Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước (ảnh VGP).
Sáng nay (17/1), Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị đã tới dự.
Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, năm 2019, Ban đã đăng ký và được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng 8 đề án lớn. Đến nay cả 8 đề án đều đã được hoàn thành. Trong đó, Bộ Chính trị đã thông qua 6 đề án và ban hành 2 nghị quyết, 3 kết luận, 1 nghị quyết đang trình để ban hành. Đây là những đề án quan trọng làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội về các vấn đề như nông nghiệp, nông dân, nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc Ban Kinh tế Trung ương thực hiện tốt vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cấp chiến lược, đề xuất trình Bộ Chính trị ban hành nhiều chủ trương chính sách lớn, quan trọng về kinh tế-xã hội. Công tác phối hợp, hợp tác với Chính phủ thời gian qua có sự thống nhất cao, từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến thực tiễn, từ nghị quyết của Đảng đến nghị quyết của Chính phủ, không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hay “ông nói gà, bà nói vịt”.
Về vấn đề kinh tế-xã hội, Thủ tướng nêu nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy.
“Nếu chúng ta không thay đổi về tư duy kinh tế thì dẫu có điều chỉnh thể chế cũng vẫn là thể chế cũ, là “bình mới rượu cũ”, không thể có đột phá. Những tư duy mới của Đảng ta về xây dựng kinh tế trong thời kỳ mới có dấu ấn lớn mà Ban Kinh tế cơ quan tham mưu trong thời gian qua phải được tiếp tục phát huy. Trước đây chúng ta có Khoán 10, Chỉ thị 100 trong nông nghiệp. Gần đây là Nghị quyết 10, 11, 12, 52 và một số nghị quyết ban hành năm 2019 là những gì được gọi là đổi mới tư duy về kinh tế, một điều hết sức quan trọng đối với nước ta.
Một điểm rất đáng chú ý trong bài phát biểu của Thủ tướng là mô hình đặc khu kinh tế. Thủ tướng đặt vấn đề mô hình này đã giúp nhiều quốc gia vươn lên và nhanh chóng tham gia các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. Thời thế mới thì các mô hình đặc khu sẽ như thế nào? Có mô hình nào mà chúng ta có thể áp dụng để tìm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của nước ta? Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Chúng ta tiếp tục làm không? “Những mô hình thế giới, khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình mà chúng tôi nghĩ rằng phải tiếp tục nghiên cứu tốt hơn. Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ tiếp tục phối hợp xử lý vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề nước ta là một quốc gia biển với 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Như vậy, nền kinh tế không chỉ phát triển theo hướng bền vững mà còn phải gắn chặt với tài nguyên biển. Do đó, đường lối phát triển kinh tế biển như thế nào để tận dụng được tiềm năng kinh tế biển rất lớn của nước ta.
Người đứng đầu Chính phủ nói thêm về tận dụng cơ cấu dân số vàng cho phát triển đất nước.