt 8 năm 10 tháng tù về tội Cướp tài sản và Ăn trộm, phải bồi thường 76.500 USD với lãi suất 12%.  Sau 5 năm ngồi tù và ba năm được miễn giảm do cải tạo tốt, Anthony có thể được ra tù vào ngày 23/12 ở tuổi 50. Anthony nói đã vay tiền từ quỹ hưu để thuê nhà cho gia đình người con trai vừa mới ra tù và đang làm thợ mộc, dự định tới sống chung để trông cháu.

Hiện, Anthony chấp hành án tại khu vực an ninh tối thiểu của nhà tù Monroe, được làm năm buổi mỗi tuần với mức lương tối đa 55 USD một tuần. 20% thu nhập trong tù của Anthony sẽ được nộp vào tiền án phí và bồi thường thiệt hại.

Theo Bloomberg, Anthony là "tên cướp bận bịu nhất của Mỹ" và chỉ là một trong số rất nhiều người đã vô tình bị nghiện sau khi được kê đơn loại thuốc giảm đau nhóm opioid của công ty dược phẩm Purdue Pharma (Mỹ). Trong giai đoạn 1999-2017, cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau gây nghiện đã giết chết gần 400.000 người ở Mỹ, Guardian đưa tin. Mới đây, công ty này đã nộp đơn xin phá sản.