Rời Bạch Mai, bác sĩ được trả hơn 100 triệu đồng/tháng và lời giải thích bất ngờ từ bệnh viện!

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 16/04/2021 08:14 AM (GMT+7)
Cũng bác sĩ đó thu nhập tại bệnh viện khoảng 20 triệu/tháng nhưng khi ra ngoài được trả hơn 100 triệu/tháng. Đây là điều từng xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua, nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện về cải tổ, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại đây...
Bình luận 0

Xung quanh những thay đổi nhân sự đang gây xôn xao dư luận, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã có trao đổi với PV Báo Dân Việt.

Ở Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ đó thu nhập khoảng 20 triệu, ra ngoài được trả hơn 100 triệu/tháng

Thưa ông, từ tháng 2/2020, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện công lập đầu tiên thực hiện tự chủ tài chính, nâng cao chất lượng dịch vụ. Quá trình thực hiện việc này có thay đổi như thế nào về đội ngũ nhân sự bệnh viện?

- Năm vừa qua, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng chung do dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai còn phải chịu áp lực từ đổi mới. Chính vì thế, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định đặt chất lượng dịch vụ lên hàng đầu, yêu cầu toàn bộ đội ngũ nhân sự tăng cường. 

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai

Đối với bác sĩ Khoa khám bệnh, trước đây 7h30 mới bắt đầu làm việc thì giờ phải có mặt tại bệnh viện lúc 5h sáng nhằm giải quyết tình trạng đông bệnh nhân, để người bệnh không phải chờ đợi lâu…

Rõ ràng, dịch vụ muốn tốt thì nhân viên y tế phải thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi này không phải ai cũng chấp nhận. Để có mặt ở bệnh viện lúc 5h thì các bác sĩ đã phải rời khỏi nhà sớm hơn. Đó là điều không dễ dàng gì đối với người lao động.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 2.

Ông Thành cho hay, Bệnh viện Bạch Mai chủ trương nâng cao chất lượng dịch vụ trong công tác đón tiếp, khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Nói như vậy nhưng chúng tôi không áp đặt chủ quan. Nếu cán bộ nhân viên đi làm sớm sẽ được về sớm. Ví dụ như 5h có mặt tại cơ quan thì 14h đã được về rồi. 

Đó là câu chuyện nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng vẫn cân nhắc đến điều kiện làm việc của người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng thuận hay ai cũng hài lòng về vấn đề này.

Để chất lượng dịch vụ tốt đối với người bệnh, theo ông cần phải thực hiện những nhiệm vụ nào?

- Có hai nhiệm vụ tách bạch. Thứ nhất, bệnh nhân là khách hàng của bệnh viện. Bệnh nhân phải hài lòng bệnh viện mới phát triển. 

Thứ hai, với cán bộ viên chức được coi là khách hàng của lãnh đạo bệnh viện. Giám đốc bệnh viện phải tìm cách làm hài lòng cán bộ viên chức. Đó là điều quan trọng của lãnh đạo bệnh viện trong quản lý nhân sự.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 3.

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã có 221 nhân sự nghỉ việc.

Việc cân bằng giữa hai nhiệm vụ đôi khi không dễ dàng bởi nếu hài lòng bệnh nhân có lúc gây áp lực đối với cán bộ nhân viên y tế. Trước đây không bao giờ có chuyện cán bộ viên chức bị xử lý lỗi quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, chính Bộ Y tế cũng ra thông tư về việc nâng cao thái độ hài lòng của người bệnh. Có hình thức kỷ luật những lỗi vi phạm quy tắc ứng xử. 

Bệnh viện đợt này áp dụng rất nghiêm sai phạm quy tắc ứng xử, xử lý kỷ luật cán bộ viên chức vi phạm. Chính điều đó cũng tạo áp lực cho toàn thể cán bộ viên chức. Tuy nhiên áp lực đó là cần thiết. Khi nhân viên thấy cần phải thay đổi thì mới có thay đổi thực sự. 

Khi bệnh viện áp dụng nâng cao chất lượng dịch vụ đã xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều. Có phải do quá nóng vội thực hiện mà vô tình tạo áp lực cho các y bác sĩ?

- Tất nhiên, khi triển khai như vậy thì trách nhiệm của bệnh viện cũng như người đứng đầu bao giờ cũng tính đến khả thi của giải pháp. Đa số sự thay đổi đó được sự đồng thuận của cán bộ viên chức. Có chăng một bộ phận nhỏ không hiểu hoặc chưa hiểu đúng. 

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 4.

Bệnh viện Bạch Mai.

Thực sự mọi sự thay đổi đều khó khăn. Kể từ khi bệnh viện tự chủ tất cả đều công khai minh bạch. Trước đây không có chuyện thu chi tài chính từng đơn vị được công bố công khai, giờ hàng tuần phải báo cáo trước toàn bệnh viện. 

Công khai hoạt động chuyên môn của từng đơn vị. Từng đơn vị thu chi bao nhiêu… Chính vì những công khai minh bạch, chỉ đạo chuẩn chỉ như vậy sẽ hạn chế lỗi, sai phạm, thu không hợp lý… đâu đó sẽ tác động đến một số nguồn thu không đúng quy định. 

Những đối tượng chịu tác động bởi những chính sách như vậy đương nhiên không hài lòng, có thể có những phản ứng quyết liệt. Tôi cho rằng khi quyết tâm đổi mới không thể né tránh được những việc đó. 

Nhiều ý kiến cho rằng Bệnh viện Bạch Mai đang chảy máu chất xám....?

- Câu chuyện này chúng tôi cũng đã nói rõ. Trong số 221 người ra đi có hơn 1 nửa là lao động phổ thông (do kiện toàn, chấm dứt hợp đồng). Có 40 trường hợp là bác sĩ, điều dưỡng. Cũng không phải là nhân vật quá xuất sắc của bệnh viện ra đi. 

Họ có lý do để đi như lý do cá nhân, thu nhập. Ở Bệnh viện Bạch Mai cũng bác sĩ đó thu nhập khoảng 20 triệu nhưng khi ra ngoài được trả hơn 100 triệu/tháng. Đó là câu chuyện không chỉ Bệnh viện Bạch Mai không thể nào giữ được mà bất kể cơ sở y tế nào cũng gặp khó. 

Về việc chảy máu chất xám, tôi khẳng định không có vì đội ngũ ra đi không phải là lực lượng nòng cốt, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của bệnh viện.

Cán bộ tuyển dụng thời gian qua của bệnh viện còn nhiều hơn gấp đôi số đi, trong đó có rất nhiều GS, TS, chuyên gia hàng đầu chất lượng về bệnh viện. Thực tế rất mừng vì dịch Covid-19 được kiểm soát hoạt động chuyên môn của bệnh viện gần như trở lại bình thường. 

Như điều trị nội trú hiện mỗi ngày công suất 3300 bệnh nhân với hơn 3200 giường. Bệnh viện luôn trong tư thế 24/24 không để bệnh nhân quá tải, ngoại trú cũng đạt 5000-6000 bệnh nhân mỗi ngày.

Chính những chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đem lại cho bệnh nhân sự hài lòng, đồng thời cũng tác động đến nguồn thu bệnh viện.

Cây xanh trăm năm tuổi ở Bệnh viện Bạch Mai bị "xẻ thịt" để đảm bảo an toàn cho người bệnh

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 5.

Công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Có người phản ánh từng cống hiến hàng chục năm cho khoa nhưng bị phân công công việc khác không phù hợp. Vì lý do đó khiến một bộ phận đội ngũ y bác sĩ phải ra đi?

- Trong kiện toàn, chúng tôi có nêu 2 đơn vị giải thể đó là hệ thống nhà thuốc, dịch vụ. Theo quy định của luật phải thông báo trước 1 tháng nhưng cũng có đợt do dịch Covid-19, đơn vị chúng tôi không kịp thông báo trước 1 tháng. Theo luật lao động, chúng tôi hỗ trợ cán bộ viên chức 1 tháng lương. Tất cả chủ trương phổ biến công khai đến người lao động

Thực sự trong đổi mới vừa qua có lẽ đối tượng chịu áp lực nhất đó là lãnh đạo các đơn vị. Lãnh đạo đơn vị phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo bệnh viện về hoạt động của đơn vị đó. 

Nếu ngày xưa đơn vị có thế nào thì trưởng khoa luôn luôn là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thế nhưng giờ thì không có chuyện đó. Nhiều đơn vị phản ứng khi trưởng khoa không được xuất sắc nhưng nhân viên được xuất sắc. 

Rõ ràng nhìn nhận nhân viên khác với trưởng khoa. Trưởng khoa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngày xưa tất cả nhân viên trong bệnh viện thưởng Tết giống nhau. Bắt đầu từ năm nay, thưởng Tết theo từng mức độ hoàn thành nhiệm vụ sẽ khác nhau. Ví dụ, nhân sự nào đạt xuất sắc được thưởng 15 triệu, hoàn thành tốt 10 triệu, hoàn thành nhiệm vụ 5 triệu, không hoàn thành thì dĩ nhiên không có thưởng Tết. Việc này có tiêu chí đánh giá rõ ràng.

Đối với lãnh đạo đơn vị, việc đánh giá năng lực, hoàn thành nhiệm vụ có gì khác so với trước đây?

- Trước đây, khi bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị thì sau 5 năm mới xem xét bổ nhiệm lại. Nhưng từ khi Bệnh viện Bạch Mai thực hiện đổi mới định kỳ đã đánh giá lãnh đạo hoàn thành chức năng nhiệm vụ. Nếu lãnh đạo ngồi đó để đơn vị không phát triển được, chúng tôi phải thay, thứ nhất chấm dứt hợp đồng, thứ 2 điều sang bộ phận khác. 

Với quan điểm này, từ khi GS.TS Nguyễn Quang Tuấn về tiếp quản, nhiều vị trí chủ chốt của bệnh viện được thay đổi. Một số lãnh đạo khoa ra đi vì lý do như vậy. 

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 7.

Khu miếu thờ trong khuôn viên bệnh viện mới được xây dựng khang trang.

Một số ý kiến cho rằng việc bệnh viện xây miếu thờ, phân công nhân viên phòng khoa mua đồ lễ cúng bái trong khi chức năng chính của bệnh viện khám chữa bệnh, ông chia sẻ thế nào về vấn đề này? 

- Văn hoá tín ngưỡng là quyền của mỗi người. Ở môi trường bệnh viện vấn đề này càng được đề cao. Có những bệnh nhân nặng gần đất xa trời muốn cứu cánh để đem lại cơ hội tốt hơn. Trước đây đó là miếu rất lụp xụp, ẩm thấp. Giờ xây dựng khang trang, sáng sủa. 

Là nơi tâm linh mà bệnh nhân, người nhà và kể cả nhân viên y tế đến đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Nhân viên bệnh viện cũng như bệnh nhân đánh giá cao việc này. Số tiền mọi người ủng hộ tuỳ tâm bệnh viện đóng góp làm từ thiện, hoạt động xã hội rất nhân văn.

Về việc bệnh viện cử hay phân công viên phòng khoa mua đồ lễ cúng bái là chưa chính xác. Đây là hoạt động tự nguyện của mỗi người.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 8.

Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo trước đây...

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 9.

... giờ đã bị phá dỡ tan hoang.

Việc nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân nghèo được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2010 quy mô 300 giường với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng nhưng đến nay tạo sao bị phá dỡ, thưa ông?

- Nhà lưu trú trước đây được một doanh nghiệp tài trợ, sau nhiều năm tháng đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường nên đã được phá bỏ để làm mục đích khác. Viện giám định y khoa vẫn bố trí nơi lưu trú cho người nhà người bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 10.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai: "Không có mất mát hy sinh nào mà không có kết quả" - Ảnh 11.

PV Dân Việt bên cây xà cừ trăm năm tuổi trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai bị "xẻ thịt" cách đây vài tháng.

Tại khuôn viên bệnh viện trước đây luôn có cây xanh lâu năm phủ bóng mát, thế nhưng vừa qua bệnh viện đã chặt đi hai cây xà cừ có tuổi đời trăm tuổi. Tại sao bệnh viện lại có quyết định này?

- Hiện tại nếu ai đến Bệnh viện Bạch Mai đều nhận ra khuôn viên bệnh viện khác xa. Chuyện cây phải đặt vấn đề an toàn. Có cây bị mục rất nguy hiểm. Có cây thành di tích vì từng bị Mỹ ném bom xuyên vào cây.

Do liên quan đến an toàn của bệnh nhân, người nhà cũng như cán bộ bệnh viện, chúng tôi đã xin phép các cấp chặt cây. Bù lại bệnh viện đã trồng cây mới, tương lai không xa sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Cho đến thời điểm này, với những tác động nhiều chiều trong quá trình thay đổi, ông có thể nói điều gì?

- Trong quá trình cải cách, bệnh viện sẽ phải chấp nhận những cái phản chiếu, đấu tranh, không thể tránh khỏi. Bệnh viện sẽ làm bằng mọi cách phổ biến chủ trương chính sách tạo sự đồng thuận tối đa cho cán bộ công nhân viên chức đồng lòng cùng lãnh đạo vì sự phát triển chung.

Chúng tôi mừng vì giai đoạn vừa rồi mới thực hiện thay đổi hơn 1 năm nhưng bộ mặt bệnh viện hoàn toàn khác, chất lượng, sự hài lòng của người dân tăng lên so với ngày trước. Nhiều người bệnh gửi thư khen, với bệnh viện đó là động lực rất lớn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem