Sản xuất nông sản an toàn: Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyên nông dân phải biết "4H"

Trần Phượng Thứ bảy, ngày 28/11/2020 14:33 PM (GMT+7)
"Trước đây, chúng ta nặng về tư duy xây dựng mô hình. Với thực tế hiện nay, chúng ta phải thay đổi tư duy trên, vừa xây dựng mô hình vừa tổ chức kết nối giữa sản xuất và thị trường, kết nối giữa thị trường với sản xuất. Nông sản làm ra phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm".
Bình luận 0

Đó là phát biểu của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Phát triển sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hải Phòng tổ chức ngày 26-27/11 vừa qua.

Sản xuất nông sản an toàn, nông dân cần có tinh thần "4H"

Tham dự sự kiện trên có đại diện các vụ, viện liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hải Phòng, Trung tâm Khuyến nông và đại diện nông dân 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Hải Phòng; một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...

Trước đó, ngày 26/11, các đại biểu tham gia các hoạt động tham quan mô hình sản xuất rau an toàn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng và dự khai mạc hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Hồng (địa điểm tại Bờ Hồ, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP.Hải Phòng).

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Sản phẩm vùng miền được trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Đồng Bằng sông Hồng (địa điểm tại Bờ Hồ, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP.Hải Phòng), thu hút khách tham quan thưởng thức và mua sản phẩm.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Sản phẩm vùng miền được trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Hồng ( địa điểm tại Bờ Hồ, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP.Hải Phòng).

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Sản phẩm cam chín sớm được trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Hồng (địa điểm tại Bờ Hồ, phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An, TP.Hải Phòng).

Tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Phát triển sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc", ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, liên kết chuỗi chính là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, trong đó sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc. Người ta biết nhiều tới sản phẩm thông minh, đó là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc. Nếu nông sản an toàn nhưng không có nhãn mác, không thương hiệu sẽ khó tiêu thụ trên thị trường và khó đến được với người tiêu dùng thông thái. 

"Trước đây, chúng ta nặng về tư duy xây dựng mô hình. Với thực tế hiện nay, chúng ta phải thay đổi tư duy trên, vừa xây dựng mô hình vừa tổ chức kết nối giữa sản xuất và thị trường, kết nối giữa thị trường với sản xuất. Việc khuyến khích nông dân làm ra nhiều sản phẩm nhưng khi nông dân hỏi bán ở đâu thì cơ quan chuyên môn chưa trả lời được - đó là bất cập" - ông Tiêu chỉ rõ.  

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Quang cảnh Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp ngày 27/11 tại Hội trường Quận ủy Kiến An, Hải Phòng

Do đó, ông Tiêu nhấn mạnh diễn đàn cần làm rõ một nội dung quan trọng, đó là cơ chế chính sách. Về phía bà con nông dân, cần vượt qua được rào cản, cân bằng được cung cầu để giữ giá sản phẩm ổn định, bền vững, đặc biệt sản phẩm phải sạch, ngon, bổ, rẻ đạt được tiêu chí xanh, sạch, thông minh và nhân văn. 

"Nông dân nên có tinh thần "4H" trong đầu, đó là học, hỏi, hiểu và hành. Với thực tế hiện nay, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất cũ "lợn 2 chuồng, rau 2 luống". Từ tư duy phải làm, chuyển thành được làm, từ hy vọng trở thành khát vọng. Từ thay đổi tư duy sản xuất, người nông dân cũng phải thay đổi nhận thực về an toàn thực phẩm, liên kết chuỗi và truy xuất nguồn gốc" - ông Tiêu nhấn mạnh.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trao đổi tại Diễn đàn ngày 27/11.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hải Phòng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của sản xuất nông sản an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, Hải Phòng đã tập trung cao cho liên kết sản xuất nông nghiệp an toàn, gắn với tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc, có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. 

"Tuy nhiên, do thị trường nông sản thường xuyên biến động mạnh, hành lang pháp lý đảm bảo cho các chuỗi liên kết bền vững còn thiếu và yếu, diện tích sản xuất thì manh mún, tính kết nối "4 nhà" trong đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ đến tiêu thụ chưa hiệu quả, liên kết vùng còn hạn chế nên các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thực sự rất e ngại và số lượng còn khiêm tốn" - ông Tùng thông tin. 

Tìm cách tháo gỡ vướng mắc

Tại diễn đàn, đã có rất nhiều đại biểu, đại diện các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân đặt câu hỏi tới Ban Cố vấn, các chuyên gia, nhà quản lý để tìm hướng tháo gỡ các vướng mắc thường gặp trong sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Ngân, đại diện Công ty Phú Cường có địa chỉ tại quận Kiến An, Hải Phòng cho biết, đơn vị của bà rất muốn cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để người sản xuất có thể đến gần được với người tiêu thụ hơn. Để tự "cứu" mình trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, duy trì được sản xuất kinh doanh, có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp của bà phải làm cửa hàng riêng, bán sản phẩm của công ty. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, chi phí phải bỏ ra khá lớn. Quá trình triển khai, việc duy trì chi phí cho nhân viên bán hàng rất khó khăn. Một điều đáng buồn là 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP do đơn vị sản xuất ra được tiêu thụ tốt tại Hà Nội, song tại thị trường Hải Phòng lại không có chỗ đứng. 

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Ngân, đại diện công ty Phú Cường (địa chỉ tại Kiến An, Hải Phòng) nêu quan điểm và đưa ra câu hỏi tại diễn đàn ngày 27/11.

"Người dân và các nhà hàng trên địa bàn TP.Hà Nội họ có trình độ nhận thức cao hơn, họ sẵn sàng chấp nhận mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn với mức giá cao hơn sản phẩm không rõ nguồn gốc với mức chênh giá 10.000 – 15.000 đồng/kg (tùy loại) để được sử dụng sản phẩm chất lượng. Trong khi tại thị trường Hải Phòng, khi cần mua tôm, cá người dân thường có thói quen ra chợ mua cho tiện. Đây là lí do khiến sản phẩm VietGAP của đơn vị sản xuất ra không cạnh tranh được về giá" - bà Ngân nói.

Trong khi đó, ông Vũ Văn Lưỡng - Giám đốc Công ty TNHH nuôi trồng và chế biến thủy sản Vũ Gia, địa chỉ xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng thì có ý kiến đề xuất lãnh đạo địa phương quan tâm hơn nữa tới việc chuyển canh tác rươi vào trong đồng, nhất là ở những vùng ven sông có rươi tại Hải Phòng. 

Sắp tới, ông Lưỡng sẽ có đề án trình và bảo vệ dự án nêu trên để phát triển con rươi. Dự kiến, dự án chuyển giao công nghệ của đơn vị sẽ được chính thức phê duyệt vào đầu năm 2021 về việc sản xuất con rươi giống và xây dựng quy trình canh tác rươi. 

Ông Lưỡng cũng đưa ra ý kiến đề nghị không sử dụng từ nuôi rươi vì thực tế không phải là nuôi, hơn nữa người dân cứ nghe thấy nuôi là trả giá thấp. Hiện nay, đa số người dân nói theo cảm tính, chứ bản chất đó là việc canh tác rươi, vì phải có cải tạo, tạo môi trường tốt thì rươi mới sinh trưởng và phát triển tốt.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: Tháo gỡ vướng mắc cho người sản xuất nông nghiệp - Ảnh 7.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hải Phòng giải đáp tại phần trao đổi, thảo luận của Diễn đàn ngày 27/11.

Giải đáp một số câu hỏi của các đại biểu và doanh nghiệp tại diễn đàn, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hải Phòng cho biết, theo quy định của Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26 hướng dẫn các cơ sở sản xuất thủy sản phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. 

Theo đó, cơ quan có chức năng thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy đủ điều kiện sản xuất cung cấp giống thủy sản tại Hải Phòng chính là Chi cục Thủy sản, địa chỉ 17 Võ Thị Sáu, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng. Người dân có nhu cầu liên quan có thể đến địa chỉ nêu trên liên hệ làm thủ tục và hiện tại cũng chưa thu phí về việc cấp thủ tục nêu trên. Ngoài ra, người dân hay đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu có thể thông qua cán bộ Trạm Khuyến nông hay Trung tâm Khuyến nông để được hướng dẫn làm thủ tục theo quy định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem