Trái tim dũng cảm
Cách đây 8 thế kỷ cũng có một người Scotland được vua Anh buộc phải ban cho tước hiệp sĩ: William Wallace - người đã lãnh đạo nhân dân Scotland đấu tranh giành độc lập trước sự đô hộ của nước Anh dưới triều đại của Vua Edward 1.
|
Tên tuổi Sir Alex gắn liền với vinh quang. |
Người hiệp sĩ thời xưa cũ ấy cũng đã khiến cả nước Anh phải rạp mình khâm phục vì lòng dũng cảm và tài năng. Người hùng của xứ Tô Cách Lan ấy lại tiếp tục nổi tiếng hơn vào cuối thế kỷ 20 (Năm 1995) khi bộ phim về ông mang tên Trái tim dũng cảm do siêu sao Mel Gibson thủ vai, đã gây sốt trên toàn cầu.
Trở lại chuyện Sir Alex, khi ông đến Anh và bắt đầu công cuộc phục hưng cho bóng đá Anh là lúc nền bóng đá này nằm sâu dưới đáy của những sự đổ vỡ. Danh hiệu Champions League đã rất lâu không thèm đến với sứ sương mù.
Mới chỉ có gần 20 năm trước thôi, Ngoại hạng Anh khiến thế giới điên đảo bây giờ chỉ là một giải đấu hạng hai bị cả châu Âu khinh rẻ. Còn nhớ ở mùa 1995-1996, Blackburn, khi đó là ĐKVĐ Premier League, là đội duy nhất của Anh được dự vòng bảng Champions League đã xếp cuối cùng trong một bảng đấu có sự hiện diện của Spartak Moscow và Legia Warsaw.
Chất lượng và uy tín của bóng đá Anh đã xuống cái ngưỡng thấp nhất có thể. MU trong thời điểm tồi tệ ấy cũng đang ngoi ngóp ở cái hố sâu nhất của ngoại hạng Anh.
Ngày 6.11.1986 khi Sir Alex đến với M.U thì CLB này đang xếp ở vị trí áp chót trên bảng xếp hạng (21/22). Dám nhận huấn luyện cho một CLB đang "cầm đèn đỏ" là một quyết định dũng cảm của Ferguson và đưa CLB về đích ở cuối mùa với vị trí thứ 11 đã thể hiện được một tài năng sẽ tỏa sáng lung linh sau này.
Một người vì mọi người – mọi người vì một người
Không thấm nhuần được tư tưởng này thì không phải là người của M.U. Đến tận bây giờ người ta vẫn không thấy có sự khác biệt nào giữa Vua phá lưới Van Persi và “hung thần dội bom” Kanchelskis của gần 20 năm trước, họ vẫn là người cụ thể hóa cho nỗ lực của toàn đội và toàn đội nỗ lực để phục vụ họ cũng chính là phục vụ cho vinh quang của toàn đội.
|
Sir cúi đầu cảm tạ khán giả hay bóng đá Anh phải cúi đầu cảm tạ ông. |
Trong suốt triều đại của Sir Alex, CLB này luôn nổi tiếng bởi tính đoàn kết, tinh thần kỷ luật cao. Vì thế suốt 20 năm qua, họ luôn là một thế lực lớn nhất giải ngoại hạng.
Người Trung Quốc cổ thường duy trì kỷ luật bằng cách “Giết gà răn khỉ” nhưng hiệp sĩ xứ Tô Cách Lan chơi bài khủng khiếp hơn nhiều là “Giết hùm dọa sói”. Beckkham, Ronaldo phải ra đi khi không còn giữ trong mình tư tưởng “mình vì mọi người” và đáng sợ hơn là sau khi các siêu nhân này ra đi, Quỷ đỏ lại càng thành công hơn.
Với sự thành công đáng sợ của M.U, Ngoại hạng Anh lột xác với rất nhiều CLB được đổ một núi tiền chỉ để cạnh tranh với Quỷ đỏ của Sir Alex.
Nhiều người đã cho rằng, không chỉ xây dựng một MU hùng mạnh mà Sir Alex là tác nhân quan trọng để góp phần lột xác hai CLB hạng trung là Man City và Chelsea thành một thế lực lớn tại châu Âu. Thậm chí, còn có quan điểm cho là: Không có Sir Alex với M.U thì cũng không có một Chelsea vô địch Champions League 2012”.
Với chức vô địch ngày hôm qua, Sir Alex đã có 13 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 2 chức vô địch Champions League, 5 cúp FA, 10 siêu cúp nước Anh, 4 cúp liên đoàn... 8 nghìn ngày miệt mài trên sân Old Trafford là 8 nghìn ngày huyền thoại của một người Tô Cách Lan vĩ đại!
Từ chỗ chỉ có một CLB đơn côi được tham dự giải đấu danh giá nhất châu Âu gần 20 năm trước nay Ngoại hạng Anh đã có tới 4 CLB được tham gia đấu trường này. Bóng đá Anh không thể không nhắc đến công ơn của Sir Alex.
Không được như Fidel Castro được phê ngay trong học bạ “Có thiên hướng cho đời sau dựng tượng” nhưng Sir Alex xứng đáng được bóng đá Anh dựng tượng ngay từ bây giờ.
Tuấn Lệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.