Quốc hội thảo luận về điều 60 Luật BHXH năm 2014: Đại biểu thấy xấu hổ, có lỗi

Hải Phong Thứ năm, ngày 28/05/2015 07:29 AM (GMT+7)
“Một số đại biểu Quốc hội thấy buồn, xấu hổ, có lỗi. Nói vậy để thấy đây là điều hết sức đáng tiếc bởi điều luật này thay đổi một chính sách hết sức quan trọng, nhưng chúng ta lại không xem xét một cách thận trọng chu đáo, để hôm nay ra nông nỗi này”.
Bình luận 0

Đại biểu (ĐB) Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đã nói ra những suy nghĩ thẳng thắn của mình khi góp ý cho tờ trình của Chính phủ về sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sáng 27.5, Ông Minh cũng như nhiều ĐB khác, đã đề nghị phải sửa Điều 60 “vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích người lao động, dù đó là thiểu số”.

Điều 60 không sai…

Mở đầu phiên thảo luận của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) đã bày tỏ sự thông cảm và chia sẻ với sự bức xúc của một bộ phận người lao động trong thời gian qua. Bà Thúy đặt vấn đề: Liệu số tiền hưởng BHXH một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân và gia đình họ hay không?

img
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) phát biểu thảo luận sáng 27.5. ẢNH: Ý Như

ĐB này dẫn chứng theo báo cáo của Chính phủ trong 5 năm 2010 - 2014, trong 2.323.097 người hưởng BHXH một lần thì có đến 962.638 người mới làm việc có 1 năm trở lại. Tức là hưởng một lần chỉ được tối đa là 1,5 tháng tiền lương đóng BHXH. Có thể tiền này thấp hơn tiền lương thực nhận vì không ít doanh nghiệp còn tình trạng lập 2 sổ lương. “Như vậy, chỉ đóng BHXH một thời gian ngắn rồi rút ra thì không thể coi là bảo hiểm được. Với số tiền đó thì không đủ để giải quyết khó khăn, để làm vốn về quê lập nghiệp” - ĐB Thúy nhấn mạnh.

Vì thế, ĐB Thúy cho rằng không phải sửa Điều 60 vì điều này là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với Hiến pháp, mục tiêu của Đảng và xu hướng phát triển chung: “Giải pháp tốt nhất là đề nghị Quốc hội ra nghị quyết cho phép người lao động sau một năm nghỉ việc được quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm. Sau một thời gian thực hiện cần có báo cáo tổng kết đánh giá, lúc đó chúng ta xem xét có cần bổ sung quy định này vào Điều 60 hay không? Tôi vẫn hy vọng rằng khi đó người lao động đã nhận thức đúng và đầy đủ hơn vấn đề này”.

Đồng quan điểm, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho biết, theo thống kê phần lớn người lao động muốn nhận BHXH một lần là những người lao động có số năm đóng BHXH chưa nhiều hoặc do có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm. “Họ chủ yếu là lao động từ khu vực nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp, không ít trong số họ làm công việc ngắn hạn và thời vụ, nên việc nhận thức bảo lưu thời gian đóng BHXH để tích lũy số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu còn hạn chế” - bà Yến phân tích. Bà Yến cũng khẳng định, về quy trình, thủ tục xây dựng dự án luật từ khâu soạn thảo đến khâu thẩm tra, đến lấy ý kiến tiếp thu, chỉnh lý và thông qua Luật BHXH năm 2014 đều được đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Bà Yến cũng đồng tình với đề xuất của ĐB Kim Thúy khi đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết bảo lưu Điểm c, Khoản 1, Điều 55 của Luật BHXH 2006 cho lĩnh BHXH một lần. Các ĐB khác như ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) hay ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc)… cùng chung quan điểm.

... nhưng chưa đủ

Khác với quan điểm của một số ĐB trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định: Cho đến nay tôi chưa thấy ai đòi hỏi phải bỏ Điều 60. Sở dĩ người ta phản ứng là vì Điều 60 đúng nhưng không đủ, vì chưa quan tâm đầy đủ lợi ích thực tiễn của cộng đồng người lao động khác nhau. “Điều 60 bị phản ứng chính là vì đã tước bỏ quyền lựa chọn của một bộ phận người lao động đối với lợi ích hợp pháp của người ta. Nếu cho lựa chọn thì chưa chắc người ta đã chọn, khi cho chọn thì người ta có quyền nhưng chưa chắc người ta chọn theo hướng lĩnh một lần. Đặc trưng của luật pháp trong các nước dân chủ là giao cho người dân quyền chọn lựa đối với quyền lợi hợp pháp của họ, là quan tâm đến quyền lợi của các tầng lớp cộng đồng, cho dù đó là những cộng đồng thiểu số. Trong khi đây là phản ứng của hàng trăm ngàn người trên 5 tỉnh thành của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đó có phải là thiểu số?”- ĐB Nghĩa nêu vấn đề.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ rằng ông quả thực không vui khi luật vừa ban hành đã có một bộ phận lao động phản ứng: “Nếu chúng ta nói luật ban hành đúng thì không hợp lý. Đúng mà vì sao lại có người lao động phản ứng và chúng ta lại đề nghị sửa đổi? Nếu chúng ta nói luật ban hành sai thì lại càng không thỏa đáng, rất buồn cho Quốc hội chúng ta khi ban hành một luật mà không được nhân dân đồng tình”. Trong khi đó, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Theo đề xuất Chính phủ bảo trước mắt thì cho sự lựa chọn, tôi không thấy sự lâu dài ở đây và chưa thuyết phục. Và liệu còn có vấn đề lo vỡ quỹ bảo hiểm không, có phải vì số người lao động đòi hưởng BHXH một lần ngày một tăng cho nên chúng ta phải áp đặt bắt người ta không được rút... Những vấn đề đó tôi đề nghị phải giải trình làm rõ”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) chia sẻ: “Thực sự khi gặp và nghe công nhân trình bày nguyện vọng, rồi xem xét về điều luật này, tôi thấy mình chưa thực sự hiểu đầy đủ nguyện vọng của một bộ phận người lao động. Cứ nghĩ mình làm luật như vậy là tốt, có lợi cho người lao động nhưng người lao động trong những hoàn cảnh cụ thể thì họ thấy Điều 60 còn thiếu, mình thiếu thực tiễn chính ở chỗ đó và rõ ràng thực tiễn rất phong phú”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem