Sập bẫy phân bón "dởm", nông dân lao đao, đại lý đổ nợ
"Sập bẫy" Công ty phân bón, nông dân lao đao, đại lý đổ nợ (Bài 1)
Thanh Xuân
Thứ sáu, ngày 12/06/2020 09:33 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở khu vực Tây Nguyên phải nếm "trái đắng" sau khi mua và sử dụng phân bón "cao cấp sản xuất theo công nghệ Mỹ" của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quang Dũng (Công ty Quang Dũng).
Hơn 2 năm qua, PV Dân Việt đã khảo sát nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam và chứng kiến hàng loạt các vụ việc "bát nháo" trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Đứng ở cuối chuỗi kinh doanh phân bón, người nông dân phải chịu điêu đứng, có trường hợp khuynh gia bại sản vì phân bón kém chất lượng.
Vừa qua, từ phản ánh của người nông dân khu vực Tây Nguyên, PV Dân Việt phát hiện vụ việc "Thuận Phong thứ hai" và đến nay cơ quan chức năng cũng chưa thể khởi tố mà chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.
Cụ thể, nhiều nông dân, đại lý kinh doanh phân bón chịu thiệt hại, đổ nợ sau khi sử dụng hoặc kinh doanh phân bón của Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quang Dũng.
PV Dân Việt đã đến gặp những người nông dân bị thiệt hại, gõ cửa từng đại lý kinh doanh phân bón cho Công ty Quang Dũng để tìm hiểu vụ việc.
Bài 1: Bán nhà trả nợ vì dính vào phân bón "công nghệ cao cấp thông minh"
Nhiều nông dân ở Tây Nguyên "nếm trái đắng" còn một số đại lý phân phối lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải bán nhà để trả nợ từ phân bón khi dính vào Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quang Dũng (Công ty Quang Dũng).
Vườn tiêu "tiêu tùng"
Bà Đinh Thị Mận có dãy trồng tiêu ở Tổ 6 phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) biết đến Công ty Quang Dũng sau khi đến dự một Hội thảo về phân bón được tổ chức "hoành tráng" tại địa phương vào năm 2018.
Tại đây, bà Mận cùng nhiều nông dân khác được Tiến sỹ Phạm Trung Hòa tư vấn, được nghe nhiều lời ca ngợi về phân bón của Công ty Quang Dũng. Thậm chí, nông dân mua phân bón còn có cơ hội được tặng tua du lịch, đại lý phân phối được tặng ô tô.
Sau Hội thảo, bà Mận cùng nhiều nông dân khác đã mua phân bón của Công ty Quang Dũng về sử dụng cho cây trồng.
Với hơn 11ha diện tích, trong đó có gần 3ha cây tiêu còn lại là diện tích các loại cây ăn quả như chôm chôm, sầu riêng, bưởi... bà Mận đã dùng các loại phân bón gồm HERBAKALI, GRERN FARM, BIOEARTNTRO của Công ty Quang Dũng.
Vậy nhưng, khác với lời quảng cáo đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, sản lượng cây trồng giảm và tiêu chết dần mà không rõ nguyên nhân.
"Cho đến nay, vườn tiêu của gia đình tôi đã thiệt hại hơn 2ha, nên nông dân như chúng tôi rất mong cơ quan chức năng xem xét lại chất lượng phân bón của Công ty Quang Dũng", bà Mận nói.
Bà Mận cho biết, lúc đầu thấy hiện tượng lạ đã phản ánh tới đại lý việc bón phân vào mà không thấy cây tiêu, cây ăn quả tốt và vẫn được khuyên dùng tiếp. Nhưng đến nay cây ăn trái giảm sản lượng còn tiêu thì chết.
Bà Mận cũng cho biết, ở khu vực này nhiều hộ cũng phản ánh dùng phân bón của Công ty Quang Dũng giảm sản lượng nên bỏ chuyển sang phân bón khác. Còn gia đình bà theo phân bón này nên đến nay cây tiêu đã chết, hơn 2ha gần như là hỏng hết. Các cây lâu năm cứu vãn được nhưng sản lượng giảm 20 đến 30%.
"Chúng tôi chủ yếu sống dựa vào cây trồng, mong các cơ quan chức năng sớm xem xét kiểm tra lại chất lượng của phân bón để từ đó có hỗ trợ lại cho nông dân", bà Mận cho biết.
Cùng chung tình cảnh trên, ông Nguyễn Ngọc Viết ở phường Thiện An, Thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết: "Qua hội thảo phân bón do Công ty Quang Dũng tổ chức, tôi được nghe TS. Phạm Trung Hòa giới thiệu là chuyên gia tư vấn.
Theo đó, loại phân bón hữu cơ của Công ty Quang Dũng được quảng bá rất tốt cho cây trồng nhưng bón loại phân này 2 năm cho cây tiêu thì cây tiêu cứ vàng lá rồi chết dần.
Đến nay, 2ha tiêu đã mất trắng một nửa. Việc có phải do phân bón dẫn tới tiêu của chúng tôi chết hay không cũng rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ", ông Viết nói.
Ông Viết cho biết, sau khi thấy tiêu kém năng suất, lá vàng cũng đã đi hỏi đại lý nhưng họ nói phân tốt, do thời tiết, cứ bón phân nhưng càng bón năng suất càng kém và giờ là chết dần hết.
Còn ông Đinh Việt Hào - Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Kim Thiện ở phường Thiện An (Thị xã Buôn Hồ) sau khi tham dự Hội thảo phân bón do Công ty Quang Dũng tổ chức đã quyết định làm đại lý phân phối cho công ty này.
"Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ kinh doanh phân bón nhưng khi thấy loại sản phẩm hữu cơ mới có nhiều triển vọng, lại được giới thiệu từ một chuyên gia là Tiến sỹ nên tôi đã quyết định làm đại lý.
Bi kịch đến với tôi cũng bắt đầu từ khi làm đại lý phân phối phân bón cho Công ty Quang Dũng. Nhiều nông dân đã tìm đến tận nhà, đập phá bảng hiệu đại lý phân bón, đòi bồi thường thiệt hại trong khi phân bón ở trong kho vẫn còn tồn hơn 100 tấn", ông Hào nói.
Ông Hào là đại lý cấp 2 nên phải bỏ tiền ra mua phân, không được chịu 1kg nào rồi phải cung ứng trả chậm cho nông dân, đến mùa thu hoạch họ bán tiêu, điều, hoa quả có thu nhập mới trả tiền phân bón.
"Họ làm Hội thảo rất hoành tráng, đi hàng chục xe ô tô về địa phương, có cả sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương và tuyên bố ai nhập 1 container phân bón nước là tặng ngay cho đại lý 1 chiếc xe ô tô trị giá 600 triệu đồng.
Bây giờ tính ra mới hiểu, nếu bỏ 10 tỷ đồng ra để mua 100 tấn phân của họ về, được tặng ô tô 600 triệu đồng chỉ là con số nhỏ", ông Hào cho biết. Dù là đại lý cấp 2, đến nay ông Hào cho biết đã bị thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.
Chuyên gia phân bón "mang án" vì phân bón
Tại các hội thảo, Công ty Quang Dũng có một vị được giới thiệu là Tiến sỹ Phạm Trung Hòa tư vấn kỹ thuật đến thuyết trình.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, ông Phạm Trung Hòa là nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia (Cục Trồng trọt – Bộ NNPTNT), bị khởi tố "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ", bị kết án 30 tháng tù từ ngày 25/4/2015.
Ngày 10/9/2018, tại phiên Phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, bị cáo Phạm Trung Hòa đã được giảm án xuống còn 15 tháng tù.
Bán nhà trả nợ
Chúng tôi tới thăm căn nhà cấp 4 của gia đình bà Tạ Thị Yến Oanh tại một ngõ hẻm của TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Sau khi vỡ nợ vì làm đại lý cấp I cho Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Quang Dũng thì gia đình bà Oanh đã phải gán căn nhà mặt tiền để lui về ở thuê trong ngõ sâu, tạm thời đi buôn hoa quả sống qua ngày.
Bà Oanh kể lại, ngày 6/9/2017, bà Oanh đã đại diện cho Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Quang Viễn (Công ty Quang Viễn) ký hợp đồng 060917 với Công ty Quang Dũng thỏa thuận phân phối độc quyền sản phẩm phân bón thương hiệu Rapid tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Cùng ngày, Công ty Quang Viễn cũng ký hợp đồng với Công ty Quang Dũng về việc cung cấp phân bón thương hiệu Rapid đối với sản phẩm Rapid Bioblend, Rapid supper, Rapid KS Fish, với cam kết tiêu thụ trong năm 2017 là 1.000 tấn phân bón các loại.
Đến ngày 5/6/2018, Công ty Quang Viễn tiếp tục ký hợp đồng số 05.06 về việc cung cấp các sản phẩm có sử dụng bao bì độc quyền là Bio Earta Nitro (Đạm cá); Green Farm (Lân cá), Bio Herbal Kali (Kali cá).
Đơn của bà Oanh gửi tới Dân Việt cho thấy, trong suốt quá trình hợp tác làm ăn, Công ty Quang Dũng đã liên tục vi phạm các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng, vi phạm về điều khoản hứa thưởng (hoa hồng) và chi phí hỗ trợ làm thị trường.
"Để có được hợp đồng phân phối độc quyền ở mỗi tỉnh chúng tôi phải đặt cọc 1 tỷ đồng cho Công ty Quang Dũng nhưng qua tìm hiểu chúng tôi được biết phía Công ty Quang Dũng vẫn ký hợp đồng độc quyền với các đại lý khác", ông Tạ Quang Viễn, đại diện Công ty Quang Viễn cho biết.
"Nghiêm trọng hơn là Công ty Quang Dũng đã cung cấp thông tin không đúng tới khách hàng, sản xuất sản phẩm nhưng lại không ghi đơn vị sản xuất trên bao bì, chỉ ghi tên nhà phân phối là Công ty Quang Viễn.
Phân bón ghi là sản phẩm hữu cơ, 100% nguyên liệu organic, được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Mỹ nhưng khi nông dân phản ánh mẫu mã không đồng nhất, chất lượng không như công bố thì Công ty Quang Dũng đã tìm nhiều cách để không trả lời", bà Oanh cho biết.
Trước những biểu hiện làm ăn không minh bạch, đại diện Công ty Quang Viễn đã quyết định làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan chức năng.
Từ đó đã xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ về Công ty sản xuất "phân bón hữu cơ sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Mỹ". Những nội dung này sẽ được chúng tôi cung cấp tới độc giả cụ thể hơn trong các bài viết bài tiếp theo.
Cơ quan chức năng bị "bịt mắt"?
Theo tìm hiểu của Dân Việt, hàng loạt các Hội thảo giới thiệu về phân bón của Công ty Quang Dũng tổ chức hoành tráng ở các địa phương đã được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, ngày 29/12/2017, Chánh văn phòng Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum Phạm Xuân Khanh ký thay Giám đốc Sở văn bản số 2224 chấp thuận cho Công ty Quang Dũng tổ chức Hội thảo phân bón trên địa bàn tỉnh.
Ngày 2/1/2018, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đắk Hà tỉnh Kon Tum còn làm công văn xin UBND huyện cho Công ty Quang Dũng tổ chức Hội thảo phân bón tại Đại lý Ngọc Triệu, thôn 4, xã Ngọc Wang.
Cùng ngày hôm đó (2/1/2018), Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Phạm Nghĩa Trí đã nhận được đề xuất của Trạm trưởng Trạm BVTV nên đã ký văn bản số 54 về việc thống nhất chủ trương tổ chức Hội thảo phân bón, theo đó đồng ý cho Công ty Quang Dũng được tổ chức Hội thảo phân bón trên địa bàn vào ngày 6/1/2018, tức là vào 4 ngày sau.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, trả lời PV, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết chưa tiếp nhận hồ sơ xin quảng cáo phân bón của Công ty Quang Dũng tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, Công ty Quang Dũng vẫn được phép quảng cáo tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nếu như các sản phẩm phân bón của Công ty đã được cơ quan quản lý nhà nước (Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố) cấp phép quảng cáo.
Cụ thể, theo Điều 24 Nghị định 84/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 Nghị định Chính phủ về quản lý phân bón, văn bản xác nhận nội dung quảng cáo phân bón có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
Có thể thấy, dù Công ty Quang Dũng đã tổ chức Hội thảo trên địa bàn Đắk Lắk trong thời gian qua, nhưng Sở NNPTNT tỉnh này cũng không rõ đã được cấp phép quảng cáo ở đâu hay chưa?
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc!
Tin cùng chủ đề: Nông dân "sập bẫy" Công ty phân bón
Vui lòng nhập nội dung bình luận.