Ông Vũ Quốc Hùng: Chống tham nhũng phải có bàn tay sạch (Ảnh: IT)
Thưa ông, Ban Bí thư vừa ban hành Quy định số 01 quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT. Ông có đánh giá gì về quyết định này?
Tôi cho rằng, đây là bước tiến lớn trong công tác phòng chống tham nhũng và cần tiếp tục được phát huy. Quy định trách nhiệm thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng chống tham nhũng có 2 phần rất rõ là quyền hạn và trách nhiệm. Quyền hạn và trách nhiệm luôn luôn là “anh em sinh đôi” gắn bó mật thiết với nhau, nâng trách nhiệm cao hơn, thẩm quyền cũng nhiều hơn. Ví dụ, UBKT từ cấp huyện trở lên được trao quyền yêu cầu không cho cán bộ, đảng viên xuất cảnh, không được biến đổi tài sản của mình trong khi đang tiến hành kiểm tra. Nếu không có quy định này thì vẫn tùy tiện xuất cảnh và có nguy cơ tẩu tán tài sản.
Theo ông việc trao quyền tới UBKT cấp huyện có phải là một bước tiến lớn?
Trách nhiệm và quyền hạn được giao đến tận UBKT từ cấp huyện, tức là mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho cấp dưới rất lớn hơn. Tuy nhiên, khi đã giao quyền hạn mà trách nhiệm không hoàn thành, không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm theo quy định. Quy định này có 2 vế rất rõ ràng là trách nhiệm và thẩm quyền các cấp từ huyện trở lên phải có trách nhiệm phát ra các quyết định của mình để ngăn cản tiêu cực trong cán bộ đảng viên, kịp thời chính xác, nghiêm minh. Đó là trách nhiệm nhưng để thực hiện trách nhiệm ấy là họ có quyền hạn, khác hẳn với trước đây. Bởi muốn chống tham nhũng, chống tiêu cực nhưng không có thẩm quyền thì khó thực hiện.
Với quyết định này, UBKT sẽ có những thay đổi gì so với trước đây như thế nào thưa ông?
Thực ra, trước khi có quyết định này của Ban Bí thư, trong quá trình hoạt động của mình, căn cứ vào điều lệ Đảng, UBKTcác cấp cũng đã thực hiện nhưng chỉ khác trước đây là không có quy định, không có trách nhiệm. Do đó, thấy có vấn đề thì chỉ đề nghị thôi chứ không được yêu cầu, nên họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Ngoài ra, cũng mời các cơ quan chức năng, kể cả cơ quan công an để có thể xem xét toàn diện về mặt pháp luật.
Tuy nhiên, bây giờ đã có Quyết định này rồi thì khi có công văn của UBKT các cấp, UBKT Trung ương sẽ có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cùng tham gia xem xét, yêu cầu cấm xuất cảnh, tầu tán tài sản, giữ nguyên hiện trường trong quá trình kiểm tra...
Thời gian qua, có hàng loạt cán bộ sau khi có những phát hiện sai phạm của cơ quan chức năng thì họ “đi chữa bệnh ở nước ngoài”, theo ông tình trạng này liệu có hạn chế được trong thời gian tới?
Trước đây là chưa có quy định cụ thể, nhưng giờ có quy định này rồi thì UBKT các cấp phải có quyết định yêu cầu cấm xuất cảnh, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Nếu không thì UBKT cấp đó sẽ làm chưa hết trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm khi xảy ra các trường hợp Đảng viên xuất cảnh không báo cáo.
Như ông nói quy định này phân rất rõ cả phần trách nhiệm và quyền hạn của UBKT. Việc trao quyền lớn liệu có nảy sinh tiêu cực trong quá trình thực thi, thưa ông?
Với quyết định này, tôi cho rằng sẽ dễ làm hơn, dễ triển khai hơn với những người có bản lĩnh, có dũng khí và có “bàn tay sạch” chứ “bàn tay nhơ nhớp” thì không làm được. Quy định có rồi sẽ dễ thực hiện, dễ xem xét, dễ quy trách nhiệm, dễ kiểm tra giám sát... Nhân dân cũng có thể kiểm tra giám sát, cấp ủy cũng dễ kiểm tra giám sát vì UBKT do cấp ủy bầu ra.
Tất nhiên, những người có tiêu cực, người lười biếng là lo hơn vì có quy định này dễ kiểm soát, cấp ủy, các ngành khác và nhân dân kiểm soát, anh có hoàn thành nhiệm vụ không? Thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn không?
Có thể nói, đây là quyết định rất cần thiết, cẩm nang cho UBKT các cấp hành động dễ dàng hơn. Qua đây, yêu cầu UBKT các cấp luôn luôn trong sạch, có bản lĩnh trình độ, khi phán xét sai phạm cần chuẩn xác, không để xảy ra oan sai, ảnh hưởng danh dự của người khác.
Xin cảm ơn ông!