Sẽ có khoảng trống pháp lý nếu không luật hóa "cây đũa thần" Nghị quyết 42

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 11/11/2023 17:36 PM (GMT+7)
Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực ngày 31/12/2023, nên nếu không được “gia hạn” hoặc “luật hóa” thì sẽ có khoảng trống pháp lý trong việc xử lý các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của các tổ chức tín dụng.
Bình luận 0

Góp ý cho Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị việc "luật hóa" đầy đủ nội dung Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội vào Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là rất cần thiết và cấp bách.

Sẽ có khoảng trống pháp lý nếu không luật hóa "cây đũa thần" Nghị quyết 42/2017/QH14 - Ảnh 1.

HoREA lo ngại sẽ có "khoảng trống pháp lý" nếu không sớm luật hóa "cây đũa thần" Nghị quyết 42. Ảnh: Quang Duy

"Luật hóa" Nghị quyết 42 là giải pháp cần thiết

Trước khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ đã tăng rõ rệt.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định Nghị quyết 42 được thực hiện thí điểm trong thời hạn 5 năm, và đã được Quốc hội cho phép gia hạn 1 lần đến hết ngày 31/12/2023, nên khó thể tiếp tục gia hạn, bởi không phù hợp với tính chất "thí điểm" của Nghị quyết, nên chỉ có thể lựa chọn thực hiện theo 1 trong 2 phương án.

Phương án 1, là chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 42 ngày 31/12/2023, do đã thực hiện "thí điểm" trong gần 7 năm, không thể tiếp tục kéo dài.

Phương án 2, là phải xem xét việc "luật hóa" Nghị quyết vào Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), phù hợp với tính chất của từng Luật này để xây dựng thành quy phạm pháp luật "ổn định", tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý "khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai".

"Nghị quyết 42/2017/QH14 được thực hiện thí điểm trong hơn 6 năm qua, và đã chứng minh được 'tính ổn định; tính hiệu lực, hiệu quả' của quy phạm pháp luật trong việc xử lý khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của các tổ chức tín dụng", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói.

Đặc biệt, theo Chủ tịch HoREA, trong thực tiễn thì hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng gần như luôn có thể phát sinh "các khoản nợ xấu", trong đó có các "khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai".

Vì vậy, các tổ chức tín dụng phải có các biện pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhất là đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%, để bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng.

Sẽ có khoảng trống pháp lý nếu không luật hóa "cây đũa thần" Nghị quyết 42/2017/QH14 - Ảnh 3.

Nghị quyết 42 được thực hiện thí điểm trong thời hạn 5 năm và đã được Quốc hội cho phép gia hạn 1 lần đến hết ngày 31/12/2023. Ảnh: Quốc Hải

Dẫn chứng, Chủ tịch HoREA cho hay tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng ở mức 3,36% (cuối năm 2020 là 1,69%, năm 2021 là 1,49%, năm 2022 là 2%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 5,1%" . 

Trong đó, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thuộc về nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, trong đó Vietcombank đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%), nhưng tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng tại một số ngân hàng thương mại tư nhân là rất đáng quan ngại.

"Do vậy, "luật hóa" Nghị quyết số 42 vào Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phù hợp với tính chất và "phạm vi điều chỉnh" của từng Luật này là hết sức cần thiết và cấp bách", ông Châu kiến nghị.

Lo "khoảng trống pháp lý" nếu không sớm luật hóa Nghị quyết 42

Một chuyên gia tài chính nhận định, việc gia hạn thêm Nghị quyết số 42 là rất cần thiết, vì hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc chính. Điển hình là vẫn còn những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo, liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng và khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo. 

Đặc biệt là sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức tại Việt Nam dẫn đến khả năng sẽ có "khoảng trống pháp lý", khi "cây đũa thần" này chỉ còn hiệu lực tới ngày 31/12/2023.

"Về lâu dài, để giải quyết sự chưa thống nhất, xung đột pháp lý giữa quy định tại Nghị quyết 42 với các văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, góp phần tăng hiệu lực hiệu quả thế chế, thì việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu là rất cần thiết," chuyên gia này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay chưa thể xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, nên khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thì toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết đang được thực hiện sẽ chấm dứt. Vì vậy, cần phải kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 trước khi luật mới được ban hành.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, nhận định Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý được các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản được chuyển nhượng dự án (M&A) "thông thoáng" và đã không gây rủi ro cho cả tổ chức tín dụng, chủ đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án, phần dự án.

"Nghị quyết đồng thời đã tạo điều kiện để nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án, phần dự án có năng lực thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án mà nhà đầu tư chuyển nhượng chưa thực hiện, để tái khởi động lại dự án bị "trùm mền" và đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng, tháo gỡ được một phần khó khăn cho thị trường bất động sản đang rất khó khăn hiện nay và đã không làm thất thu ngân sách nhà nước", ông Châu lý giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem