Trong phim cổ trang Trung Quốc, nhân vật thái giám không ít lần được biên kịch, nhà sản xuất khai thác đời sống, suy nghĩ và hành động của họ. Nhân vật này thường có dáng vẻ khúm núm, nói chuyện kiệm lời và tính cách thay đổi. Trong nhiều phim cổ trang, thái giám thường là những cao thủ võ lâm, dựa thế chủ nắm quyền thiên hạ. Họ thường có tạo hình là những người ái nam ái nữ, mặc trang phục chỉnh tề và tay luôn cầm cây phất trần. Điều này khiến nhiều khán giả không khỏi băn khoăn về công dụng của cây phất trần trên tay của thái giám.
Ít ai biết, phất trần từ thời xưa đã được xem là một thánh vật gắn liền với hình tượng của các đạo sĩ trong văn hóa Trung Hoa. Bởi vậy khi đề cập đến vật dụng này, cổ nhân Trung Quốc có câu: "Tay cầm phất trần, không phải người phàm". Thực chất, phất trần nguyên là cây chổi quét bụi, đuổi muỗi và được thái giám mang bên mình như một "vũ khí đặc biệt". Nhất là đối với những thái giám thân cận bên Hoàng đế, phất trần dường như đã trở thành vật bất ly thân của họ. Khi vua ngồi đâu, những người này cũng đều phải chú ý dùng phất trần để dọn dẹp cẩn thận qua một lần. Nếu họ không kịp thời lau dọn thì rất có thể sẽ phải nhận trọng tội.
Phất trần gắn liền với hình ảnh các thái giám được hầu cận vua.
Ngoài ra, các thái giám cũng có thể dùng phất trần để phủi đi bụi bặm trên người nhà vua. Bởi nếu trực tiếp dùng tay để chạm hoặc vỗ vào người Hoàng đế sẽ bị coi là một hành động đại bất kính. Phất trần cũng là "vũ khí ngầm" thể hiện chức vị cao thấp của các thái giám mà không phải hoạn quan nào cũng có cơ hội được dùng.
Từ góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng phất trần là vật dụng để khán giả dễ phân biệt các nhân vật hơn khi theo dõi phim cổ trang. Mặt khác, những hoạn quan có chức vị được cầm phất trần bên mình như để nhắc nhở về thân phận của bản thân nhằm giữ lòng trung thành với chủ tử để họ không ảo tưởng về quyền lực, địa vị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.