Quảng Trị: Doanh nghiệp xin khai thác đá, dân sợ "rách bụng Rồng” trên núi thiêng

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 07/06/2021 07:33 AM (GMT+7)
4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đề nghị được phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, tuy nhiên, người dân, chính quyền địa phương lo ngại việc khai thác đá sẽ ảnh hưởng phát triển du lịch và làm rách “bụng Rồng”.
Bình luận 0

Doanh nghiệp xin khai thác đá

Thời gian qua, 4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Thiên Tân, công ty cổ phần Tân Hưng, công ty cổ phần xây dựng giao thông và công ty TNHH Minh Hưng gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, mỏ đá khối A (thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, Cam Lộ) có diện tích khai thác 13,34 ha được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép cho 4 công ty trên khai thác từ tháng 7/2012, thời hạn 10 năm.

Quảng Trị: Sợ rách “bụng Rồng” khi khai thác đá - Ảnh 1.

Ngày 27/5/2021, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cùng các sở, ban, ngành kiểm tra mỏ đá khối A đã gần hết hạn khai thác . Ảnh: Ngọc Vũ.

Sau khi được cấp phép, 4 đơn vị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng máy móc thiết bị, lao động phục vụ khai thác, chế biến đá, cung cấp cho thị trường trên 1 triệu m3/năm, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách, tạo việc làm cho trên 500 lao động địa phương…

Đến nay, mỏ đá khối A sắp hết hạn khai thác, trữ lượng còn lại rất ít, chất lượng kém, chỉ cung cấp được 40% sản lượng đá cho nhu cầu xây dựng công trình, 60% còn lại phải lấy từ tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế.

Đến tháng 6/2022, khi mỏ đá khối A hết hạn khai thác, sản lượng đá khai thác trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 100.000m3/năm, không đáp ứng nhu cầu cung cấp cho các công trình.

Trong khi đó, Quảng Trị đang được các nhà đầu tư hướng đến với nhiều công trình xây dựng trọng điểm, nhu cầu sử dụng đá khoảng 2 triệu m3/năm.

Quảng Trị: Sợ rách “bụng Rồng” khi khai thác đá - Ảnh 2.

Mỏ đá khối A đã khai thác gần hết trữ lượng. Ảnh Ngọc Vũ chụp ngày 27/5/2021.

Một thực tế trong đợt lũ lụt tháng 10/2020 vừa qua tại Quảng Trị, nhiều tuyến đường, công trình xây dựng bị sạt lở, hư hỏng cần khắc phục, sửa chữa khẩn cấp nhưng đá xây dựng trên địa bàn không đủ đáp ứng. Vì vậy, việc khắc phục hậu quả mưa lũ không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian ách tắc giao thông.

Hiện nay, mỏ đá vôi khối D – Tân Lâm (xã Cam Tuyền, Cam Lộ) đang được quy hoạch để sản xuất xi măng đến năm 2021. Tuy nhiên, chất lượng đá không đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng.

Vì vậy, 4 doanh nghiệp trên kiến nghị HĐND, UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Chính phủ, Bộ TNMT, Bộ Xây dựng đưa mỏ đá vôi khối D – Tân Lâm ra khỏi quy hoạch sản xuất xi măng, đồng thời cấp phép cho 4 doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng thông thường.

Sợ rách "bụng Rồng"

Ông Nguyễn Anh Tuân – Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền (Cam Lộ) cho biết, mỏ đá khối D thuộc khu vực núi Một, đã được huyện Cam Lộ xây dựng đề án, đưa vào nghị quyết phát triển du lịch. Vì vậy, nếu cho doanh nghiệp khai thác đá ở đó sẽ phá vỡ cảnh quan.

Quảng Trị: Sợ rách “bụng Rồng” khi khai thác đá - Ảnh 3.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra khu vực 4 doanh nghiệp xin khai thác tại mỏ đá khối D vào ngày 27/5/2021. Ảnh: Ngọc Vũ.

Một lãnh đạo huyện Cam Lộ cho hay, núi Một là trung tâm huyệt đạo của tỉnh Quảng Trị. Bởi vì, theo đường thẳng, khoảng cách từ núi Một tới biên giới Việt – Lào bằng từ núi Một về biển và khoảng cách từ núi Một ra địa phận tỉnh Quảng Bình bằng với đi đến địa giới tỉnh Thừa Thiên-Huế. Về mặt tâm linh, người dân địa phương cho biết, núi Một, nơi có ngọn cờ cắm trên đỉnh núi là "đầu Rồng", phần kéo dài phía sau (khu vực doanh nghiệp đề nghị cho khai thác đá) là "thân con Rồng". Nếu khai thác đá ở khu vực mỏ đá khối D, người dân lo ngại sẽ rách "bụng Rồng", ảnh hưởng đến nhân sinh.

Về mặt sinh thái, khu vực núi Một, trong đó có mỏ đá khối D đã được quy hoạch phát triển du lịch, và còn là lá chắn với rừng cây hàng trăm năm che chở huyện Cam Lộ. Vì vậy, cần phải bảo tồn khu vực này.

"Không thể một bên nổ mìn khai thác đá, một bên đầu tư phát triển du lịch được. Vì vậy, mong các doanh nghiệp chia sẻ cho huyện, không thể vì kinh tế mà đánh đổi môi trường" – một lãnh đạo huyện Cam Lộ nói.

Quảng Trị: Sợ rách “bụng Rồng” khi khai thác đá - Ảnh 4.

Ngọn núi này được gọi là núi Một. Người dân địa phương cho rằng, núi Một là đầu Rồng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Một cán bộ Sở Xây dựng Quảng Trị cho biết, trên địa bàn huyện Cam Lộ và Đakrông trữ lượng mỏ đá còn khá lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp nên nghiên cứu tìm nơi khác ngoài mỏ đá khối D.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết, khu vực núi Một, trong đó có mỏ đá khối D rất nhạy cảm, hết sức quan trọng trong an ninh quốc phòng. Nơi đây có hang động và còn được quy hoạch bãi hủy nổ quy mô lớn cho nhiều tỉnh miền Trung.

Bà Hoàng Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao-Du lịch Quảng Trị xác nhận, khu vực núi Một có hang động, nằm trong vùng di tích, du lịch và cấm khai thác.

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị cho biết, cần nghiên cứu kỹ, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, du lịch, sinh thái.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, mỏ đá khối D đã được Bộ Xây dựng quy hoạch cho khai thác để sản xuất xi măng, sau chuyển sang quy hoạch khai thác đá vôi công nghiệp. Vì vậy, không lý do gì bây giờ Bộ lại không cho phép chuyển sang khai thác đá vật liệu thông thường.

Quảng Trị: Sợ rách “bụng Rồng” khi khai thác đá - Ảnh 5.

Ông Lê Đình Sung - Giám đốc Công ty TNHH Minh Hưng (phải) chỉ về ngọn núi mỏ đá khối D, nơi 4 doanh nghiệp xin khai thác đá. Ảnh Ngọc Vũ chụp ngày 27/5/2021.

Ông Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Trị cho biết, các doanh nghiệp nên tìm một nơi khác để xin cấp phép mỏ đá. Bởi lẽ, nếu xin chuyển quy hoạch mỏ đá khối D từ khai thác đá vôi công nghiệp sang khai thác đá vật liệu thông thường, theo luật, nếu điều chỉnh được và thuận lợi thì phải đến năm 2023 mới xong thủ tục.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, 4 doanh nghiệp nêu trên đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương nên tỉnh ghi nhận, biểu dương.

Thực tế, thời gian qua, doanh nghiệp ở Quảng Trị phải mua đá vật liệu từ các tỉnh khác về để xây dựng công trình.

"Tôi đi thực tế thấy rất rõ, lũ lụt gây sạt lở đường sá cần sửa chữa gấp nhưng trong tỉnh không đủ đá, phải chở từ nơi khác đến, mất nhiều thời gian" – ông Đồng chia sẻ.

Theo ông Đồng, trữ lượng đá xây dựng ở tỉnh còn nhiều nhưng phải mua đá nơi khác về là điều bất cập, đáng tiếc. Nếu đến khi hết hạn mà 4 doanh nghiệp trên không có địa điểm mới để khai thác, công nhân mất việc, máy móc thiết bị tồn kho… là vấn đề nan giải, UBND tỉnh rất quan tâm.

Tuy nhiên, đề xuất của doanh nghiệp về khai thác mỏ đá khối D, tỉnh phải nghiên cứu, xem xét kỹ để đảm bảo yếu tố an ninh quốc phòng, du lịch, tâm linh… Vì vậy, ông Đồng đề nghị 4 doanh nghiệp khảo sát thêm các nơi khác, nếu làm được, tỉnh hỗ trợ tối đa.

Ông Đồng cho hay, về mỏ đá khối D, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, nếu điểm nào không ảnh hưởng, có thể khai thác thì xin ý kiến các cấp, ngành và đặc biệt là nhân dân để có hướng giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem