Quảng Ngãi: Lãnh đạo huyện Lý Sơn giải thích về chợ đêm tiền tỷ chết yểu?

Công Xuân Thứ năm, ngày 25/07/2019 09:45 AM (GMT+7)
Việc chợ đêm huyện Lý Sơn được đầu tư hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách và tiểu thương đóng góp đã bị "khai tử" chỉ sau 2 tháng hoạt động, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Để làm rõ quá trình khảo sát và chọn trước đó, hướng giải quyết cho số tiểu thương đã góp tiền làm chợ như thế nào?...PV Dân Việt đã trao đổi với bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.
Bình luận 0

Bà Hương cho biết, sau một thời gian hình thành và tồn tại, chợ đêm cũ ở đầu cảng thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) đã thu hút và tạo sự thích thú cho nhiều du khách đến huyện đảo. Tuy nhiên, do chợ này tự phát, nằm tại vị trí hẹp và ngay nơi giao nhau của trục đường chính, gây ảnh hưởng đến giao thông,... nên không thể mở rộng được. Vì vậy, chính quyền Lý Sơn tìm chọn địa điểm để đầu tư làm thêm một chợ đêm mới có quy mô bài bản hơn để giới thiệu, quảng bá các đặc sản biển đảo Lý Sơn cho du khách trong và ngoài nước.

img

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn.

Tháng 7/2018, chính quyền Lý Sơn đã xây dựng thêm và đưa chợ đêm tại khu vực trung tâm huyện (gọi tắt là chợ đêm mới) đi vào hoạt động.

Chợ đêm mới có diện tích gần 1.000m2, kéo dài khoảng 500m, với gần 40 gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện đảo, đồ lưu niệm và ẩm thực… Tổng vốn đầu tư chợ này trên 1,5 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 300 triệu đồng, còn lại các hộ kinh doanh đóng góp khoảng 1,2 tỷ đồng.

Nhưng chỉ sau 2 tháng hoạt động kể từ khi khai trương, chợ đêm mới rơi vào tình trạng ‘3 không’: Không hàng hóa, không người bán và mua. Vì vậy chính quyền huyện Lý Sơn đã ra văn bản dừng hoạt động đối với chợ này.

Việc khảo sát và chọn tìm địa điểm thế nào mà chỉ sau 2 tháng hoạt động, chợ đêm mới đã "khai tử" vì không có khách đến?

- Phòng Kinh tế hạ tầng là đơn vị trực tiếp được huyện giao nhiệm vụ chọn tìm, tham mưu để làm chợ đêm mới. Thế nhưng quá trình khảo sát, chọn địa điểm để làm chợ đêm mới (tại trung tâm huyện, thuộc thôn Đông, xã An Hải), Phòng Kinh tế hạ tầng chưa đánh giá và lường hết các ảnh hưởng, tác động liên quan. Cụ thể, chợ làm gần khu nghĩa địa cũ nên không mỹ quan; nằm ngay cánh đồng hành tỏi nên bị ảnh hưởng của mùi thuốc bảo vệ thực vật,... Dẫn đến hoạt động một thời gian ngắn, chợ đêm mới phải tạm dừng vì không mang lại hiệu quả.

Vậy huyện đã xử lý vụ việc này như thế nào?

- Là đơn vị được giao trách nhiệm chính trong việc khảo sát, tham mưu vì vậy chúng tôi đã yêu cầu Phòng Kinh tế hạ tầng huyện tổ chức kiểm điểm. Về phía chính quyền huyện cũng đã tiến hành kiểm điểm vì để xảy ra tình trạng này.

Hướng xử lý của huyện đối với chợ mới, đặc biệt là số tiểu thương đã góp tiền để làm chợ?.

- Vị trí mà huyện dự tính để di dời chợ đêm mới trong thời gian đến nằm trong khuôn viên cảng Bến Đình (gần bờ biển và cách vị trí cũ khoảng 1000m). Tuy nhiên hiện cảng này đang thi công chưa hoàn thành nên phải chờ một thời gian nữa. Còn đối với số chủ các sạp hàng, trước khi cho tạm dừng huyện cũng đã mời các tiểu thương lên họp bàn. Theo đó huyện đề nghị tạm đưa các ki ốt ra bán ở khu vực gần cảng Bến Đình, nhưng họ không đồng ý. Lý do, tại khu vực này hiện đã có khá nhiều hộ đang buôn bán. Vì vậy đại đa số các chủ sạp đồng ý chờ được bố trí tại nơi mới để tiếp tục hoạt động.

Như tôi đã nói, việc xây dựng thêm chợ đêm mới có qui mô bài bản để giới thiệu, quảng bá các đặc sản của biển đảo Lý Sơn cho du khách trong và ngoài nước khi đến đây là điều cần thiết. Nhưng phòng Kinh tế hạ tầng được giao khảo sát, tham mưu  cho huyện không làm tốt trách nhiệm, dẫn đến chợ đêm mới hoạt động không hiệu quả, gây bức dư luận ở địa phương. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho chính quyền huyện trong quá trình điều hành công việc ở địa phương trong thời gian đến.

Xin cảm ơn bà

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem