Sông Kôn “cõng”... 14 thủy điện (Kỳ 1)

HÙNG PHIÊN - DŨ TUẤN Thứ tư, ngày 26/08/2015 06:30 AM (GMT+7)
Tại Bình Định, chỉ vài chục cây số đầu nguồn sông Kôn đã và đang có 14 thủy điện triển khai xây dựng. Hàng ngàn hécta núi rừng bị “cạo trọc”, đời sống đồng bào trong vùng bị xới tung. Bao nhiêu tai ương quanh “dòng sông thủy điện” đang bày ra...
Bình luận 0

Kỳ 1: Nỗi khổ của làng Ba Na

Xây dựng từ năm 2009 - 2014, Thủy điện Vĩnh Sơn 5 đang là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nhiều hộ dân Ba Na đã “khóc đứng, khóc ngồi” khi phải nhường đất cho thủy điện.

Đói đất sản xuất      

Những ngày cuối tháng 8.2015, vùng núi huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) - thượng nguồn sông Kôn đã bắt đầu nhiều đợt mưa rừng. Thế nhưng nhiều khúc của dòng sông này vẫn trơ đáy do hàng loạt thủy điện “xếp hàng” tích nước, chạy máy. Chúng tôi đi dọc con đường nát vụn ngược nguồn sông Kôn, thấy liên tục xuất hiện những tấm biển chình ình chỉ đường vào các thủy điện. Băng xe máy qua những cung đường khúc khuỷu, chúng tôi đến làng Dak Tral, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh). Ngôi làng hiện ra trong mưa chiều ảm đạm. Trưởng làng Đinh Vinh mừng ra mặt khi đưa chúng tôi đi thực địa những hệ lụy từ Thủy điện Vĩnh Sơn 5, bởi “đã bức xúc phản ánh quá nhiều nhưng không có gì thay đổi”. Đó là việc kênh dẫn dòng Thủy điện Vĩnh Sơn 5 cắt ngang khu vực rẫy sản xuất với khu tái định cư. Duy nhất một chiếc cầu với bề ngang nửa mét bắc qua kênh. Cầu nhỏ lắt lẻo nên hết sức khó khăn khi vận chuyển nông sản, riêng gỗ rừng trồng thì không thể đưa xe vào chở. Trong khi đó, từ khu dân cư vào ruộng lúa nước xa trên 5km, đường lại vô cùng khó đi. Ông Vinh cho hay, tiếng là làm lúa nước nhưng nguồn tưới luôn thiếu hụt, đất đai lại cằn cỗi, nên nhiều nhà đã bỏ đất hoang…

img

Kênh thủy điện Vĩnh Sơn 5 cắt lối người làng Dak Tral (Vĩnh Kim) vào rẫy sản xuất.  Ảnh:  H.P

Ngoi ngóp sau cơn mưa từ rẫy về, vài cặp vợ chồng ngồi uống rượu suông ở một nhà trong làng Dak Tral. Ông Đinh Doan trông già hơn nhiều so với tuổi 55, cho hay, vợ chồng có 7 con thì đã mất 3 do đau bệnh. Nhà ông có gần 2ha đất bị thu hồi làm Thủy điện Vĩnh Sơn 5, đền bù được 60 triệu đồng. Không còn đất sản xuất, sau khi cất lại nhà và mua gạo ăn thì “tiền đền bù đã hết sạch sẽ lâu rồi”. Vợ chồng định vác rựa vào rừng phát rẫy trồng trỉa, nhưng không thể được, bởi đất xung quanh đây đều thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh. “Có hộ phát “lụi” để sản xuất, đã bị xử phạt nặng”- ông chép miệng.

Nhường đất cho thủy điện, dân làng Dak Tral cùng nhau dời vào khu tái định cư chật hẹp, nhà cửa ken sát. Bà Lài (46 tuổi)- vợ ông Đinh Doan cho biết: “Về khu tái định cư, giờ muốn xây cái hố xí cũng không có đất. Bức bối quá!”.

Theo Trưởng làng Đinh Vinh,  Dak Tral hiện có 60 hộ dân thì có đến 32 hộ nghèo.

Dân phải dùng nước bẩn

Ông Đinh Vinh chỉ vào những ống dẫn nước xuống nhà dân: “Nước đục lắm, lại ô nhiễm nặng. Uống nước này, bà con trong làng bị bệnh nhiều lắm! Chắc là nguồn nước ô nhiễm thuốc trừ cỏ”.

Theo ông Vinh, từ nhiều năm qua, gần 5km đoạn sông Kôn từ đập Thủy điện Vĩnh Sơn 5 đến suối Nước Mật đã bị cạn kiệt, như là khúc sông chết. Dân làng kiến nghị tìm nguồn nước sinh hoạt cho người và gia súc, Công ty cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn (chủ đầu tư Thủy điện Vĩnh Sơn 5) đã chặn nước từ cửa hầm phụ của thủy điện để cung cấp nước cho dân. Bởi đây là nguồn nước tù đọng nên không đảm bảo vệ sinh, dù kiến nghị nhiều lần nhưng hiện bà con vẫn phải dùng nước bẩn…

Ông Đinh Doan nói: “Nước sông cạn kiệt nên các giếng đều bị đứt mạch. Bà con và gia súc đều khốn đốn. Khi họ chặn hầm đưa nước về thì lại quá bẩn nhưng đành sử dụng. Sông Kôn trước đây nhiều cá lắm, vậy mà giờ chẳng còn nước cho bò uống!”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim - ông Đinh Mun cho hay, không chỉ làng Dak Tral, nhiều khu vực của xã cũng đang phải dùng nước “ao tù” do Thủy điện Vĩnh Sơn 5 cung cấp. Hàng trăm học sinh, giáo viên của Trường Tiểu học và THCS bán trú Vĩnh Kim và người dân cũng đang phải sử dụng nguồn nước này. Bởi nước lấy từ nguồn không được che chắn nên khi có mưa thì thuốc trừ cỏ, thuốc khai hoang từ nương rẫy sẽ đổ vào.

Theo ông Đinh Mun, năm vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu nước ở đây đưa đi xét nghiệm và kết luận không đạt yêu cầu để sử dụng; nếu dùng thì phải lọc, nhưng hầu hết bà con ở đây không sắm được bộ lọc đúng tiêu chuẩn, đành phải sử dụng “liều”.

Nhân dân làng Dak Tral đã từng làm đơn kiến nghị Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn phải giải quyết 9 vấn đề bức xúc để đảm bảo đời sống và sản xuất. Bên cạnh vấn đề nước sinh hoạt, cần phải xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông ven làng Dak Tral; xây rào chắn dọc tuyến kênh dẫn nước thủy điện để bảo vệ an toàn cho người và gia súc; xây dựng cầu kiên cố để người dân vận chuyển lâm thổ sản qua kênh... Thế nhưng công ty trên đáp ứng “nhỏ giọt”, mặc kệ đời sống người dân lay lắt. 

 Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, chỉ trên một đoạn sông vài chục cây số đầu nguồn sông Kôn, có đến 14 thủy điện, nhằm tận thu thủy điện bậc thang của dòng sông này. Đó là chưa kể trước đây, Bộ này đã quy hoạch đến 20 công trình thủy điện trên sông Kôn, sau đó đã cắt bỏ 6 công trình. 

(Nguồn: Sở Công Thương Bình Định)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem