Trước thềm tăng lương cơ sở 1/7: Lo ngại "Lương tăng thu nhập sẽ giảm!"

Thùy Anh Thứ ba, ngày 27/06/2023 19:00 PM (GMT+7)
Từ 1/7 tới đây, tiền lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng thay vì 1.490.000 đồng như hiện nay. Nhưng thực tế không phải ai cũng được hưởng niềm vui khi tăng lương bởi nhiều người lo ngại lương tăng, thu nhập giảm.
Bình luận 0

Tăng lương: “Phần cứng tăng lên phần mềm lại giảm đi”

Theo Nghị định số 24 của Chính phủ quy định, có 9 nhóm đối tượng sẽ được tăng lương cơ sở từ 1/7 tới đây. Trong số này có nhóm công chức, viên chức (hành chính sự nghiệp), nhóm lực lượng vũ trang và cả nhóm lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công (y tế, giáo dục, doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm công…).

Vấn đề đặt ra hiện nay là đơn vị hành chính sự nghiệp hưởng lương 100% từ ngân sách, khi tăng lương thì nhóm này sẽ được tăng trên thực tế. Còn ngược lại với các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính một phần hoặc toàn phần, tiền lương do đơn vị trả thì lao động có thực sự được tăng lương?

Chị Nguyễn Thị Ngân, 38 tuổi (nhân viên trong tổng công ty nhà nước ở Hà Nội) băn khoăn: “Lương chưa tăng nhưng đã thấy sếp nhăn nhó. Nhiều nhân viên đồn rằng công ty đang khó khăn, tiền không có lấy gì tăng lương. Lo lắng của chúng tôi là liệu tiền lương của chúng tôi có được tăng không hay lại giảm đi”.

Cùng tâm trạng như chị Ngân, hàng nghìn lao động đang làm ở các đơn vị sự nghiệp công khác cũng tỏ ra lo lắng.

tăng lương cơ sở

Tăng lương cơ sở nhưng nhiều khả năng thu nhập của lao động trong các đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính sẽ không tăng. Ảnh: NN

N.T.H điều dưỡng của một bệnh viện tuyến thành phố ở Hà Nội cho biết: “Công việc nhân viên điều dưỡng khá vất vả, nhưng thu nhập của tôi càng ngày càng giảm sút. Giờ đây tiền lương thực tế có thể tăng lên nhưng nhiều khoản phụ cấp đang bị cắt giảm đi. Thực tế, thu nhập của chúng tôi giờ chỉ còn hơn 10 triệu đồng một tí”.

Thực tế câu chuyện tăng 1 đồng, cắt 2 đồng không phải là lạ. Vấn đề này đã và đang xảy ra khi tính tiền lương ở khu vực tư tại các doanh nghiệp.

“Hiện nay, tiền lương của khu vực công và khu vực tư đang từng bước được rút ngắn khoảng cách. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách khá xa. Lương thị trường trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng, còn trung bình tiền lương khu vực công chỉ vào khoảng 5 triệu đồng/tháng. Muốn rút ngắn khoảng cách tiền lương ở 2 khu vực này thì cần phải thực hiện cải cách tiền lương”.

Ông Phạm Minh Huân

Mới đây chia sẻ trong một cuộc hội thảo, ông Phạm Ngọc Khánh – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh cho biết, tiền lương thấp là nguyên nhân khiến cho nhiều nhân viên của trung tâm nghỉ việc, chuyển việc. Chỉ từ đầu năm tới nay, trung tâm đã có 8 nhân viên nghỉ việc, chuyển việc (hiện còn 12 nhân viên). Trung tâm hiện được giao tự chủ tài chính, tới đây nếu tiền lương cơ sở tăng lên, thì khả năng vấn đề tiền lương còn khó khăn nữa.

Là đơn vị tự chủ tiền lương được tính dựa trên khối lượng đơn giá đặt hành dịch vụ của tỉnh. Tuy nhiên đơn giá đặt hàng của tỉnh đang khá thấp, được tính toán dựa trên mức tiền lương cơ sở chỉ là 1.390.000 đồng  thay vì 1.490.000 đồng như hiện hành. Theo tính toán mỗi năm đơn vị đang thiếu khoảng 50.000.000 đồng để trả tiền lương cho lao động. Nếu như từ 1/7 tới đây khi lương cơ sở tăng lên 1.800.000 triệu đồng thì nguồn tiền lương còn thiếu có thể cao gấp đôi.

“Chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng sớm quan tâm, có phương án tháo gỡ khó khăn, giải quyết hoạt động, tạo nguồn tăng lương cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Đây là cách nâng cao chất lượng dịch vụ, hoạt động của trung tâm”, ông Khánh đề xuất.  

Tăng lương cơ sở không phải ai cũng vui”

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân – Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương cho rằng, thực tế việc tăng lương không phải ai cũng vui. Tăng lương cơ sở thì công chức, viên chức, cán bộ làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, người hưởng lương ngân sách sẽ tăng. Còn nhóm lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công, tự thu tự chi hoặc tự chi một phần sẽ khó có thể tăng lương tuyệt đối nếu không muốn nói là tổng thu nhập có thể giảm đi.

“Khả năng các đơn vị sẽ xem xét cân đối thu chi, tính toán dựa trên nguồn tiền lương của đơn vị. Đơn vị nào có nguồn thì có thể tăng chút, đơn vị nào không có nguồn thì đành chịu, đành phải cân nhắc ‘giật gấu vá vai’. Tăng phần cứng thì giảm phần mềm”, ông Huân chia sẻ.

Trước thềm tăng lương cơ sở 1/7: Lo ngại "Lương tăng thu nhập sẽ giảm!" - Ảnh 3.

Tiền lương cơ sở tăng nhưng không phải ai cũng vui mừng. Ảnh: NN

Theo ông Huân, tới đây nếu tăng tiền lương cơ sở, tiền lương cứng nhân hệ số của lao động sẽ tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc tiền lương đóng BHXH cũng tăng theo, có lợi cho tích lũy của lao động sau này khi về hưu. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng tổng thu nhập của lao động sẽ giảm đi so với trước.

Ông Huân lấy ví dụ cụ thể: ví như một doanh nghiệp đấu thầu công trình 1 tỷ. Tổng tiền phục vụ cho đấu thầu 200 triệu, giờ nếu tiền “phần cứng” phục vụ làm hồ sơ đấu thầu là 100 triệu đồng thì tiền “phần mềm” là 100 triệu đồng chi cho các khoản còn lại. Nếu giờ số tiền làm hồ sơ tăng lên 120 triệu đồng thì đương nhiên tiền “phần mềm” phải giảm đi.

Bàn về câu chuyện thanh kiểm tra, nhằm đảm bảo việc tăng lương được thực hiện đúng theo luật, ông Huân cho rằng, thanh kiểm tra quan trọng, nhưng quan trọng hơn, đơn vị không có nguồn thì cũng không thể tăng lương.

Còn muốn kiểm tra liệu đơn vị có nguồn hay không, có minh bạch hay không trong việc thực hiện tăng lương thì tổ chức công đoàn, người lao động… phải chủ động giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem