Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở (Bài 2): Những vùng "biển chết" đang hồi sinh

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 26/05/2023 06:01 AM (GMT+7)
Nhờ tuyên truyền giữa Nhà nước và bà con cộng đồng ngư dân ven biển huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), 100% hội viên chấp hành đúng các quy định của pháp luật nên giảm thiểu, chấm dứt việc sử dụng ngư cụ cấm (kích điện, lờ dây), khai thác cạn cạn kiệt những loài thủy hải sản còn non, hồi sinh những vùng "biển chết"…
Bình luận 0

Trung tâm đoàn kết, giữ gìn nét đẹp truyền thống

Cùng chúng tôi đứng trên bờ biển có nhiều "túp lều vàng" cho cá ở ở vùng biển gần mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), ông Đồng Văn Triểm, Chủ tịch Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý tâm sự: Nhiều năm qua ông và nhiều người trong hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cho những ngư dân khác ở trong và ngoài địa phương hiểu rõ sự tác hại khi khai thác cá – tôm – sò – mực còn non.

Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở (Bài 2): Hồi sinh những vùng "biển chết" - Ảnh 1.

Bà con trong cộng đồng luôn đoàn kết, bàn bạc thống nhất trước khi bắt tay vào việc. Ảnh: Bùi Phụ

"Bà con sống trong cộng đồng rất thương yêu, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, đặc biệt là thực hiện các chính sách, các quy định của pháp luật về khai thác hải sản trên biển. Mình tuyên truyền đúng, có hiệu quả kinh tế nên bà con rất ủng hộ…", ông Triểm chia sẻ.

Trao đổi với Dân Việt, ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Thuận cho biết, thông qua tổ chức Hội cộng đồng ngư dân, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng, ngư dân… được các cấp nắm bắt và xử lý kịp thời. Việc này đã tránh được những mâu thuẫn nội bộ, tạo sự đoàn kết lớn trong cộng đồng dân cư.

"Hội cộng đồng đang phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống nghề cá của địa phương. Các thông tin phục vụ hoạt động sản xuất được các ngư dân chia sẻ với nhau nhiều hơn. Các thành viên thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi hoạt động trên biển, đặc biệt thông qua dự án đã tạo sự liên hệ, gắn kết giữa cộng đồng 3 xã ở huyện Hàm Thuận Nam…", ông Huỳnh Quang Huy tâm sự.

Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở (Bài 2): Hồi sinh những vùng "biển chết" - Ảnh 2.

Bà con ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Kê Gà huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ.

Không còn khai thác hải sản còn non

Theo Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, tính đến nay, Hội cộng đồng xã Thuận Quý đã huy động đóng góp kinh phí mua lại 113,4 tấn sò lông bị người dân khai thác thả lại về biển. Các Hội đã tổ chức thi công 41 điểm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi.

Các hội tự tổ chức phân công cho thành viên theo dõi, nắm tình hình về khai thác, thời tiết, nguồn lợi, vụ việc vi phạm trên biển, ghi chép vào sổ nhật ký.

Những thông tin quý giá trên, được cộng đồng cung cấp cho Chi cục Thủy sản thường xuyên. Tin có độ tin cậy cao, từ đó, giúp lực lượng chức năng có những giải pháp, biện pháp xử lý kịp thời.

Hội đã báo cáo hàng trăm lần thông tin các tàu vi phạm về hoạt động khai thác, ngư trường, nguồn lợi thủy sản không đúng quy định…

Nhờ những nguồn tin này, tình hình vi phạm pháp luật thuỷ sản trong vùng biển thực hiện đồng quản lý giảm rất nhiều so với trước đây. Qua đó, hạn chế những thiệt hại về ngư lưới cụ do lưới kéo gây ra. Đặc biệt là giảm các mâu thuẫn, tranh chấp, nguy cơ xung đột trên biển.

"Có thể nói, Hội cộng đồng ngư dân do dự án xây dựng là nền tảng, cơ sở cho việc xây dựng nghề cá hiện đại, văn minh; góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới tại địa phương. Đây là mô hình phù hợp để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng trong thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017…", ông Huỳnh Quang Huy nhấn mạnh.

Clip: Vùng biển Kê Gà huyện Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận. Thực hiện: Bùi Phụ 

Hồi sinh vùng "biển chết"

Theo khảo sát, đánh giá của Chi cục Thủy sản và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, nhờ các cộng đồng trên nên thời gian qua, những hoạt động khai thác hủy diệt được hạn chế rất nhiều.

Việc này đã giúp ổn định môi trường sống, nguồn lợi thuỷ sản được phục hồi, phát triển, tăng sản lượng khai thác bên trong vùng bảo vệ tại các vùng lân cận. Các rạn đá nhân tạo đã thu hút rất nhiều nguồn lợi đến tập trung sinh sống, sinh sản, phát triển.

Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở (Bài 2): Hồi sinh những vùng "biển chết" - Ảnh 3.

Phao đánh dấu vùng biển có những "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh PV

Nhiều ngư dân ở vùng biển Bình Thuận thông tin cho Dân Việt biết, nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái ở đã biến chuyển rất tốt. Cụ thể như vùng san hô mềm, thực vật biển sinh sôi, phát triển mạnh tại các bãi rạn như Hòn Lan, Mũi Ngựa…

Còn theo khảo sát thực tế của Chi cục Thủy sản và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, hiện có nhiều loại thủy sản sống như: sò lông, ốc hương, bàn mai, vẹm xanh, bạch tuộc,…xuất hiện nhiều, sản lượng cao hơn mọi năm. Khảo sát có  93% số người dân được hỏi đều khẳng định nguồn lợi thủy sản đang tăng lên nhiều so với trước đây.

Nổi bật nhất là đã khôi phục được bãi sinh sản của nguồn lợi sò lông tại Thuận Quý. Nếu trước năm 2015, nguồn lợi này đã biến mất thì những năm gần đây, hàng năm sò lông xuất hiện thường xuyên, ổn định, mật độ cao nhất có lúc đạt từ vài chục con/m2.

Bên cạnh đó là các hệ sinh thái đặc thù rạn đá ngầm, san hô mềm, các loài thủy sản sống rạn tại Hòn Lan, Mũi Ngựa, Đá Nhảy, Suối Nhum,... được bảo vệ, phát triển ổn định… dự án đã tạo ra 41 cụm rạn nhân tạo tạo nơi sinh sống, sinh sản, kiếm ăn và cho ra cho nguồn lợi lớn.

Trao đổi với Dân Việt, một ngư dân là thành viên của cộng đồng xã Thuận Quý đang đánh bắt hải sản ở vùng biển này cho biết, các loài thủy sản đang gia tăng về trữ lượng, sản lượng khai thác. Có thời điểm thu nhập của ngư dân đạt từ 3 đến 4 triệu đồng/ngày/người.

Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở (Bài 2): Hồi sinh những vùng "biển chết" - Ảnh 5.

Phương tiện cơ giới đưa những khối bê tông ra biển xây "túp lều vàng" cho cá ở. Ảnh: PV

Ông Huỳnh Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Bình Thuận cho biết, dù dự án đã chấm dứt tài trợ vài nằm rồi nhưng đến nay, các tổ chức cộng đồng của Hàm Thuận Nam vẫn duy trì hoạt động, đem lại những kết quả rất tốt.

Mục tiêu chính là từng bước chấm dứt các hoạt động khai thác hủy diệt, từng bước khôi phục, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trong khu vực. Qua bao năm thực hiện, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia, nguồn lợi thủy sản trong khu vực đã được phục hồi, phát triển rất ngoạn mục.

Nhận thức và thu nhập của bà con ngư dân trong khu vực được nâng cao rõ rệt nhờ vào việc phục hồi nguồn lợi thủy sản do các hoạt động của các tổ cộng đồng đem lại. Đây là niềm hạnh phúc to lớn của các nhà quản lý chuyên ngành.

Ngư dân góp tiền xây "túp lều vàng" giữa biển cho cá ở (Bài 2): Hồi sinh những vùng "biển chết" - Ảnh 6.

Tàu ngư dân đánh bắt trên vùng biển Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PV

Cánh tay đắc lực xử lý tàu cá vi phạm

Theo nhận định và đánh gía của các cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam, việc thành lập các Hội cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản không chỉ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn giúp lực lượng chức năng phát hiện được nhiều vụ vi phạm đánh bắt cá trái phép, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Trong quá trình khai thác hải sản, nhiều ngư dân ở xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã nhận nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc chấp hành Luật Thủy sản, các quy định về chống đánh bắt IUU và báo tin cho lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý.

img

Thả bê tông xuống biển để làm nơi cho cá ở. Ảnh: PV

Theo UBND xã Tân Thuận, trên địa bàn xã đã thành lập Đội Cộng đồng giám sát IUU gồm 54 thành viên là những ngư dân địa phương.

Nhờ thông tin từ đội này cung cấp, Trạm kiểm ngư La Gi đã tiếp nhận hơn 100 thông tin, xử lý 64 vụ vi phạm. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Tân Thành đã tiếp nhận 40 thông tin vi phạm IUU, xử lý 6 vụ (1 vụ/1 tàu cá nghi xâm phạm vùng biển nước ngoài).

Ngoài ra, tổ cũng ra quân xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá hoạt động nghề cào nhám (nghề đã cấm) hơn 70 vụ. Đa số là ngư dân đến từ các địa phương khác, sử dụng ngư cụ lưới kéo ven bờ để bắt sò nhám…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem