Tại sao lại là Sơn Tùng M-TP?

Khánh Yến Thứ hai, ngày 02/05/2022 14:07 PM (GMT+7)
Với MV này, Sơn Tùng đã có một nước đi sai, dù tôi tin anh không cố ý.
Bình luận 0

Một vài người hâm mộ Sơn Tùng M-TP nhắn tin cho tôi như vậy, sau khi MV "There's no one at all" bị Cục Nghệ thuật biểu diễn "tuýt còi" trên các nền tảng trực tuyến. Họ cho rằng đây là một quyết định quá nặng tay, và trước Sơn Tùng, chẳng phải cũng có đầy rẫy nghệ sĩ làm MV tiêu cực?

Tại sao lại là Sơn Tùng M-TP? - Ảnh 1.

Tạo hình của Sơn Tùng trong MV mới. (Ảnh: NSXCC)

Thắc mắc này không phải không có căn cứ. Trước Sơn Tùng, năm 2018, Nguyễn Trần Trung Quân cho ra đời MV "Màu nước mắt", trong đó anh vào vai nhân vật chính, người tự vẫn sau khi bị bạn gái và bạn thân phản bội. MV "Những kẻ mộng mơ" của ca sĩ Noo Phước Thịnh mang màu sắc u tối, miêu tả cuộc sống mất phương hướng của một chàng trai sau khi giết bạn gái vì ghen tuông. Trong MV "Ghen" – một tác phẩm đình đám khác, Erik và Min có không ít cảnh quay bạo lực và lệch chuẩn... Những thứ đó, ít nhiều đều có thể tác động tới tâm lý của giới trẻ, nếu đặt lên bàn cân phân tích và mổ xẻ.

Không khó để khẳng định, sự khác biệt của Sơn Tùng chính là ở sức ảnh hưởng mạnh mẽ của anh đối với showbiz Việt, đúng như câu nói mà chính anh từng tâm đắc: "Muốn đội vương miện thì phải chịu được sức nặng của nó". Quyền lực của Sơn Tùng khiến anh thu phục số lượng lớn người hâm mộ lứa tuổi vị thành niên – những cô bé, cậu bé sẵn lòng tham gia mọi cuộc chiến vì "sếp", "cày" mọi thiết bị nhằm tăng view, mang bảng thành tích vàng về cho thần tượng. Nhưng cũng chính đối tượng ấy đã đặt lên vai Sơn Tùng trách nhiệm: "Làm gì để không tổn hại tới họ?"

Sự khôn ngoan nửa vời

"There's no one at all" – ca khúc tiếng Anh của Sơn Tùng ra đời vào ngày 28/4, phần nào khẳng định tham vọng của nam ca sĩ sinh năm 1994 với thị trường quốc tế. Chọn thời điểm ra mắt chỉ 3 tuần sau khi Big Bang – ban nhạc anh "chịu nhiều ảnh hưởng" trở lại, Sơn Tùng cho thấy anh chưa bao giờ ngại thị phi. Trong MV, ekip của Sơn Tùng cũng khéo léo đưa vào đó 5,6 cảnh quay na ná những tình tiết trong MV "Crooked" (G-Dragon – thủ lĩnh nhóm Big Bang) – một số lượng vừa đủ nhiều để người hâm mộ Big Bang bức xúc, tranh cãi, vừa đủ ít để người yêu mến Sơn Tùng bênh vực và coi đó chỉ là "sự ảnh hưởng".

Sản phẩm âm nhạc của Sơn Tùng cũng được ra mắt vào thời điểm một loạt vụ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên vừa diễn ra, gây thương xót trên toàn xã hội. Như Sơn Tùng nói trong lời xin lỗi, chính anh cũng muốn gửi gắm tới mọi người thông điệp: "Hãy thấu hiểu cảm xúc bên trong những người cô đơn, hiểu để yêu thương, che chở, và hãy mở rộng tấm lòng của chúng ta trước khi quá muộn".

Tại sao lại là Sơn Tùng M-TP? - Ảnh 2.

Sơn Tùng không phải ngôi sao đầu tiên bị dư luận lên án bởi MV mang tính tiêu cực. (Ảnh: FBNV)

Với Sơn Tùng và một số người, tính cảnh báo mà ca sĩ mong muốn khiến đây là một thời điểm tốt để ra mắt MV này, nhưng với những người khác, đây lại là thời điểm rất tệ, bởi dư âm của các vụ tự sát của các em học sinh vẫn còn quá mới, quá đau đớn. 

Hơn nữa, sai lầm lớn nhất của Sơn Tùng có lẽ là việc khoanh vùng đối tượng. Trước khi mỗi sản phẩm mới ra mắt, các nhãn hàng thường phải tổ chức một cuộc nghiên cứu thị trường (Market Research) nhằm giải quyết các câu hỏi: Liệu sản phẩm mới có thành công hay không? Đối tượng khách hàng là ai? Ai sẽ là người trả tiền mua sản phẩm? Liệu việc bán sản phẩm cho họ có hợp lý?

Ekip của Sơn Tùng hiểu rõ nhất, đối tượng "khách hàng" chính của MV "There's no one at all" là những cô bé, cậu bé ở lứa tuổi U18, không phải phụ huynh của họ. Lứa tuổi này luôn dễ gặp những tiêu cực trong trạng thái cảm xúc, những bất ổn về tinh thần, có thể chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang cảm xúc ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại. Thế giới hiện đại với nhịp sống bận rộn, nguy cơ và dịch bệnh khiến họ ngày càng ít các tiếp xúc trực tiếp. 

Cũng bởi vậy, họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các tác động từ mạng xã hội, phim ảnh và các sản phẩm âm nhạc trực tuyến. Trong khi đó, lại không đủ chín chắn để phân biệt những tác phẩm có ý nghĩa "mập mờ". 

Thông điệp trong MV mới của Sơn Tùng không mấy rõ ràng và mạch lạc, để tại đó, người xem cảm nhận được nỗi cô đơn hay có được sự đồng cảm như anh tuyên bố. Thay vào đó, ngay từ những phân cảnh đầu, người xem dường như chỉ cảm nhận được nỗi bất cần, chán chường, sự quậy phá bốc đồng của nhân vật chính. 

Các tình tiết xúc động ít ỏi và thoáng qua, nhanh chóng được thay thế bởi nỗi ám ảnh với cú nhún chân của chàng trai trẻ, khi quyết định giải quyết bi kịch bằng việc đột ngột gieo mình xuống tòa nhà.

Với một MV không dán nhãn 18+ hay khuyến cáo nên cẩn trọng khi xem, các bậc phụ huynh hoàn toàn có lý do khi lo lắng cho con cái họ ảnh hưởng bởi sản phẩm này. Với việc cày view diễn ra ngày ngày, những hình ảnh tiêu cực lặp đi lặp lại dễ dàng "tiêm" vào não bộ những người trẻ. 

Sẽ đáng sợ thế nào nếu thế hệ kế tiếp cho rằng tự vẫn là một giải pháp, thay vì cố gắng tìm lối thoát? Sẽ giáo dục như thế nào nếu lứa tuổi teen luôn cho rằng, lý do họ quậy phá, ngỗ nghịch là do người lớn đã không chịu hiểu những áp lực của họ? (Dù họ thường cũng không hiểu/ hoặc không quan tâm những áp lực của người trưởng thành).

Với MV này, Sơn Tùng đã có một bước đi sai, dù tôi tin, anh không ác ý. Rất khiên cưỡng khi nhiều người trên mạng xã hội quy kết rằng Sơn Tùng M-TP lạm dụng các vụ tự tử để kiếm tiền, tăng danh vọng. (Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có lúc thể hiện không đúng những suy nghĩ của mình, dù cố gắng). Sơn Tùng thừa độ hot, chỉ là quyết định lần này của anh về thời điểm ra mắt MV có phần thiếu khôn ngoan mà thôi.

Dừng phát tán MV của Sơn Tùng là quyết định khắt khe?

Đừng cho rằng, chỉ tại Việt Nam, những MV tiêu cực như "There's no one at all" của Sơn Tùng mới bị lên án và dừng phát tán. Năm 2004, công chúa nhạc Pop Britney Spears từng phải thay đổi kịch bản MV "Everytime" bởi trong bản demo, video âm nhạc này ám chỉ nhân vật của Britney Spears cố gắng tự tử bằng cách dùng thuốc quá liều và vùi đầu xuống bồn tắm.

Là thần tượng của hàng triệu trẻ em vị thành niên tại Mỹ, Britney ngay lập tức bị dư luận phản đối rầm rộ. Ngay sau đó, ekip của cô đã buộc phải thay đổi nội dung MV "Everytime" với kết cục tươi sáng hơn, đồng thời tuyên bố: "Britney Spears không tán thành việc tự sát như một phương thức giải quyết đối với bất kỳ cá nhân nào".

Trước Sơn Tùng, vào năm 2019, MV "Nếu ngày ấy" của Soobin Hoàng Sơn cũng từng bị YouTube "tuýt còi" bởi cảnh tự sát bằng súng. Theo thông báo của ứng dụng này, MV không phù hợp với nhiều khán giả và cần cho vào danh sách hạn chế.

Trước khi đề cập đến các vấn đề tiêu cực và gây ảnh hưởng đến tâm lý của khán giả, những sản phẩm văn hoá tại nhiều quốc gia tiên tiến đều phải đưa ra những cảnh báo về độ tuổi: "Nội dung của sản phẩm này có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý người xem. Trẻ em cần được sự hướng dẫn của cha mẹ".

Việc "tuýt còi" MV của Sơn Tùng có lẽ sẽ là sự mở đầu cho những quy định khắt khe hơn trong việc quản lý các sản phẩm văn hóa trực tuyến, sau một thời gian dài cánh cửa này được mở thênh thang tới vô cực. 

Tại đó, yếu tố nghệ thuật vẫn cần được tôn vinh, nhưng nên đặt cạnh các yếu tố về đạo đức cũng như tiêu chuẩn cộng đồng. Sơn Tùng vẫn hoàn toàn có thể một lần nữa trở lại càn quét các bảng xếp hạng, khi anh thay thế một bản MV khác với hình ảnh tích cực, tươi sáng hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem