Quảng Ninh: Huyện làm dự án “chui”, xã hứa “hão” khiến nông dân mất đất

Nguyễn Qúy Thứ ba, ngày 02/06/2020 12:10 PM (GMT+7)
Những thửa ruộng 2 vụ lúa đang nuôi sống nông dân nghèo thôn Làng Đài, xã Đông Hải, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh), bỗng một ngày bị lấy để làm dự án khu dân cư. Nhưng dự án không thấy đâu, còn nông dân xót xa bên cánh đồng bị vùi lấp.
Bình luận 0

Hiến đất rồi bỏ không

Giữa buổi trưa nắng gắt, ông Lê Văn Lâm (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) dẫn PV Dân Việt ra cánh đồng thôn Làng Đài, mà giờ đây đã là một bãi đất được san phẳng. 

Trên một khoảnh đất cằn mà 6 năm trước là ruộng, giờ vợ chồng ông Lâm trồng mấy hàng sắn.

"Ruộng đang cấy 2 vụ lúa, giờ người ta lấp đất cằn này thì chỉ trồng được sắn thôi, bỏ hoang thì phí lắm" – ông Lâm nói.

Huyện làm dự án “chui”, xã hứa “hão” khiến nông dân mất đất - Ảnh 1.

Gia đình ông Lê Văn Lâm trồng mấy hàng sắn trên bãi đất cằn.

Theo ông Lâm, từ năm 2016, thực hiện lời kêu gọi của huyện Tiên Yên và xã Đông Hải, ông Lâm cùng 5 hộ khác có ruộng ở thôn Làng Đài đã ký vào biên bản làm việc, đồng ý hiến gần 10.000m2 đất để chính quyền thực hiện dự án Khu dân cư xen kẽ thôn Làng Đài.

Ông Lâm cùng 5 hộ dân khác cùng được lãnh đạo xã Đông Hải "hứa" là khi dự án hoàn thành, sẽ cấp cho mỗi hộ 1 lô đất với giá ưu đãi, ngoài ra còn được hỗ trợ hoa màu với giá 2.000 đồng/m2

6 hộ dân gồm ông Lê Văn Lâm, Đinh Văn Nuôi, Đinh Văn Hùng, Lương Văn Chung, Nguyễn Duy Thà, Trần Văn Ngân thuận lòng gặt nốt vụ mùa năm 2015, giao đất cho UBND xã.

"Vào khoảng cuối năm 2016, người ta cho đổ đất, lấp ruộng của chúng tôi. Nhưng rồi từ đó đến nay vẫn là bãi đất ngổn ngang. Nghe đâu người ta nói dự án không thực hiện được vì vướng mắc gì đó" – ông Đinh Văn Nuôi nói, giọng trầm buồn.

"Dân chúng tôi thật thà, nghe xã vận động thì đồng ý hiến đất để xã thực hiện dự án, nói là làm đẹp khu dân cư, thế mà 5 năm trôi qua dân không có ruộng cấy, đất bỏ hoang thế này, anh bảo khác gì lừa dân?" – bên hàng sắn non, bà vợ ông Lâm chua chát nói.

Huyện làm dự án “chui”, xã hứa “hão” khiến nông dân mất đất - Ảnh 2.

Ruộng 2 vụ lúa trở thành bãi đất ngổn ngang.

Các hộ dân đã nhiều lần lên UBND xã Đông Hải, trực tiếp hỏi lãnh đạo xã về dự án và đòi hỏi quyền lợi như chính quyền đã hứa. Lần nào lên UBND xã về, ông Lâm cũng lắc đầu, ngán ngẩm nói với vợ: "Họ lại hẹn sẽ trả lời sau".

Từ đó đến nay, đã qua bao nhiêu vụ lúa, biết bao nhiêu lần phải đi đong gạo ăn, ông Lâm và 5 hộ dân thôn Làng Đài vẫn chưa nhận được câu trả lời của đại diện xã Đông Hải.

Dự án "chui" thành dự án "treo"

Được biết dự án Khu dân cư xen kẽ thôn Làng Đài được UBND huyện Tiên Yên phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ tháng 9/2015. 

Theo đó, tổng diện tích quy hoạch là 15.507,3m2, mục đích hình thành khu đất ở dân cư mới xen kẽ khu dân cư hiện có, phục vụ nhu cầu về đất ở cho nhân dân và chỉnh trang trung tâm xã.

Tại trụ sở UBND xã, ông Đào Quốc Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải nói: "Nhiệm vụ của xã là giải phóng mặt bằng, còn dự án thực hiện đến đâu, vì sao đổ đất lấp ruộng rồi bỏ hoang 5 năm nay thì tôi không biết".

Huyện làm dự án “chui”, xã hứa “hão” khiến nông dân mất đất - Ảnh 3.

GCNQSDĐ do UBND huyện Tiên Yên cấp cho ông Lê Văn Lâm.

Một điều vô lý khác là, đối với trường hợp đất ruộng của hộ ông Lê Văn Lâm, dù đã bị thu hồi để thực hiện dự án từ năm 2015, nhưng đến tháng 10 năm 2016, UBND huyện Tiên Yên vẫn cấp GCNQSDĐ cho ông Lâm trên chính diện tích đất ruộng này, với thời hạn 50 năm.

Khi nêu vấn đề khó hiểu này, ông Đào Quốc Thượng khẳng định như đinh đóng cột rằng: "Không có chuyện đó". 

Tuy nhiên, khi PV Dân Việt đưa ra bằng chứng là ảnh chụp GCNQSDĐ được cấp mới của ông Lâm, vị Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải lại trả lời: "Tôi không biết"(?).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, thừa nhận, đây là một dự án mà huyện đã làm "tắt", không đúng quy định.

"Theo quy định là phải làm quy hoạch sử dụng đất, sau đó trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết rồi mới được làm. Nhưng lúc ấy Tiên Yên làm rồi sau mới trình HĐND tỉnh. 

Chính vì vậy, khi đưa ra HĐND tỉnh không đồng ý, cho đến năm 2017 sau khi huyện rà soát lại toàn bộ dự án thì mới được tỉnh đồng ý thực hiện" – ông Hoài nói.

Một dự án nhỏ ở một huyện miền núi nhưng lại có nhiều đường "lắt lẻo", tiêu tốn ngân sách nhà nước, làm mất niềm tin của nhân dân, đẩy các hộ nông dân từ đang trồng lúa 2 vụ trở thành mất đất canh tác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem