Sẽ tăng giá điện với hộ sử dụng từ 401 kWh/tháng trở lên

An Linh Thứ tư, ngày 05/10/2022 15:26 PM (GMT+7)
Bộ Công Thương đề xuất phương án cơ cấu giá bán lẻ điện 5 bậc, trong đó hộ dùng điện từ 401 kWh/tháng trở lên sẽ chịu mức giá tăng cao hơn gần 100 đồng/kWh so với hiện nay.
Bình luận 0

Tăng giá điện với hộ sử dụng nhiều

Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc hiện nay xuống 5 bậc, trong đó bậc 1 là 100 kWh đầu tiên, bậc 2 là 101-200 kWh, bậc 3 là 201-400 kWh, bậc 4 là 401-700 kWh và bậc 5 là trên 701 kWh trở lên.

Với phương án này, biểu giá điện bán lẻ cao nhất sẽ được áp cho khách hàng sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên, giá bán lẻ là 3.356 đồng/kWh.

Sẽ tăng giá điện với hộ sử dùng từ 401 kWh/tháng trở lên - Ảnh 1.

Đề xuất tăng giá điện đối với hộ sử dụng điện từ 401 kWh/tháng trở lên (Ảnh chụp màn hình).

Cụ thể, hộ dùng điện từ 0-100 kWh/tháng sẽ được nhóm vào một bậc, thay vì 2 bậc như hiện nay. Giá điện sẽ áp chung là 1.678 đồng/kWh.

Hộ sử dụng điện từ 101-300 kWh/tháng, sẽ chịu mức giá như cũ từ 2.014 đồng đến 2.536 đồng/kWh. Bộ Công Thương tách thành hai biểu giá điện bậc 2 là khách hàng sử dụng từ 101-200 kWh, bậc 3 là hộ sử dụng từ 201-300 kWh.

Với nhóm đối tượng sử dụng điện từ 301-700 kWh/tháng, được chia thành hai bậc 4 và 5, trong đó, bậc 4 là đối tượng sử dụng điện từ 301-400 kWh, sẽ có mức giá đề xuất giảm 2.536 đồng thay vì mức giá hiện tại là 2.834 đồng/kWh.

Với hộ sử dụng điện từ 401 đến 700 kWh/tháng, mức giá điện bán lẻ sẽ tăng lên 3.020 đồng/kWh thay vì 2.927 đồng, tăng 93 đồng/kWh so với mức giá hiện nay.

Bậc thang điện cao nhất, bậc 5 đối với hộ sử dụng từ 701 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả từ 3.256 đồng/kWh so với đơn giá hiện tại là 2.927 đồng, tăng 429 đồng/kWh so với hiện nay.

Tại Đề án phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá điện bán lẻ, Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành và cử tri cả nước.

Theo cơ quan này biểu giá điện bán lẻ được xây dựng từ năm 2014 và đến nay cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi lớn với tỷ trọng rất cao của các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời và điện gió sẽ có nhiều thay đổi quan trọng.

Cụ thể, Đề án giữ nguyên cơ cấu 4 nhóm khách hàng dùng điện gồm sản xuất, sinh hoạt, kinh doanh và hành chính sự nghiệp và 5 khung giờ dùng điện cao điểm hiện tại. Cùng đó, việc bù chéo trong giá điện sẽ thay đổi mạnh, giảm bớt việc bù chéo giữa các hộ tiêu thụ điện có mức tiêu dùng khác nhau.

Theo Bộ Công Thương, phương án này giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh cũng được giữ nguyên trong khi giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Bộ Công Thương cho biết nhược điểm của phương án rút từ 6 bậc còn 5 bậc là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ dưới 270 kWh/tháng tăng thêm bình quân khoảng 2,32% (mức tăng tối đa là 4,47%) so với tiền điện hiện hành.

Các hộ có mức sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh có mức giảm tiền điện bình quân khoảng 2,47% (mức giảm tối đa là 4,82%). Các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên có mức tăng tiền điện bình quân khoảng 3,87% (mức tăng tối đa là 4,63%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem