Thị trường chứng khoán: Tìm lại niềm tin khi nhà đầu tư đang khiếp sợ
Tìm lại niềm tin khi nhà đầu tư đang khiếp sợ
Thiên Lương
Thứ hai, ngày 25/04/2022 10:23 AM (GMT+7)
Các nhà đầu tư kỳ cựu, các quỹ đầu tư lớn luôn quan tâm đến những người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp. Dù người lãnh đạo tối cao của doanh nghiệp có tài giỏi đến đâu, nhưng không đủ đạo đức kinh doanh thì sớm muộn doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy làm sạch thị trường là điều tối cần thiết.
Hiếm có nơi nào mà niềm tin và hy vọng có ý nghĩa lớn như trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu trên thị trường thực ra chỉ phản ánh niềm tin và hy vọng của cổ đông.
Những thông tin một công ty vẫn cung cấp ra thị trường như sản phẩm mới, dự án mới, kế hoạch phát triển, mức lãi lỗ dự kiến – đều chỉ là niềm tin và hy vọng mà thôi. Vậy nên mới có những công ty lỗ rất lớn hoặc lãi rất nhỏ mà giá trị còn cao hơn nhiều lần so với những công ty lãi ổn định. Một ví dụ không thể hay hơn về điều này là công ty Tesla.
Niềm tin: Khó kiếm mà dễ mất.
Cần rất nhiều năm để gầy dựng niềm tin vào một doanh nghiệp hay một doanh nhân.
Nếu người ta đã tin tưởng vào tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp thì mọi con số như lợi nhuận sau kiểm toán, doanh thu… đều chỉ có tác động rất nhỏ đến giá cổ phiếu. Ngược lại, nếu niềm tin đã mất rồi thì giá cổ phiếu sẽ lao dốc bất chấp mọi số liệu báo cáo lạc quan nhất.
Bức tranh hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam phần nào thể hiện rõ ràng điều này. Sau khi một loạt chủ doanh nghiệp phải vào tù vì thổi giá cổ phiếu và các hoạt động phạm pháp khác, lập tức giá cổ phiếu rơi nhiều lần so với giá đỉnh. Có những cổ phiếu mất đến 80% giá trị, kéo theo vô số nhà đầu tư xuống đáy sâu, làm họ khiếp sợ với thị trường chứng khoán.
Nếu như cách đây chưa lâu, nhiều chuyên gia còn lạc quan với dự báo VNIndex có thể lên 1800 trong năm 2022, thì hiện nay đã có những dự đoán bi quan là nó sẽ rơi về 1200 thậm chí sâu hơn.
Vấn đề không phải từ chính hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, vì không có một doanh nghiệp nào tự dưng sụp đổ sau một đêm, đánh mất 80% tài sản trong vài tháng. Trong điều kiện bình thường, sẽ cần một quá trình rất dài để doanh nghiệp suy sụp như vậy. Nhưng chỉ cần niềm tin mất đi và theo nó là hy vọng cũng tan biến, giá trị doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sẽ lập tức bay hơi.
Một yếu tố quan trọng nữa cần chú ý đến là khi doanh nghiệp bị mất uy tín với cổ đông và khiến cho giá cổ phiếu xuống quá nhanh thì doanh nghiệp ấy cũng mất khả năng huy động vốn. Mọi khoản vay đều bị ngân hàng và trái chủ tìm cách thu hồi lại. Việc mất nguồn vốn sẽ lập tức đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Chưa nói đến chuyện các khách hàng cũng tự động từ bỏ doanh nghiệp do không muốn liên lụy và mất niềm tin vào sản phẩm.
Mọi yếu tố này tạo ra tác động hủy diệt kép, tàn phá doanh nghiệp trong nháy mắt. Chúng làm cho công sức hàng ngàn con người sau nhiều năm lao động bị đổ sông đổ bể.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư kỳ cựu, các quỹ đầu tư lớn luôn quan tâm đến những người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp. Câu nói: Có tài mà không có đức thì cũng vô dụng – cực kỳ đúng ở đây. Dù cho người lãnh đạo tối cao của doanh nghiệp có tài giỏi đến đâu, nhưng không đủ đạo đức kinh doanh thì sớm muộn doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong nhiều trường hợp, thậm chí doanh nghiệp còn phải thay lãnh đạo khi ông ta gặp phải chuyện bê bối đời tư, không liên quan đến công việc kinh doanh. Doanh nghiệp phải làm vậy để bảo vệ niềm tin của cổ đông.
Và thị trường rất khắc nghiệt, dù cũng rất bao dung, mọi lỗi lầm của chủ doanh nghiệp đều gây ra những hậu quả khôn lường.
Tương lai nào cho thị trường?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thời kỳ suy yếu sau những tháng dài tăng trưởng ngoạn mục. Sự tăng trưởng ấy có nhiều nguyên nhân: Các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tốt trong môi trường kinh tế ngày càng tốt và ổn định ở Việt Nam; nguồn vốn giá rẻ từ người dân do ngân hàng chỉ huy động với lãi suất quá thấp; hiệu ứng sợ bị bỏ lỡ thời cơ, sợ thua thiệt khi thấy thị trường tăng giá không ngừng.
Và một điểm quan trọng nữa là hiệu ứng có thể gọi là động cơ vĩnh cửu: Một doanh nghiệp đầu tư vào cổ phiếu của chính mình hoặc doanh nghiệp con của mình trong hệ sinh thái. Khi giá cổ phiếu tăng lên, đem lại lợi nhuận thì chính doanh nghiệp sẽ được định giá lại. Tất cả tạo ra một hiệu ứng thúc đẩy giá cổ phiếu lên không ngừng.
Ví dụ một doanh nghiệp A nào đó, đang kinh doanh rất bình thường trong mảng hoạt động chủ yếu và truyền thống của mình, với lãi hằng năm khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng họ mua lại cổ phiếu của mình, giả dụ 10 triệu cổ phiếu với giá 5 ngàn đồng, mất 50 tỷ, và khi cổ phiếu này lên đến mức giá 50 ngàn đồng thì họ sẽ lãi đến 450 tỷ đồng.
Điều này khiến cho lợi nhuận doanh nghiệp của họ tăng lên thêm 450 tỷ đồng, cao gấp hàng chục lần so với những năm trước, và lập tức được thị trường định giá lại, đưa nó lên những đỉnh cao mới. Và một lần nữa, khoản lãi tự doanh này sẽ tác động ngược lại lên giá cổ phiếu. Gần như một hiệu ứng cộng hưởng khi đoàn quân đi đều bước qua một cây cầu sắt.
Nhưng khi cây cầu thị trường sụp đổ thì tất cả những ai tham gia vào ở mức đỉnh đều sẽ mất gần như toàn bộ tài sản.
Thực ra kiểu tự doanh cổ phiếu chính mình như vậy rất khó tồn tại lâu dài. Cũng như một động cơ vĩnh cửu không thể chạy mãi được nếu không có trợ lực từ bên ngoài, một doanh nghiệp chỉ tăng trưởng nhờ tự doanh cổ phiếu chính mình sớm muộn cũng sẽ suy sụp.
Đó cũng là lời lý giải cho hiện tượng "cây thông" ở các mã cổ phiếu đặc biệt. Chúng buộc phải tăng, buộc phải có nguồn vốn mới đổ vào, đến khi chúng không tăng được nữa thì chúng sẽ lập tức sụp đổ.
Chắc chắn đó chỉ là hiện tượng đơn lẻ. Ở Việt Nam vẫn có vô số doanh nghiệp lành mạnh, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, và kiếm tiền rất tốt nhờ hệ thống chuyên nghiệp của mình.
Tuy nhiên, với một thị trường còn non trẻ thì tâm lý người dân hết sức quan trọng. Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang hoạt động cực kỳ lành mạnh và tốt đẹp, vẫn tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm, nhưng khi thị trường mất lòng tin thì gần như mọi cổ phiếu đều xuống giá chứ không chỉ một vài cổ phiếu bị làm giá nào đó.
Chưa kể đến việc các công ty chứng khoán có thể cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy liên kết qua nhiều mã cổ phiếu khác nhau, và khi cổ phiếu một công ty nhỏ bị xuống giá thì có thể sẽ có nhiều cổ phiếu công ty lớn cũng bị đem bán giải chấp.
Và đấy mới là điều đáng lo ngại.
Cùng với sự phát triển của đất nước, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều khả năng được thăng hạng trong thời gian sắp tới. Theo đó là nguồn vốn khổng lồ từ nước ngoài sẽ đổ vào để tìm kiếm cơ hội. Dĩ nhiên các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư cũng hưởng lợi từ nguồn vốn ấy.
Nhưng một thị trường được thăng hạng không chỉ vì nó có khối lượng lớn hơn, có tính thanh khoản cao hơn, mà còn vì nó có niềm tin và hy vọng cho nhà đầu tư, nó có sự minh bạch và trung thực cao hơn.
Do đó để bảo vệ thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư, sẽ cần phải làm sạch thị trường, cho thị trường được minh bạch hơn và hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ làm giá ngắn hạn.
Khi một cái bánh to lên thì mọi người sẽ được hưởng lợi, dù dĩ nhiên sẽ có người được nhiều hơn. Còn nếu chỉ giữ cho một cái bánh vẫn nhỏ vậy thôi, mà liên tục thổi chỗ này, kéo chỗ kia để kiếm lợi cá nhân thì toàn bộ hệ thống sẽ bị ảnh hưởng.
Thực ra mọi thị trường chứng khoán đều phải trải qua những giai đoạn nhất định, không ai tự dưng thành người lớn được. Chỉ mong rằng những giai đoạn dậy thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển tương lai của một thị trường rất nhiều triển vọng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Và để được như vậy thì phải bằng mọi cách giữ được niềm tin và hy vọng của nhà đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.