Sinh viên mang Đà Lạt mộng mơ thập niên 80 lên sân khấu kịch

Quang Sung Chủ nhật, ngày 28/05/2023 17:28 PM (GMT+7)
“Nằm Khóc Một Mình” là vở kịch lấy cảm hứng bối cảnh từ nơi phố núi Đà Lạt cuối thập niên 80 đầy hoài niệm. Vở kịch do nhóm sinh viên tự tay dàn dựng và biểu diễn.
Bình luận 0

Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn do CLB Kịch khoa Báo chí & Truyền thông - Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG-HCM vừa công diễn vở kịch “Nằm khóc một mình”. Đây là vở diễn độc quyền thứ 6 của sân khấu sinh viên này.

Khác biệt với nhiều CLB, sân khấu quy mô trường học thường diễn lại các vở kịch kinh điển hoặc tiểu phẩm, Sân khấu Kịch Báo chí Nhân văn đã có 5 năm duy trì biểu diễn, giới thiệu đến công chúng những tác phẩm kịch dài mới toanh được viết và dàn dựng độc đáo.

Sinh viên mang Đà Lạt mộng mơ thập niên 80 lên sân khấu kịch - Ảnh 1.

Sinh viên mang Đà Lạt mộng mơ thập niên 80 lên sân khấu. Ảnh: Q.S

Lấy bối cảnh Đà Lạt mộng mơ những năm 80, “Nằm khóc một mình” xoay quanh chuyện tình lãng mạn nhưng lắm ngang trái giữa chàng ca nhạc sĩ nghèo Trần Phong và tiểu thư Đài Trang. Biến cố lớn xảy ra cùng sự “trở về” của bà Kim Ngân từ tương lai đã cuốn tất cả vào một vòng lặp thời gian không lối thoát. Những tâm hồn phiêu lãng phải lựa chọn thế nào để thoát khỏi bi kịch tình - tiền mà không đánh mất tương lai rực rỡ của riêng mình.

Sinh viên mang Đà Lạt mộng mơ thập niên 80 lên sân khấu kịch - Ảnh 2.

Vở kịch được đầu tư trang phục phù hợp với bối cảnh. Ảnh: Q.S

Đến với “Nằm khóc một mình", khán giả sẽ được đắm mình vào lời ca, tiếng đàn, chu du trong miền hồi ức lãng mạn nhưng nhiều day dứt của các nhân vật. Vở diễn còn tái hiện những hình ảnh đẹp nức lòng nơi phố núi Đà Lạt cuối thập niên 80 đầy hoài niệm: Quán trà với tiếng đàn phiêu lãng của người nghệ sĩ; chợ Đà Lạt về đêm; hồ Xuân Hương dưới những cơn mưa phùn rả rích; và cả một… nghĩa trang vô danh với nỗi cô đơn và chơi vơi ngập tràn.

Sinh viên mang Đà Lạt mộng mơ thập niên 80 lên sân khấu kịch - Ảnh 3.

Toàn bộ diễn viên tham gia vở kịch là các bạn sinh viên. Ảnh: Q.S

Nói về điểm đặc biệt của kịch bản lần này, Nguyễn Đức Huy - tác giả kiêm đạo diễn dựng vở chia sẻ: “Vì kể câu chuyện cuộc đời của những người yêu nghệ thuật nên chất văn học được tô đậm. Nỗi buồn trong vở kịch cũng phức tạp và sâu sắc hơn những tác phẩm từng được CLB dàn dựng rất nhiều. Vì vậy, diễn viên cần nắm chắc tính cách nhân vật và trau chuốt kỹ lưỡng trong diễn xuất. Làm sao để nỗi buồn đó không cường điệu, cũng không ủy mị, mà lại rất lửng lơ và khó tỏ bày”.

Vở diễn được tập luyện từ cuối tháng 3 với nhân sự gần 30 người, cùng làm việc với nhau hơn 3 tháng. Với sự đầu tư, nỗ lực và niềm đam mê hết mình của từng thành viên, CLB mong muốn mang đến một Đà Lạt vừa lạ vừa quen, đọng lại được nhiều cảm xúc cho khán giả sau vở diễn.

Sinh viên mang Đà Lạt mộng mơ thập niên 80 lên sân khấu kịch - Ảnh 4.

CLB đã chi 120 triệu để sản xuất vở kịch "Nằm khóc một mình". Ảnh: Q.S

Bùi Triệu Vy - thành viên Ban Chủ nhiệm trực tiếp chịu trách nhiệm sản xuất vở diễn, tâm sự: “Vì thành viên trong CLB có lịch sinh hoạt khác nhau, nên đòi hỏi mỗi người phải tự cắt giảm quỹ thời gian và sắp xếp công việc cá nhân để dành cho vở kịch sự chuẩn bị chỉn chu nhất có thể. Tình cảm và sự ủng hộ của khán giả cũng chính là động lực to lớn để các thành viên trong CLB cùng nhau cố gắng. Tụi mình đang nỗ lực từng ngày để chuyên nghiệp hóa sân khấu này”.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem