Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vừa vui mừng vừa thấp thỏm lo âu, đó là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Nhi - viên chức ở một trung tâm nghiên cứu thuộc một bộ lớn.
Chị Nhi chia sẻ, lâu nay đơn vị đã kêu khó, lương thưởng của cán bộ trung tâm quá thấp. Dù được giao tự chủ tài chính nhưng năm cũng đôi ba tháng đơn vị rơi vào cảnh chậm lương, nợ lương.
"Nghe tin tháng này được tăng lương cơ sở chúng tôi vui mừng chưa hết thì lại nghe đồn trung tâm khó khăn, nếu tăng lương thì không có nguồn trả. Lương tăng mà mấy khoản phụ cấp bị cắt giảm thì có khi thu nhập còn giảm thê thảm hơn", chị Nhi chia sẻ.
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cùng chung nỗi lo bởi lâu nay lương chưa tăng mà đơn vị đã "kêu" khó không ngừng. Giờ tăng rồi không biết thế nào.
"Tăng lương mà thu nhập giảm, nợ lương thì thôi thà không tăng còn hơn. Thời buổi kinh tế khó khăn, sợ nhất là bị nợ lương, đó là chưa kể lương chưa tăng mà giá cả cái gì cũng rậm rịch đòi tăng theo", một viên chức làm trong bệnh viện công tại Hà Nội cho hay.
Trước đó, năm 2022 ghi nhận tình trạng nhiều bệnh viện nợ lương của người lao động như: Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) nợ 50% lương nhân viên từ tháng 5/2021, trong khi Bệnh viện Đa khoa trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nợ 4 tháng lương... Tuy nhiên, đây không phải là tất cả, vẫn còn nhiều bệnh viện, các trường học, các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công... thậm chí là cả đơn vị sự nghiệp hành chính (cấp xã, phường) đang nợ lương của người lao động.
"Điều chỉnh tiền lương - tăng lương vốn là việc tốt. Tuy nhiên, nếu tăng lương không triệt để, tăng lương mà nợ lương thì người lao động sẽ rất thấp thỏm, lo âu. Điều này sẽ làm giảm đi ý nghĩa của việc tăng lương, thậm chí gây phản tác dụng".
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội)
Những câu chuyện trên khả năng sẽ không hiếm nếu tháng này việc tăng lương cơ sở có hiệu lực.
Chia sẻ với người lao động và phóng viên Dân Việt sáng 2/7, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng đúng là việc tăng lương trong các đơn vị sự nghiệp tự chủ 1 phần hoặc tự chủ toàn phần sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Lương tăng thì chi phí sẽ tăng lên, điều này có thể làm khó cho doanh các doanh nghiệp.
Trước thực tế này, ông Lợi cho rằng với các đơn vị hành chính hưởng lương trực tiếp từ ngân sách Nhà nước thì không sao nhưng với các đơn vị sự nghiệp thì cần ưu tiên các nguồn lực để chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức.
"Các đơn vị sự nghiệp cần chủ động trong điều hành, quản lý nhằm tăng thu phục vụ cho việc tăng lương. Trong trường hợp các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn, không thể cân đối tăng lương thì Nhà nước cần can thiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ. Có thể cho vay trả lương, hỗ trợ chi phí đầu tư công như: Trang thiết bị, máy móc... để doanh nghiệp ổn định hoạt động, tăng thu ngân sách từ đó lấy tiền đó đầu tư cho tăng lương", ông Lợi phân tích.
Ông Lợi cũng chia sẻ thực tế, qua đi và quan sát, ông thấy nhiều đơn vị cấp xã, huyện đang nợ lương của công chức, viên chức người lao động. Điều này rất đáng lo. "Tăng lương để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nếu lương tăng mà không có tiền phải nợ lương của lao động thì liệu chính sách có còn tác dụng, có còn ý nghĩa?", ông Lợi đặt câu hỏi.
Ông Lợi chia sẻ câu chuyện từ các bệnh viện công. Bệnh viện đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, nên dù có khó khăn tới mấy cũng phải có bác sĩ, có điều dưỡng trực chăm sóc người bệnh. Giờ nếu không có tiền trả lương, ai sẽ làm việc... người dân ốm đau lấy ai chăm sóc?
Từ câu chuyện trên, ông Lợi cho rằng Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công không có đủ khả năng chi trả tiền lương.
Không chỉ có các đơn vị sự nghiệp công, nhiều đơn vị sự nghiệp hành chính công cũng đang gặp khó khăn. Như trên đã nói, nhiều đơn vị cấp xã, cấp huyện đang nợ tiền lương của công chức, viên chức. Nguyên do là bởi lâu nay ngân sách địa phương phụ thuộc ít nhiều vào tiền tăng thu (chủ yếu do bán đất). Ngân sách không có tiền, trong khi dự toán thì năm sau cao hơn năm trước.
Song song với các giải pháp về điều tiết tiền lương, hỗ trợ với đơn vị không thể tự chủ chi tiền lương, ông Lợi cho rằng Nhà nước cũng cần phải có giải pháp tích cực trong việc kiểm soát giá, chống việc tăng lương một nhưng giá cả tăng mười lần.
"Mỗi đợt tăng lương là lại xuất hiện hiệu ứng domino, lương chưa tăng nhưng chỉ số giá sinh hoạt tăng lên. Cứ tăng lương là tăng giá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại giá không tăng. Giá không tăng là bởi tổng cầu giảm, tiền lương khan hiếm người dân thắt chặt tiêu dùng đây chưa hẳn là tín hiệu tốt. Dù vậy, Nhà nước cũng không thể chủ quan, cần có các giải pháp để bình ổn giá, kiềm chế lạm phát nếu tình hình xoay chuyển theo hướng khác đi", ông Lợi phân tích thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.