Sáng ngày 16/4, đều đặn như mọi tháng, ông Nguyễn Văn Tiến (61 tuổi, quê Bắc Giang) có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai để khám tổng thể. Trước đó, một ngày ông đã xuống Hà Nội ở nhà con trai chơi một hôm.
Hơn 7h ông có mặt ở cổng bệnh viện. Lúc này, một số nhân viên trực sẵn hướng dẫn cho người bệnh đến từng phòng ban cần thiết. Ông Tiến được hướng dẫn đến khu khám và điều trị trong ngày.
Chỉ mất chưa đầy 1 tiếng, ông Tiến đã hoàn tất thủ tục khám và được bác sĩ dặn dò kê đơn thuốc cho ông về nhà uống theo hướng dẫn.
"Tôi khám định kỳ hàng tháng ở Bệnh viện Bạch Mai đến nay đã hơn 10 năm. Không chỉ tôi mà nhiều người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân nhận ra một điều là, gần 1 năm qua, dịch vụ nơi đây đã thay đổi một cách rõ rệt, chất lượng tốt hơn rất nhiều so với những năm trước", ông Tiến nói.
Ông Tiến đưa ra một số bước "đổi mới" tại Bệnh viện Bạch Mai như khâu đón tiếp bệnh nhân của nhân viên bệnh viện. Ngoài ra có xe điện, xe lăn, thậm chí cả ô che nắng phục vụ bệnh nhân. Điều này chưa từng có trong tiền lệ vào những năm trước đây.
"Từ nhà vệ sinh sạch sẽ, khang trang cho đến đội ngũ nhân viên bác sĩ rất nhiệt tình khám chữa bệnh. Tôi có nghe chuyện lùm xùm tại bệnh viện về việc hơn 200 nhân sự xin nghỉ. Bản thân là người bệnh, tôi cũng có chút hoang mang. Thế nhưng công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn diễn ra tích cực. Tôi quan tâm đến chất lượng dịch vụ và như hiện tại tôi thấy hoàn toàn yên tâm và hài lòng", ông Tiến bộc bạch.
Đồng quan điểm với ông Tiến, ông Lý Đình Phương (51 tuổi, quê Bắc Ninh) cho biết, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua được cải tiến, rút gọn hơn rất nhiều.
"Hôm nay tôi đưa người nhà đi khám tại đây. Tôi cũng từng đi khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai nhiều nên tôi nhận ra sự thay đổi khác biệt so với những năm trước. Như trước đây, tôi phải đi từ 2 giờ sáng đến bệnh viện xếp hàng chờ khám làm các thủ tục xét nghiệm máu, chụp tim, phổi… phải mất cả ngày. Có lúc tôi rất mệt mỏi nhưng ai cũng đều chờ đợi như mình cả", ông Phương nói.
Thế nhưng, thời gian vừa qua ông Phương thấy Bệnh viện này đã thay đổi từ khâu nhân viên đón tiếp bệnh nhân đến việc rút gọn thủ tục khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, ở đâu trong khuôn viên bệnh viện cũng được bố trí ghế ngồi, mái che mưa nắng.
"Đặc biệt nữa là hệ thống nước sạch miễn phí được lắp đặt xung quanh bệnh viện. Việc này giúp người bệnh cũng như người nhà có nước uống mà không phải đi mua. Người nhà tôi khám chỉ một lúc buổi sáng là hoàn tất các thủ tục", ông Phương nói.
"Vui lắm! Bệnh nhân nghèo như tôi cũng được quan tâm đúng nghĩa"
Ông Phạm Chí Mỹ (76 tuổi, quê Bắc Giang) cho hay, thời gian gần đây Bệnh viện Bạch Mai có nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Những thay đổi này có lợi cho người dân nghèo và giảm bớt gánh nặng cho người nhà.
"Phòng của tôi, bác sĩ điều trị rất tận tình chu đáo, điều dưỡng nhiệt tình với bệnh nhân. Con trai tôi không phải làm gì, chỉ thỉnh thoảng tới giờ thì lên thăm bố cho yên tâm. Bệnh viện thay đổi nhiều quá tôi cũng thấy ngỡ ngàng, mọi sự thay đổi đều hướng tới bệnh nhân. Hoan hô Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã biết nghĩ nhiều hơn tới người dân nghèo!", ông Mỹ nói.
Ông Mỹ cũng chia sẻ, ngay cả chuyện ăn uống của bệnh nhân cũng được bệnh viện lo, ngày ăn 3 bữa chỉ mất 100.000 đồng. "Giá như vậy là quá rẻ, ngon, thức ăn lại đa dạng. Hôm nào tôi không muốn ăn cơm bệnh viện chỉ cần báo hủy với điều dưỡng", ông Mỹ bày tỏ.
Theo anh Mai Anh Tuấn (45 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) – Trưởng xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, mọi sự thay đổi của bệnh viện Bạch Mai đều có lợi cho bệnh nhân chạy thận. Bệnh nhân được khám chữa bệnh chuyên nghiệp, dịch vụ chất lượng, bệnh nhân không phải trả thêm bất cứ chi phí gì.
"Đã 25 năm chạy thận tại Bạch Mai nên tôi thấy rõ sự thay đổi từng ngày tại nơi tôi đang trực tiếp điều trị. Có thể mọi người khi nghe tin có 200 bác sĩ rời Bệnh viện Bạch Mai sẽ đoán bệnh viện đang có vấn đề. Tôi không rõ các khoa khác như thế nào nhưng là bệnh nhân điều trị chạy thận chu kỳ tại đây, tôi thấy mọi thứ đang tốt lên từng ngày.
Hiện nay, bệnh viện làm rất chặt chẽ, chuyên nghiệp. Nếu như trước đây chúng tôi sợ nhất vấn đề giao ca (ca 1 và ca 2) vì lúc này bệnh nhân và người nhà của ca sau đến được vào phòng lọc máu tự do sẽ ảnh hưởng tới ca đang chạy.
Ngay cả vấn đề vô khuẩn, người nhà và bệnh nhân vẫn mặc nguyên quần áo đi tứ tung trong phòng, thậm chí bệnh nhân của ca sau có lúc còn ngồi lên giường của người đang chạy… thì không thể đảm bảo được không nhiễm khuẩn chéo giữa các bệnh nhân", anh Tuấn nói.
Ngoài ra theo anh Tuấn, đội ngũ bác sĩ và nhân viên rất chu đáo, làm việc rất cẩn thận, lúc nào cũng có người trực 24/24 trên một ca chạy. Hiện nay, mỗi giường chạy thận đã đánh số và có chuông đầu giường khi bệnh nhân cần khẩn cấp có thể nhấn chuông.
"Trước đây, một ca chỉ có một bác sĩ trực. Nếu bác sĩ đó đi ăn hay đi vệ sinh sẽ khiến ca trực trống không có người phụ trách chuyên môn túc trực. Đôi khi bệnh nhân yếu cần giúp sẽ phải nhờ người gọi nhân viên hoặc bác sĩ. Tôi rất đồng tình với những thay đổi của bệnh viện. Vui lắm! Bệnh nhân nghèo như tôi cũng được quan tâm đúng nghĩa!", anh Tuấn chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.