Dân Việt

TS. Đinh Thế Hiển: Phải tính thuế làm sao để người nghèo không phải nộp?

Quốc Hải 19/04/2018 21:58 GMT+7
Liên tục bị bạn đọc “ném đá” vì ủng hộ chính sách thuế tài sản của Bộ Tài chính đề xuất, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng ông ủng hộ thuế tài sản chứ không ủng hộ các biện pháp tính thuế mà Bộ này đưa ra. Theo ông, việc thu thuế là cần thiết, nhưng thu làm sao để người nghèo không phải nộp là những đề xuất “khoa học và trách nhiệm”.

img

Dân Việt đã phỏng vấn TS Đinh Thế Hiển sau khi dư luận phản ứng xoay quanh ý kiến của ông về dự thảo luật thuế này.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam đã phản đối sắc thuế tài sản, sao ông lại ủng hộ?

- Mấy ngày qua, có thể thấy các chuyên gia kinh tế đang phản đối thuế tài sản bởi họ đang nhấn mạnh việc thu thuế nhà trị giá trên 700 triệu là bất hợp lý, hoặc người dân đã gánh quá nhiều sắc thuế rồi không nên chịu thuế nữa. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ thì không thấy họ phân tích rõ bản chất thuế tài sản là gì. Trong khi đó về kinh tế học, thuế tài sản luôn là thuế “phải được áp dụng” ở mọi quốc gia có công nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản (nhà đất).

Tôi ví dụ, ông Đặng Hùng Võ có chi tiết nói thuế này cần thiết, nhưng lại tập trung phê phán thuế suất đối với nhà trị giá trên 700 triệu đồng, thay vì đề xuất cách thu thuế hợp lý hơn, khiến người đọc nghĩ ông không đồng tình với việc thu thuế tài sản.

Hoặc, một vài chuyên gia khác cũng chỉ nhấn mạnh đến việc thu thuế này là bất hợp lý chứ không thấy nói nhiều đến tính cần thiết và đề xuất cách thu sao cho hợp lý. Điều này khiến bạn đọc hiểu lầm là tôi ủng hộ thu thuế nhà như trên.

Tôi nói rõ, tôi ủng hộ thuế tài sản chứ không phải ủng hộ các biện pháp tính thuế mà Bộ Tài chính đưa ra.

Thế nhưng theo các chuyên gia, nếu thi hành thuế này thì người nghèo cũng phải chịu thuế, đặt biệt là người nghèo thành thị cả gia đình ở chung căn nhà chật chội đã có giá hơn 1 tỷ đồng?

- Bản chất thu thuế tài sản là thuế điều tiết từ người có nhà đất trên trung bình, việc thu thuế là cần thiết, nhưng thu làm sao để người nghèo không phải nộp là những đề xuất “khoa học và trách nhiệm”. Việc thu thuế tài sản phải có phương thức để bảo đảm người nghèo không nộp thêm tiền và phải chú ý đến "đặc tính Việt Nam”.

Ông có thể nói rõ thêm làm sao để việc thu thuế tài sản bảo đảm người nghèo không nộp thêm tiền? "Đặc tính Việt Nam” là gì ?

- Tính hợp lý công bằng của thu thuế tài sản nằm ở trong cách thu và tỷ lệ miễn giảm, cái này rất cần các chuyên gia đóng góp để Quốc hội rộng đường tham khảo. Theo nhận định của tôi, số tiền miễn giảm phải phân ra từng khu vực, những khu vực như TP.HCM và Hà Nội, mức miễn giảm phải gấp 3 lần trung bình. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu phải nhiều mức từ 0.1% - 1% theo giá trị nhà sở hữu tăng thêm; theo đó người trung lưu, có giá trị nhà sở hữu cao hơn không nhiều so với miễn giảm chỉ chịu thuế theo các mức 0,1% - 0,2%. 

Ngoài ra cần phù hợp "đặc tính Việt Nam” là quá trình lịch sử người dân đã gánh chịu mất mát chiến tranh để “an cư lạc nghiệp”, nên họ thấy rằng căn nhà của họ là quyền đương nhiên. Do vậy, Nhà nước nên miễn thu thuế phần đất ở mỗi đầu người có quyền sở hữu theo các khu vực khác nhau. Thí dụ trung tâm đô thị lớn là 10m2/người; tăng dần ra các huyện ngoại thành là 40m2/người…

Các phương thức này được quy định hợp lý thì bảo đảm người nghèo thành thị sẽ không phải nộp thuế tài sản, những người khá giả có sở hữu nhà đất trên trung bình một ít cũng nộp rất ít tiền, thậm chí không nộp nếu nhà đông người; chỉ có những người có nhiều nhà đất “giá trị” mới phải nộp nhiều tiền do sở hữu lớn và thuế suất cao ở phần vượt mức. Theo cách đề xuất của tôi, thì 1 người có giá trị nhà ở TP.HCM khoảng 5 tỷ đồng sẽ nộp tối đa 1triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nếu đó là 1 gia đình 4 người, thì thậm chí không nộp vì có phần miễn giảm sở hữu đất ở trên đầu người.

Tuy nhiên, việc thu thuế tài sản chắc chắn làm người nghèo chưa có nhà, hoặc nhà nhỏ sẽ xa rời giấc mơ có nhà vì giá nhà sẽ cộng thêm thuế?

- Chính suy nghĩ đó làm nhiều “người nghèo” càng phản đối gay gắt sắc thuế này mà lẽ ra họ phải ủng hộ.

Thứ nhất, không một tài sản đầu cơ nào sẽ tăng thêm giá nếu hàng năm phải nộp thuế, khi mà giá càng cao và càng mua nhiều càng nộp nhiều. Lúc đó làn sóng đầu cơ và đầu tư sẽ suy giảm vì người ta sẽ cân nhắc làm giảm nguồn cầu.

Ngoài ra, rất cần nhớ là sắc thuế đó sẽ miễn giảm cho người nghèo chưa có nhà; như vậy mặc nhiên khi người nghèo mua nhà theo chuẩn sẽ không bị nộp thuế, đó là quyền lợi của họ. (Ở TP.HCM, theo tôi mức chịu thuế phải trên 3 tỷ đồng; và mỗi đầu người dân được miễn từ 10m2 - 40m2 đất tùy khu vực, không tính vào giá trị chịu thuế). 

Mặc dù theo cách đề xuất của ông thì những người trung bình và nghèo ở thành thị có thể không nộp thuế, nhưng dù sao người dân Việt Nam đã gánh quá nhiều thuế phí, thì việc tăng thuế tài sản cũng làm tăng gánh nặng người dân, theo đó sẽ làm kiệt sức dân, làm sức tiêu dùng nội địa sẽ giảm kéo theo làm suy giảm kinh tế?

Chắc chắn là tăng gánh nặng người giàu nếu theo cách đề xuất thu thuế tài sản của tôi. Tuy nhiên nếu có nguồn thu thuế nào cần điều tiết cho ngân sách mà không làm kiệt sức dân theo nghĩa tiêu dùng nội địa sẽ giảm, thì chính là thuế tài sản (tất nhiên nếu phương thức thu hợp lý).

Bà Phạm Chi Lan là người luôn lo lắng cho doanh nghiệp bị gánh nhiều thuế phí bất hợp lý, lẽ ra bà phải ủng hộ thuế này để yêu cầu giảm thuế cho doanh nghiệp mới phù hợp. Hiện nay, tôi được biết Chính Phủ đang nghiên cứu lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 15% như các nước phát triển đang làm, nguồn bù đắp chính là thuế tài sản. Một khi thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống, thì người lao động có thể được tăng lương. Doanh nghiệp mạnh dạn đổ tiền vào sản xuất kinh doanh thay vì mua đất. Giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn vì doanh nghiệp được tăng lợi nhuận bù vào...

Tất cả cái đó đều giúp ích người lao động và nền kinh tế quốc gia. Đó mới là vấn đề những chuyên gia doanh nghiệp như bà Phạm Chi Lan nên đề xuất giảm cái này và bù cái khác để kinh tế phát triển và công bằng hơn.

Ông còn có gì muốn chia sẻ với bạn đọc?

- Tôi nghĩ mọi người cần tập trung các đề xuất khả thi (khoa học và hợp lý) để đảm bảo người nghèo không bị thu thuế, người trung lưu chỉ nộp thuế rất ít; thay vì phản đối sắc thuế này. Tôi tin rằng một khi sắc thuế này với các phương thức hợp lý do các chuyên gia đóng góp được thực thi, thì mọi người đều hưởng lợi, ngay cả những người giàu phải nộp thuế rất nhiều. Vì kinh tế phát triển thì họ chính là nhóm hưởng lợi nhiều nhất, còn những người trung bình trở xuống sẽ không ảnh hưởng vì không phải nộp thuế theo các cách miễn trừ.

Tất nhiên, nếu Bộ Tài chính đưa ra cách thu thuế tài sản chưa đáp ứng được số đông người dân, thì rất cần các chuyên gia đề xuất sửa đổi để đảm bảo tính công bằng và người nghèo không bị ảnh hưởng.

Xin cảm ơn ông!