Không trưng cầu ý dân tại địa phương
Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân, khi đưa ra thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân ở địa phương và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM trưng bày mô hình metro tuyến số 1 để lấy ý kiến góp ý của người dân hồi tháng 3.2015. (Ảnh minh họa)
"Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội, chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Nếu chỉ thực hiện việc trưng cầu ý dân trong phạm vi một địa phương cụ thể thì có thể dẫn đến kết quả mang tính cục bộ, phiến diện, không phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân cả nước" - ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Ủy ban Pháp luật, những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì không thực hiện trưng cầu ý dân mà áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành. "Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương" - ông Phan Trung Lý nói.
Về công bố kết quả trưng cầu ý dân, theo dự luật quy định đó là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ nên giữ thẩm quyền là báo cáo kết quả trưng cầu ý dân với Quốc hội. Sau khi Quốc hội thấy quá trình trưng cầu đúng thì ra Nghị quyết để công bố kết quả.
Đồng tình với ông Hiện, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhấn mạnh thêm: Quốc hội phải là cơ quan công bố kết quả trưng cầu ý dân, như vậy mới có ý nghĩa về mặt pháp lý.
Phải quy định rõ những vấn đề có tính nguyên tắc
Góp ý vào dự thảo luật, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư cho rằng: Nội dung trưng cầu ý dân quy định như dự luật không đủ rõ để xác định dân có quyền gì, Quốc hội có quyền gì. "Tôi đồng tình là luật không nên sa đà vào cụ thể nhưng phải đưa ra được những vấn đề có tính nguyên tắc, hay nói cách khác đưa được nhóm những công việc Quốc hội lấy ý kiến nhân dân và nhân dân được tham gia thể hiện chính kiến"- ông Khánh nói. Ông cũng tỏ ra băn khoăn nếu quy định như dự thảo luật hiện nay thì có việc dân không muốn trưng cầu lại đưa ra trưng cầu, cái dân cần trưng cầu lại không làm.
Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội lại tỏ ra băn khoăn luật có khả thi không, có được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống không? Bởi theo ông Khoa, nếu nội dung trưng cầu mà luật quy định cụ thể quá thì khó, còn quy định chung chung theo nguyên tắc lại khó khả thi. Ông Khoa cho rằng nên là những vấn đề lớn, quan trọng thuộc thẩm quyền Quốc hội nhưng nếu Quốc hội không để dân quyết thì không được vì Quốc hội quyết, dân có thể không đồng tình, hoặc những vấn đề rất bức xúc trong dân buộc phải để người dân quyết định, Quốc hội không tham gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ quan điểm này: Đó là những nội dung đặc biệt quan trọng mà Quốc hội cho rằng phải xin ý kiến của dân, dân đồng ý mới làm, không thì thôi.
Lấy ví dụ việc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp vừa rồi, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, nội dung trưng cầu phải là suy nghĩ đầu tiên, là quan điểm của luật để trên cơ sở đó, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay một số ĐBQH nhất định đề nghị vấn đề cần trưng cầu ý dân.
"Đó nên là các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan hệ tới sự tồn vong, phát triển của đất nước. Thứ hai là những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN, nền dân chủ nhân dân. Thứ ba là những nội dung, vấn đề ảnh hướng lớn, phạm vi rộng đến quốc kế dân sinh"- Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý giọng văn trong dự thảo luật phải thể hiện được tinh thần: Đã trưng cầu ý dân thì dân đồng ý hay không đồng ý đều là kết quả.
"Vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân sẽ có 2 trường hợp. Thứ nhất là nhân dân đồng tình, thứ hai là nhân dân phản đối. Đồng tình hay phản đối đều phải được coi là kết quả của cuộc trưng cầu”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "Chúng tôi hỏi lãnh đạo Quốc hội một số nước trong trường hợp kết quả trưng cầu khác với ý Chính phủ thì sao, họ nói họ không bao giờ đặt câu hỏi đó, đã trưng cầu ý dân là phải theo ý dân". Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý |