Sinh viên hỏi: "AI, ChatGPT phát triển thì có cần đến trường đại học nữa không?"

Tào Nga Thứ tư, ngày 15/03/2023 06:58 AM (GMT+7)
Đó là câu hỏi của một sinh viên tại buổi tọa đàm "Tiếp cận ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo tại Trường Đại học Thủy lợi - Cơ hội và thách thức".
Bình luận 0

Với sự xuất hiện của ChatGPT tạo nên cơn sốt trong thời gian vừa qua, ngày 14/3, Trường Đại học Thủy lợi đã tổ chức tọa đàm "Tiếp cận ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo - Cơ hội và thách thức". Buổi tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức cho giảng viên, sinh viên và cán bộ viên chức về Trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT và Chatbot AI khác (Bing AI, Bard, Ernie Bot) với công tác đào tạo; nhận diện lợi ích, thách thức của Chatbot AI đối với việc dạy, học, đánh giá từ đó có điều chỉnh thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại đây, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Công nghệ thông tin,  đã có chia sẻ về trí tuệ nhân tạo - công nghệ hàm mũ trong tương lai và GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Bộ GDĐT với nội dung ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Cơ hội và thách thức với công tác đào tạo.

Sinh viên hỏi: "AI, ChatGPT phát triển thì có cần đến trường đại học nữa không?" - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi và các khách mời trong buổi tọa đàm. Ảnh: Tào Nga

Dù có AI và ChatGPT, vị thế trường đại học không thay đổi

Trong phần thảo luận, đã có nhiều câu hỏi đặt ra cho các lãnh đạo nhà trường và khách mời xoay quanh sự tác động của AI. Em Nguyễn Thùy Linh, sinh viên ngành Công nghệ thông tin đặt câu hỏi: "Khi AI và ChatGPT phát triển vượt bậc thì có khi nào sinh viên không cần học đại học nữa mà tự học ở nhà với sự hỗ trợ của AI?".

Sinh viên hỏi: "AI, ChatGPT phát triển thì có cần đến trường đại học nữa không?" - Ảnh 2.

Nhiều sinh viên tham dự hội thảo và đặt câu hỏi về ChatGPT, AI. Ảnh: Tào Nga

GS.TS. Lê Anh Vinh cho biết: "Hiện nay có một số trường đại học thực hiện mô hình không cần học sinh phải đến trường. 100% các khóa học được học online. Ở mỗi thành phố trường sẽ liên kết với trường đại học nào đó. Câu hỏi có cần phải học đại học không thì câu trả lời là các em vẫn cần học đại học và không thể thay thế được mô hình trường đại học. 

Bất kỳ ai cũng có thể cập nhật kiến thức muốn biết, học nghề muốn học nhưng để trải nghiệm của quá trình học tập thì không AI thể thay thế được các trường đại học. Tuy nhiên, trường đại học không mất đi, vẫn cung cấp kiến thức nhưng mô hình sẽ thay đổi theo thời gian, chương trình đào tạo linh hoạt, cơ hội rộng mở cho sinh viên. Sinh viên cũng có thể lựa rút ngắn khóa học xuống còn 3 năm, 2 năm để ra trường sớm hơn, tham gia vào việc làm tốt hơn".

Đồng quan điểm, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh: "Câu chuyện này được đặt ra nhiều lần và tôi nghĩ một lúc nào đó, ở góc độ quản lý giáo dục cần phải có tiếng nói rõ ràng. Rất nhiều phương tiện truyền thông viện dẫn các tỉ phú, đặc biệt là tỉ phú công nghệ từng không học đại học nhưng vẫn thành công. Đó là điểm tựa để mọi người nghĩ rằng không học đại học. 

Cũng tương tự như vậy, bây giờ chúng ta có thêm điểm tựa nữa là hệ sinh thái Chatbox vô hình. Chúng ta đang đi đến trạng thái quan trọng là trường 4.0, không cần trường có cơ sở vật chất, thư viện lớn, không cần đến lớn nhưng đó là chỉ tiện ích để chúng ta vẫn tiếp cận tri thức. Bản chất sự học vẫn tồn tại và vẫn cần học đại học. Các tỉ phú bỏ học giữa chừng vì kiến thức họ thu nạp được lúc đó đã kinh khủng, chín muồi. Bill Gates khi sang Việt Nam ghi chức danh mình là kiến trúc sư trưởng nhưng để được chức danh này phải có trí tuệ rất lớn.

Sinh viên hỏi: "AI, ChatGPT phát triển thì có cần đến trường đại học nữa không?" - Ảnh 3.

Các khách mời chia sẻ về vai trò của trường đại học. Ảnh: Tào Nga

Nếu học để sống là chức năng của việc học nhưng kỹ năng sống làm người không ai khác là bố mẹ, thầy cô. Giáo dục Nhật Bản hướng cho người nông dân, công nhân đạt được sự hoàn hảo trong sản phẩm. Học để làm thì ChatGPT giúp được nhưng làm hoàn hảo thì không đơn giản. Sứ mệnh của đại học là sáng tạo. Ngoài ra, ChatGPT có lớn thế nào thì mãi mãi niềm tự hào nói rằng sự truyền nối người này là học trò của người kia vẫn còn nguyên vẹn".

Cơ hội và thách thức trong đào tạo

Chia sẻ về sự tác động của AI trong công tác đào tạo, GS.TS. Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay: "Cá nhân tôi cũng mới tập sử dụng ChatGPT. Phải công nhân rằng đây là phần mềm hội thoại đặc biệt, có thể hỏi ở nhiều lĩnh vực, tốc độ xử lý rất nhanh, cơ sở dữ liệu lớn và cho ra kết quả ngay ở một số câu hỏi.

Sinh viên hỏi: "AI, ChatGPT phát triển thì có cần đến trường đại học nữa không?" - Ảnh 4.

GS.TS. Trịnh Minh Thụ, hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Tào Nga

Chính vì vậy, trong những ngày qua, lãnh đạo trường đã khẩn cấp họp bàn để làm thế nào tiếp cận chủ động, hiệu quả với ChatGPT cũng như các hệ sinh thái tương tác khác. Nhà trường chắc chắn rằng trong thời gian không xa những phần đoạn, vị trí nhất định có thể người máy thay thế công việc của con người. Nhân lực đào tạo các ngành, chiến lược phát triển đào tạo, đặc biệt các khoa Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Cơ khí của trường cần mở thêm ngành gì, lựa chọn phân khúc đào tạo như thế nào... đó là những câu hỏi đặt ra rất khó khăn cho lãnh đạo nhà trường".

GS.TS. Trịnh Minh Thụ nhắc nhở sinh viên của trường, ChatGPT không ít ưu điểm và nhược điểm. Nếu người dùng không có trình độ chuyên môn cao, không có cơ sở dữ liệu ban đầu mà hoàn toàn tin vào ChatGPT sẽ dẫn đến những sai lệch trong quá trình học tập. 

Ngoài ra, giáo viên cần chuẩn bị cho sinh viên những môn học có tư duy logic cao hơn. Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, thi và đánh giá cần thay đổi. Thầy cô cần yêu cầu sinh viên có kiến thức sâu rộng hơn, tổng hợp hơn để chắp nối lại nhiều modun lại với nhau. Nếu không, những báo cáo, luận văn, đồ án nhiều phần sẽ do ChatGPT thực hiện. 

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, cũng cho hay sau buổi hội thảo này, trường sẽ tập trung trao đổi để có những thích ứng mới trong bối cảnh mới. Làm thế nào để khai thác ưu điểm vượt trội của ChatPT nói riêng, trí tuệ nhân tạo nói chung và khắc phục những hạn chế, những điểm yếu của nó để phát huy tốt nhất trong môi trường học thuật.

Lãnh đạo Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ về việc có cho sinh viên sử dụng ChatGPT hay không. Clip: Tào Nga

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem