Quảng Trị: Lãnh đạo TP Đông Hà nói về căn bệnh ngập cục bộ
Quảng Trị: Lãnh đạo TP.Đông Hà nói về căn bệnh ngập cục bộ
Ngọc Vũ
Thứ năm, ngày 04/11/2021 11:39 AM (GMT+7)
Theo lãnh đạo TP.Đông Hà, ngập cục bộ là căn bệnh diễn ra nhiều năm qua trên địa bàn, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Thành phố đang cố gắng chữa căn bệnh này.
Như Dân Việt đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị mỗi khi mưa lớn. Có nhiều nơi bị ngập úng như khu vực đường Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo…
Điệp khúc cứ mưa to lại ngập diễn ra nhiều năm qua và gần nhất là ngày đêm 17, rạng sáng 18/10 và sáng 28/10, rất nhiều nơi ở TP.Đông Hà bị ngập úng, có nơi ngập ngang bụng người lớn. Vì bị ngập lụt, người dân phải di dời, cơ quan chức năng phải huy động lực lượng sơ tán học sinh khỏi trường học ở đường Phan Đình Phùng… Người dân kêu cứu khắp nơi.
Để dư luận hiểu rõ căn bệnh ngập gây bức xúc trong thời gian dài nêu trên, sáng 4/11, PV Dân Việt đã có cuộc làm việc với ông Phạm Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Đông Hà.
Căn bệnh ngập úng ở Đông Hà
Ông Dũng thừa nhận, việc ngập úng trên địa bàn TP.Đông Hà đã diễn ra trong nhiều năm gần đây, cứ mưa lớn khoảng 100mm/giờ là diễn ra điệp khúc ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.
Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, mưa lớn, có thời điểm lượng mưa đo được lên tới 400-500mm/giờ.
Thứ hai, quá trình đô thị hoá diễn ra rất nhanh, khiến diện tích mặt đất tự nhiên và hệ thống thoát nước tự nhiên bị thu hẹp. Khi có mưa lớn, lượng nước lớn dồn dập tập trung đến các vùng thấp trũng gây ngập lụt cục bộ.
Thứ ba là việc xây dựng các công trình hạ tầng, nhà dân, bê tông hoá diễn ra nhanh khiến lượng nước càng chảy nhanh về nơi thấp trũng. Trong khi đó, hệ thống thoát nước đã cũ, bị bồi lấp gây cản trở dòng chảy, đặc biệt ở phía hạ lưu dẫn đến ngập úng.
Theo ông Dũng, TP.Đông Hà có địa hình bát úp nên nước tập trung vào nơi thấp nhất. Đường Phan Đình Phùng, Lê Lợi là một trong những điểm tụ nước, lưu vực nước thu về từ đường Lý Thường Kiệt, hồ Đại An rất lớn… cộng thêm những nguyên nhân nêu trên khiến tình trạng ngập úng nặng hơn.
"Ngập úng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Lãnh đạo thành phố biết điều đó nên rất quan tâm, tìm cách khắc phục, chữa căn bệnh này nhưng nguồn lực, điều kiện kinh phí có hạn nên không thể xử lý trong một sớm một chiều" – ông Dũng nói.
Giải phóng chống ngập
Theo vị lãnh đạo này, riêng khu vực ngập sâu như đường Phan Đình Phùng, một số kiệt ở đường Lê Lợi, HĐND TP.Đông Hà đã ban hành chủ trương thực hiện dự án hệ thống thoát nước với nguồn vốn 50 tỷ đồng. Hệ thống thoát nước này nối từ hồ Đại An, qua đường Phan Đình Phùng, ra cánh đồng phường Đông Lễ, quy mô gấp 3 lần hệ thống thoát nước cũ.
Hiện nay, cơ quan chức năng đang lập dự án, trong năm 2021 sẽ phê duyệt. Cố gắng đến năm 2022 sẽ khởi công và chậm nhất là đến năm 2025 sẽ hoàn thành.
Ông Dũng tin rằng sau khi dự án hoàn thành, nhiều nơi sẽ không còn ngập nữa.
Bên cạnh đó, để xử lý tình huống trước mắt, UBND TP.Đông Hà chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát các điểm ngập cục bộ, tham mưu thành phố chỉ đạo việc nạo vét, khơi thông các điểm ngập.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án đã được thành phố phê duyệt về thoát nước để giải quyết vấn đề.
Về giải pháp dài hạn, thành phố sẽ rà soát quy hoạch chung (quy hoạch chung này do Sở KHĐT tỉnh Quảng Trị trình Bộ Xây dựng để lấy ý kiến, sau đó trình UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt) để điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý, nhằm đảm bảo thoát nước cho TP.Đông Hà khi tiến lên đô thị loại 2 và loại 1 trong tương lai.
Tiến lên đô thị loại 2
Theo ông Dũng, nhiều năm qua, Đông Hà đã vận động nguồn vốn ODA để xây dựng thoát nước. Tới đây sẽ có một dự án lớn, nguồn vốn hơn 40 triệu euro, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP.Đông Hà Phạm Văn Dũng mong muốn UBND tỉnh sớm có quy hoạch chung của thành phố, ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách để đầu tư hạ tầng, trong đó có hệ thoát nước.
"Thành phố Đông Hà phấn đấu đến tháng 4/2022 được công nhận đô thị loại 2 nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Đông Hà. Vì vậy, có rất nhiều điều phải lo, phải cố gắng, cần sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong xây dựng hạ tầng, khắc phục những khó khăn, tồn tại" – ông Dũng chia sẻ.
"Khi phát triển các khu đô thị mới trên địa bàn, chúng tôi ưu tiên đầu tư mang tính hiện đại, đồng bộ, đảm bảo thoát nước trong tương lai; đồng thời yêu cầu cơ quan chuyên môn tính toán kết nối khu đô thị cũ với khu đô thị mới để tránh ngập cục bộ" – Phó Chủ tịch UBND TP.Đông Hà Phạm Văn Dũng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.