Mở đường cho 5 cánh quân
Để mở đường cho 5 cánh quân tiến về Hà Nội trong ngày 10.10 năm ấy, ít ai biết rằng một đơn vị bộ đội đã âm thầm đi làm nhiệm vụ trước đó là Tiểu đoàn Bình Ca (còn gọi là Tiểu đoàn 18) Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn Quân tiên phong đã về Hà Nội trước 2 ngày để nắm chốt những vị trí quan trọng, đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của quân địch trước khi rút đi.
Ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Hội nghị quân sự Trung Giã giữa quân đội ta và Pháp cũng đi đến kết quả về việc phân chia thời gian, địa điểm rút quân. Theo đó, địch phải rút khỏi Hà Nội sau Hội nghị Giơ-ne-vơ 80 ngày. Ngày 19.9, Bác Hồ gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 tại Đền Hùng và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn về tiếp quản Hà Nội. Thời điểm ấy, nhiều thế lực thù địch có âm mưu phá hoại biến Hà Nội thành một đô thị đổ nát trước khi quân ta tiến vào tiếp quản. Vì vậy, cuối tháng 9, Tiểu đoàn Bình Ca được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng về tiếp quản những địa điểm quan trọng của Hà Nội, chuẩn bị mọi công tác cho ngày đại quân trở về.
Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca kể lại: "Dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ, Tiểu đoàn Bình Ca là đơn vị bộ đội đầu tiên tiến vào Hà Nội gồm hơn 200 người, tiếp quản 35 vị trí có quân Pháp chiếm đóng như các trụ sở làm việc, nhà máy điện, nhà máy nước, các trọng điểm giao thông… Nhiệm vụ của đơn vị là phải đảm bảo giữ được nguyên vẹn tài sản ở các vị trí quan trọng nói trên, không cho đối phương phá hoại hoặc mang đi".
Từ ngày 8.10 ta đã tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Đại tá Dương Niết được tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau và để lại trong ông nhiều ấn tượng không thể nào quên. Đó là hình ảnh người lính Pháp cùng ngồi ca hát với bộ đội tối 8.10 và lẻn đem đến cho bộ đội 2 bao thuốc lá Cotab; những công chức làm việc cho Pháp khiêm tốn khi tiếp xúc với bộ đội; kể cả những tên mật thám cũng được cài lại chạy lăng xăng dụ dỗ bộ đội ta. Nhưng trên tư thế người chiến thắng, quân ta chủ động tiếp xúc tuyên truyền địch vận dưới nhiều hình thức như cắm hoa đầu súng để tỏ thiện chí hòa bình, xem ảnh vợ con lính Pháp rồi ra hiệu về nước...
Học cách ứng xử để tiếp quản
Ông Nguyễn Tiến Trang- nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, người đã sắm vai đại úy sĩ quan liên kiểm Việt - Pháp giám sát việc bàn giao giữa quân đội Pháp với quân đội Việt Nam trước ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 nhớ lại: “Khi Hiệp định Giơ- ne- vơ được ký kết, chúng tôi nhận nhiệm vụ mới là học tập chính trị, học cách ứng xử. Lúc kháng chiến chúng tôi toàn ở trên rừng nên phải học cách sử dụng điện, nước và đồ dùng gia dụng của người Hà Nội để chuẩn bị vào tiếp quản Thủ đô…”.
Ngày đó có một tin mật báo quân Pháp cài lại một trung đoàn ngụy quân được trang bị vũ khí đầy đủ ở khu vực Thanh Trì. Mấy ngày sau, ông Trang được lệnh chuyển ra Lĩnh Nam để vừa xác minh thông tin. Ông nhớ lại: “Tôi đi cùng một viên đại úy Pháp và một thiếu úy phiên dịch trên chiếc xe Jeep đến từng vị trí: Nhà thương Đồn Thủy, bến cảng Phà Đen, nhà riêng của viên Thiếu tướng Tổng chỉ huy miền Bắc… Lúc này, nhà thương không còn bệnh nhân, bến cảng không có thuyền, tư dinh của viên thiếu tướng cũng trống không. Những người lính Pháp mà tôi gặp thì im lặng, cúi đầu không một phản ứng chống đối. Tôi đã trực tiếp tiễn những người lính Pháp cuối cùng qua cầu rút sang Gia Lâm trong buổi chiều muộn ngày 9.10.1954”.
Hai ngày cùng canh gác với quân Pháp, Tiểu đoàn Bình Ca đã giữ nguyên vẹn 35 địa điểm an toàn. Không những thế, họ đã kịp thời ngăn chặn việc binh sĩ Pháp định đưa các bao bột nghi là có chứa chất độc đặt quanh giếng nước lọc của Nhà máy Nước Yên Phụ; ngăn chặn thành công việc địch định phá doanh trại pháo binh Ngọc Hà; ngăn chặn việc Pháp định mang máy móc, phương tiện của "Nhà thương chó"... Ngày 10.10, Đại đoàn Quân tiên phong tiến về trung tâm, trong rực rỡ cờ hoa. Chiều hôm đó, ngay dưới chân Cột cờ Hà Nội đã diễn ra lễ chào cờ lịch sử, đánh dấu việc chấm dứt hoàn toàn gần một thế kỷ cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam. Vào thời khắc lịch sử ấy, những chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca vẫn đang làm nhiệm vụ bàn giao việc tiếp quản cho các đơn vị khác và rời Hà Nội...