"Đồng bào" – vòng tay vạn dặm

Luật sư Hoàng Duy Hùng, từ Houston, Texas Thứ bảy, ngày 30/04/2022 08:15 AM (GMT+7)
Người Việt ở xa Tổ Quốc từng được nhắc đến trong các văn bản của nhà nước là "khúc ruột ngàn dặm", trong Nghị quyết 36 là "kiều bào", và giờ đây trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị là "đồng bào".
Bình luận 0

"Đồng bào", nghĩa là cùng chung một bọc, là sự tích mẹ Âu Cơ trăm trứng đẻ ra trăm con. Giờ ít nhất có 5 triệu người Việt ở nước ngoài, dù có những người khác chính kiến nhưng họ vẫn từ bọc trăm trứng đó. Nên 2 tiếng "đồng bào" là sự đúc kết ý nghĩa nhất, chính xác nhất, hay nhất.

Tôi đã từng là một người chống cộng quyết liệt. Nhưng trở về Việt Nam những năm gần đây, lòng tôi đã khác dần khi nhìn đất nước mình phát triển mỗi ngày, để 30/4 của 2 năm trước tôi treo cờ đỏ sao vàng nhận đó là cờ Tổ Quốc.

Đầu năm nay, ngay trước Tết Nguyên Đán, tôi lại có dịp về Việt Nam, lần thứ 3 kể từ đầu thập niên 1990.  Khi về tới Việt Nam, đặc biệt là khi thăm đền mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ, tôi có cảm giác rất rõ ràng về chữ đồng bào. Một người mẹ có thể có những người con mà mình yêu hơn, nhưng với tiếng "đồng bào", tình yêu đó dường như đồng đều, nghĩa là  Người mẹ Việt Nam yêu thương những đứa con của mình dù trong nước hay ngoài nước cũng như nhau hết. 

Bản thân tôi trải nghiệm hai tiếng "đồng bào" với từng người tôi gặp. Có những người trước đây tôi chỉ chuyện trò vài lần qua mạng vì công việc, nhưng khi về thấy rất thân thiết, như những người em của tôi, chúng tôi chia sẻ rất tận tình.

Hay vị Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc, mà tôi được tiếp kiến lần đầu, nhưng thấy tôi là ông nhận diện ra liền. Ông gọi tôi là em xưng anh, ông giới thiệu tôi là một người từng hiểu lầm đất nước nhưng rồi giờ đây bảo vệ đất nước tới cùng. Ông dặn tôi hãy làm việc tốt đẹp cho Việt Nam mình, dù ở nước ngoài nhưng hãy cùng nhau lo cho đất nước.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã tiếp tôi rất thân tình. Họ nói với tôi rằng hãy nghĩ về đất nước, góp ý thế nào để  để tạo sự đoàn kết dù trong hay ngoài.

Đến một người bán vé số dạo ở TP.HCM đã nói trên một kênh YouTube: Tôi quý anh Hùng vì anh nhận ra sự thật, trở về Tổ Quốc. Khi tôi vào TP.HCM hồi đầu năm nay, tôi đã đi kiếm cậu ấy nhưng không được. Cậu ấy đã khiến tôi cảm động: Cậu nói như một người em, một người em không cần anh cho cái gì, người em chỉ cần người anh trở về trong sự hiểu biết, sự thật.

Tất cả đã giúp tôi cảm nhận hai tiếng "đồng bào", rằng chúng ta phải yêu thương nhau, cùng chia sẻ với nhau những nỗi lo của đất nước.

"Đồng bào" – vòng tay vạn dặm - Ảnh 2.

Luật sư Hoàng Duy Hùng, tác giả bài viết, trong văn phòng của ông ở Houston, Texas. Từ một người chống cộng kịch liệt, ngày 30/4/2020, ông đã treo cờ đỏ sao vàng, công nhận đó là cờ Tổ Quốc.

100 con có thể có lúc bất hoà thì mẹ sẽ buồn. Mẹ chỉ vui khi các con thấy có thể góp ý để đoàn kết, để xây dựng, không phải để phá nhau, góp ý để lo cho đất nước.

Người mẹ lúc nào cũng kiên trì, tình thương của mẹ chỉ đổ xuống chứ ít khi đi ngược lên. Tôi thấy ở Đền Hùng có truyền thuyết 100 quả núi, 99 núi hướng về đền Hùng, 1 núi quay ngược lại khiến người ta chú ý. Trong 100 đứa con thế nào cũng có một đứa con hư. Truyền thuyết cũng là hiện tại. Đất nước hãy kiên trì, mở rộng hơn nữa vòng tay với những đứa con không hiểu về đất nước.   

Mở rộng vòng tay nghĩa là nhân ái, bao dung hơn. Một câu chuyện là có những đứa con muốn trở về, nhưng vì lý lịch "chống cộng" của họ, nhà chức trách bắt họ làm tờ cam kết không chống đối nhà nước và Đảng Cộng sản. Đoạn này khiến họ ngại, họ sợ rằng văn bản đó bị rò rỉ ra ngoài, ra cộng đồng ở Mỹ, bất lợi cho họ trong cuộc sống hàng ngày khi từ Việt Nam trở về.  Nhà chức trách có lẽ không nên bắt họ viết cam kết đó, điều đó là thừa. Đừng đòi hỏi họ viết cam kết đó, không cần thiết nữa đâu. Giống như dịch Covid-19, trước đây có nhiều điều kiện ràng buộc để đi lại thì giờ không cần phải khai báo y tế nữa.

47 năm qua rồi. Nhiều người chống cộng giờ đã trở thành những ông già lụ khụ, bắt họ viết cam kết nghe đơn giản nhưng chính là cản bước đường họ trở về. Lần tôi về nước năm 2019 tôi cũng phải viết cam kết đó. Khi ấy những người như nguyên thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đã khiến tôi nghĩ khác về đất nước. Ông là người xông pha, vận động các nơi để Nghị quyết 36 thành hiện thực. Có ông, nhiều người Việt xa Tổ Quốc đã dám trở về. Giờ thì cứ để những người như tôi trở về để họ chứng kiến sự đổi thay của đất nước, họ sai thì xử lý, đừng bắt họ viết cam kết nữa. Một chuyện này cũng là thể hiện lòng tin với đồng bào ở xa.

Tôi rất mừng vì tiếng nói của mình về đất nước trên kênh YouTube riêng đã được nhiều người lắng nghe. Tôi nghĩ mình chưa đóng góp được gì nhiều, nhưng đã được khán giả yêu quý. Tôi sẵn sàng đóng góp cho đất nước, hết lòng, dưới lá cờ cờ Tổ Quốc. Như những người con hết lòng đóng góp, để mong  khuôn mặt mẹ Việt Nam sáng ngời, rạng danh khắp năm châu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem