Sau loạt bài ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng"cho cá ở của Dân Việt, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo khẩn

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 14/07/2023 15:25 PM (GMT+7)
Ngày 14/7, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đã ký văn bản số 2530 /UBND-KT yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển, nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Hỗ trợ các cộng đồng, phát huy kết quả

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ngay sau khi Dân Việt đăng loạt bài "Ngư dân góp tiền, xây túp lều vàng giữa biển cho cá ở", lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tham khảo thông tin từ bài viết để nghiên cứu nhân rộng mô hình. 

Sau loạt bài ngư dân góp tiền xây "Túp lều vàng"cho cá ở của Dân Việt, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo "khẩn" - Ảnh 1.

Thả những khối bê tông xuống biển để xây "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh: PV

Nội dung trong văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận thể hiện, qua xem xét nội dung báo cáo và đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1970/SNN-VP ngày 6/7 về việc tham mưu đề xuất nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: 

Giao UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND huyện Tuy Phong phối hợp các sở, ngành chuyên môn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản) tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các Tổ chức cộng đồng duy trì, phát huy kết quả các dự án thí điểm mô hình đồng quản lý trên địa bàn. 

Bên cạnh đó là tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình quản lý theo quy định Luật Thủy sản 2017.

Các cơ quan chức năng tìm hiểu hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người dân. Tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình khuyến ngư nuôi biển (cá, đặc sản biển), Việc này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng khu vực biển được trao quyền đồng quản lý. 

Cùng theo đó là hướng dẫn xây dựng chứng chỉ, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thủy sản trong vùng biển trao quyền đồng quản lý. Đồng thời chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Nhân rộng mô hình đồng quản lý cộng đồng

Đề thực hiện tốt việc này, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển khảo sát, đánh giá điều kiện cụ thể các khu vực biển ven bờ đáp ứng tiêu chí đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng dẫn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sau loạt bài ngư dân góp tiền xây "Túp lều vàng"cho cá ở của Dân Việt, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo "khẩn" - Ảnh 3.

Bà con ngư dân đang bàn bạc việc "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh: Bùi Phụ

Song song đó là bám sát phối hợp các sở, ngành rà soát quy hoạch các ngành có sử dụng khu vực biển không để chồng lấn. Đồng thời trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm thời gian qua và cơ chế chính sách hỗ trợ đồng quản lý do Trung ương ban hành để xây dựng Đề án nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ tỉnh Bình Thuận, trình UBND tỉnh chậm nhất trong Quý II/2024.

Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" cho cá ở

Như Dân Việt phản ánh trên các số báo ra thứ năm, ngày 25 và 26/05/2023 loạt bài Ngư dân Bình Thuận góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở.

Nội dung bài báo phản ánh, nhiều ngư dân ở vùng biển Hàm Thuận Nam cùng Nhà nước góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở.

Mô hình này đã đem lại thiết thực, nên mấy năm qua, những vùng "biển chết" đã được hồi sinh, hàng trăm loại thủy sản như cá - tôm - mực - sò tìm về sinh sống, sinh con…

Sau loạt bài ngư dân góp tiền xây "Túp lều vàng"cho cá ở của Dân Việt, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo "khẩn" - Ảnh 4.

Thảo phao đánh dấu vùng biển có "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh: PV

Nhờ đó, đã tạo thành nguồn lợi vô biên cho bà con ngư dân ven biển Mũi Kê Gà – Thuận Quý – Tân Thuận - Tân Thành thuộc huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).

Bà con ngư dân ở vùng biển này đã nâng cao thu nhập và nguồn hải sản dồi dào hơn trước đây rất nhiều. Qua mô hình này, bà con ngư đã đoàn kết, thương yêu nhau hơn và quyết tâm bảo vệ vùng biển quê nhà ngày thêm đẹp. 

Theo bà con ngư dân, những "túp lều vàng" trên trước đây bà con thường gọi là thả bù xuống biển. Việc này na ná như làm đìa trên ruộng cho cá về ở, sinh sôi nảy nở, nên một số bà con gọi cái tên mỹ miều là "túp lều vàng" cho cá. Bà con đã góp tiền mua thêm con giống thả vào các "túp lều vàng" cho nguồn hải sản thêm phong phú…

Theo lời ông Đồng Văn Triểm, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý, nhiều năm qua, sáng nào cũng vậy, bà con trong xóm đều gặp nhau uống trà, bàn cách chăm sóc, bảo vệ cho nguồn thủy sản được ngày càng thêm sinh sôi, nảy nở, phong phú hơn…

Sau loạt bài ngư dân góp tiền xây "Túp lều vàng"cho cá ở của Dân Việt, tỉnh Bình Thuận chỉ đạo "khẩn" - Ảnh 5.

Những khối bê tông có móc sắt kiên cố để ngư dân buộc thêm chà tạo thành "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh: Bùi Phụ

Cũng theo ông Triểm, ngày xưa, bà con chỉ thả bù, làm bằng chà thôi nên không hiệu quả lắm. Nhưng mấy năm qua nhờ làm tốt việc xây dựng "túp lều vàng"giữa biển cho cá ở, mà nguồn thu nhập của bà con ngư dân được ổn định nâng lên gấp đôi. Bà con vui nhất là cá - tôm - mực, cùng nhiều loài hải sản khác quy tụ về vùng biển này sinh sôi nảy nở ngày càng đông hơn…

"Nếu trước đây, đánh bắt thuyền thúng một ngày chỉ 3 triệu, thì nay nhờ những "túp lều vàng" này, thu nhập tăng lên khoảng 5 triệu đồng. Điều trọng nhất là thu nhập ổn hơn lúc trước rất nhiều…", ông Đồng Văn Triểm, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem