Dân Việt

Đạp thằng bần ra cửa

27/12/2010 05:49 GMT+7
(Dân Việt) - Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cảm thán: “Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa”. Ông không chỉ ước mơ hộ người nghèo mà cho cả bản thân.

Trong những thành tựu của đất nước nhiều năm sau đổi mới, những gì đạt được trong xóa đói giảm nghèo có lẽ là thành tích làm ấm lòng người nhất. Và cũng là nỗi bức xúc nhất khi cái hố giàu nghèo mỗi ngày đang bị đào sâu thêm, nới rộng thêm.

Ngày Tết là thời điểm để người ta dễ dàng nhất nhận ra cái hố ấy trong gia đình trong thôn làng, ngõ phố. Biết và nhìn thấy, nhưng san lấp được cái hố ấy là giấc mơ của muôn đời và cũng là mơ ước khó thực hiện nhất trên đời.

Những con số làm chạnh lòng bất cứ ai còn lương tri: Gần Tết, báo chí đưa tin tiền thưởng cao nhất có nơi lên tới trên 400 triệu trong khi nơi thấp nhất hay đội ngũ giáo viên có thể chỉ vài chục ngàn đồng.

Lo Tết cho người nghèo đã trở thành truyền thống của dân tộc với hình ảnh lá lành đùm lá rách. Đến các nhà nho tuy cũng thuộc lớp nghèo nhưng vẫn chú ý “lo” cho người nghèo bằng tinh thần. Cụ Yên Đổ, cụ Tú Xương nghĩ câu đối, cho chữ người nghèo để họ có tờ giấy đỏ dán lên vách hay treo cạnh ban thờ ông bà. Điều đó thể hiện ở đôi câu đối của Nguyễn Khuyến: “Kiếm một cơi trầu qua biếu cụ/Xin đôi câu đối để thờ ông”.

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cảm thán: “Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa”. Ông không chỉ ước mơ hộ người nghèo mà cho cả bản thân. Tuy làm đến thượng thư nhưng vì thanh liêm nên vẫn nghèo túng: “Sáng mùng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”.

Lo Tết cho người nghèo không nên nói suông, hô khẩu hiệu cho kêu mà nên có một mục tiêu cụ thể phù hợp với hoàn cảnh từng người, từng vùng. Ngày Tết có thể người Việt mình không sợ đói mà chỉ sợ không có gì đặt lên ban thờ để cúng ông bà. Một cái bánh chưng, một đòn bánh tét, quả bưởi, vài cành hoa với nén nhang là những thứ không thể thiếu để làm yên ổn phần hồn của người nghèo...

Đương nhiên, trong một quốc gia đứng thứ hai về xuất khẩu gạo như nước ta, nếu để một ai, kể cả kẻ lang thang vô gia cư phải đứt bữa trong ngày Tết thì không thể chấp nhận. Có thể không lo đủ cho người nghèo trong ngày thường, nhưng không thể vì bất kỳ lý do gì mà để người nghèo mất Tết. Xóm nghèo khó khăn thì xã phải giúp, xã khó có huyện, huyện khó có tỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều tổ chức, đoàn thể khác.

Chúng ta cũng không quên người bệnh và gia đình họ phải ăn Tết cơ nhỡ trong bệnh viện. Chỉ cần một chút quà nhỏ đến tay họ trong những ngày năm hết Tết đến thì cũng ngang bằng với liều thuốc quý. Phạm nhân trong nhà lao tuy là những người từng gây tội ác, nhưng họ cũng là con người và cũng cần được chăm lo trong ngày Tết. Nghĩ tới họ cũng tức là thể hiện lòng bao dung, nhân ái của xã hội, thức tỉnh họ quay đầu hướng thiện.

Lo Tết cho người nghèo, điệp khúc của bài ca nhân ái không thể quên, nuôi hy vọng cho người nghèo có một mùa xuân đẹp nào đó “đạp thằng bần ra cửa” .