Quảng Bình: Làng từng có 7 giếng cổ xếp thẳng hàng, giếng vuông cho đàn ông, giếng tròn cho đàn bà
Quảng Bình: Làng từng có 7 giếng cổ xếp thẳng hàng, giếng vuông cho đàn ông, giếng tròn cho đàn bà
Chủ nhật, ngày 26/07/2020 13:55 PM (GMT+7)
Theo các cụ cao niên trong làng, thì giếng làng Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã có cách đây hàng trăm năm với 7 cái giếng đất nằm thẳng hàng, bốn mùa cho bà con nguồn nước trong xanh.
Cùng với cây đa, mái đình thì giếng nước không chỉ là biểu tượng của làng quê chốn yên bình mà còn là nơi chứng kiến bao kỷ niệm, thăng trầm của người dân và làng xóm từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, rất nhiều giếng làng trên địa bàn tỉnh đã được người dân chú trọng khôi phục, sửa chữa và lưu giữ như một phần ký ức của cha ông để lại.
Đến thôn Văn La, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh), cách quốc lộ 1A khoảng 500m, người đi đường dễ dàng nhận thấy 4 cái giếng to, nhỏ khác nhau nằm thẳng một hàng, mà người dân hay gọi là giếng Hang hay giếng Tiên.
Theo các cụ cao niên trong làng, thì giếng làng Văn La đã có cách đây hàng trăm năm với 7 cái giếng đất nằm thẳng hàng, bốn mùa cho bà con nguồn nước trong xanh.
Trước đây, làng Văn La có quy định rõ ràng: giếng vuông là để phục vụ cho đàn ông tắm gội, giếng tròn nhỏ là nơi sinh hoạt của chị em trong làng, còn giếng tròn to là dùng sinh hoạt, nấu nướng. Cách đây hơn 20 năm, giếng vẫn cung cấp toàn bộ nguồn nước ăn uống cho người dân trong làng.
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đời sống ngày càng phát triển, nhà nhà trong thôn đều đào, khoan giếng để thuận tiện hơn trong sinh hoạt, khiến cho giếng làng ít được người dân sử dụng, giếng Hang cũng chỉ còn 4 cái vì người dân đã san lấp 3 giếng mở rộng diện tích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Xuân Hồng, trưởng thôn Văn La cho biết: Trước nguy cơ giếng làng biến mất, cấp ủy, chính quyền và Ban công tác Mặt trận thôn tích cực vận động người dân địa phương, những người con Văn La sinh sống ở các nơi, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp để trùng tu công trình giếng làng.
Năm 2004, từ nguồn kinh phí xã hội hóa và đóng góp của con em đang công tác xa quê, nhân dân thôn Văn La đã xây dựng kiên cố bờ bao quanh thành giếng góp phần tạo nên hình ảnh làng quê nông thôn vừa tươi mới, vừa cổ kính, mộc mạc.
Theo chị Nguyễn Thị Thiếng, một người dân thôn Văn La, thì giếng Hang được xây dựng, khôi phục lại một cách kiên cố, vững chắc trên nền giếng cũ không chỉ là điểm nhấn của làng mà còn là nơi lưu giữ nhiều ký ức của người dân.
Cũng như nhiều làng quê khác, ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch), hiện nay, nguồn nước sạch đã được đưa vào từng nhà, không còn sử dụng nước giếng làng để ăn uống và sinh hoạt nữa. Nhưng không vì thế mà người dân lãng quên giếng làng.
Anh Trần Văn Tiến, Trưởng thôn Pháp Kệ cho hay: Trong ký ức của lớp người cao tuổi, giếng làng không chỉ có ý nghĩa cung cấp nguồn nước mát lành, mà đây còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, là nơi chứng kiến bao kỷ niệm buồn vui, thăng trầm của dân làng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nhờ có giếng làng mà người dân sống chan hòa, gần gũi, đoàn kết với nhau hơn. Vì vậy, xác định việc gìn giữ giếng làng không chỉ vì một công trình dân sinh mà còn là giữ gìn một nét đẹp văn hóa tâm linh, một chứng tích lịch sử cho đời sau.
Do vậy, cùng với việc cải tạo đường giao thông nông thôn, nhân dân thôn Pháp Kệ đã đồng thuận đóng góp sức người, tiền của để xây dựng lại giếng làng với hệ thống tường gạch bao quanh và xem như là “báu vật” của làng.
Được biết, ở Quảng Phương, Pháp Kệ là thôn có nhiều giếng cổ nhất (4 giếng) nằm rải rác ở 4 xóm (xóm Nam, xóm Đông, xóm Đoài, xóm Bắc). Về cơ bản, giếng làng Pháp Kệ là giếng cổ có 3 kiểu dáng: hình tròn, hình vuông (chiếm đa số) hoặc trên tròn dưới vuông.
Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Một số giếng có khung gỗ vuông ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng bảo đảm tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún.
Đặc biệt, nước giếng rất trong và mát dù đã tồn tại qua hàng trăm năm. Ông Phan Văn Mường (79 tuổi), một bậc cao niên ở thôn Pháp Kệ cho biết: “Khi tôi sinh ra, giếng làng đã có rồi. Nghe ông bà, cha mẹ kể lại thì giếng này đã có từ đời cụ, kỵ. Tôi nhớ lúc còn bé vẫn theo mẹ ra giếng gánh nước về nhà dùng hàng ngày. Cả làng cùng tề tựu trò chuyện, trẻ con đùa nghịch, trai gái hò hẹn...”.
Ngày nay, có lẽ hình ảnh người dân múc từng gàu nước giếng làng gánh về nhà dùng thật hiếm gặp, bởi nước máy, nước giếng khoan phổ biến. Nhiều giếng cổ vì thế bị xuống cấp, lãng quên.
Nhưng giếng cổ ở Quảng Phương vẫn trường tồn với bề dày lịch sử, văn hóa quê hương, người dân lập cả một ngôi miếu nhỏ gần giếng để thờ thần giếng hay coi giếng như "báu vật" mang lại điềm lành cho làng.
Và cứ vào dịp đầu tháng giêng, miếu được người dân chọn làm nơi giỗ Thành hoàng làng và dâng lễ cúng trời đất cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, người dân được bình an.
Trên địa bàn thôn Bắc Cổ Hiền (Hiền Ninh, Quảng Ninh) có 2 giếng là giếng Cây Dừa và giếng Miệu đều được dân làng đào từ thế kỷ 15, nằm bên tuyến lũy Trường Dục, giếng nào nước cũng trong veo, ngọt mát và đầy ắp nước quanh năm.
Do cuộc sống của người dân ngày một phát triển, mỗi gia đình đều đã có giếng riêng, nước cũng mát ngọt, trong lành nên không còn người dùng giếng làng nữa, bởi vậy giếng làng ngày một xuống cấp.
Theo ông Lê Hoài Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh, để lưu giữ các giếng xưa cũng như bảo tồn các di tích lịch sử trên địa bàn, cán bộ, nhân dân và con em thôn Bắc Cổ Hiền ở xa quê đã chung tay, góp sức tôn tạo lại giếng Cây Dừa và giếng Miệu.
Sau khi tôn tạo giếng Cây Dừa với số tiền 36 triệu đồng, thôn Bắc Cổ Hiền tiếp tục tôn tạo giếng Miệu với số tiền ban đầu 63 triệu đồng và hàng ngày người dân vẫn thay nhau thường xuyên chăm sóc, gìn giữ dòng nước mát lành cho muôn đời sau.
Không riêng gì các thôn Văn La, Cổ Hiền, Pháp Kệ mà còn rất nhiều thôn, xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn rất nhiều giếng làng được người dân chú trọng sửa chữa và lưu giữ, qua đó góp phần tô điểm thêm vào bức tranh tươi đẹp của làng quê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.