Tào Tháo là gian hùng hay gian tặc?

Chủ nhật, ngày 21/08/2022 08:30 AM (GMT+7)
Đây chính là Tào Tháo. Có lẽ ông ta là người có tính cách phức tạp nhất, hình tượng đa dạng nhất trong lịch sử.
Bình luận 0

Theo Ngụy lược do Bùi Tùng Chi chú dẫn trong Tam Quốc chí - Hậu phi truyện, trước lúc chết Tào Tháo còn nói thế này: Những việc ta đã làm trong đời chẳng có gì phải hối hận cả, cũng không thấy có lỗi với ai, chỉ không biết khi xuống cửu tuyền, nếu Tử Tu đòi mẹ thì ta nên trả lời thế nào.

Tử Tu là Tào Ngang, con cả của Tào Tháo. Mẹ ruột của Tào Ngang là Lưu phu nhân mất sớm, Tào Ngang được Đinh phu nhân, người vợ cả không có con của Tào Tháo nuôi nấng, Đinh phu nhân coi Tào Ngang như con đẻ.

Về sau Tào Ngang chết trận, Đinh phu nhân khóc đến chết đi sống lại, thường vừa khóc vừa nhiếc móc Tào Tháo: Con trai thiếp bị giết mà ông mặc kệ. Tào Tháo thấy phiền, bèn đuổi bà về nhà mẹ đẻ, nên trước lúc qua đời mới nói như vậy.

Thật ra Tào Tháo cũng đã cố gắng rồi. Ông ta đích thân đến nhà mẹ của Đinh phu nhân đón bà về, nhưng Đinh phu nhân ngồi bên khung cửi dệt vải, không buồn nhúc nhích, chẳng thèm để ý. Tào Tháo bèn vuốt lưng bà, dịu dàng nói: Chúng ta cùng lên xe về nhà được không? Đinh phu nhân không hề đoái hoài. Tào Tháo ra tới ngoài cửa, lại quay đầu hỏi: Theo ta về, được không? Đinh phu nhân vẫn không đếm xỉa.

Tào Tháo hết cách, đành chia tay với bà. Với tính tình nóng nảy, hung ác tàn nhẫn, Tào Tháo làm đến mức ấy thực không đơn giản. Huống chi Tào Tháo còn cho phép Đinh phu nhân tái giá, không để bà sống đời góa bụa, nhưng Đinh phu nhân không chịu, mà cha mẹ bà cũng không dám.

Đương nhiên là không dám. Cho dù dám gả, cũng chẳng ai dám cưới. Song Tào Tháo cũng có lúc trở mặt không nhận người.

Ví như Hứa Du tự đâm đầu vào chỗ chết. Ông ta vừa ỷ là chỗ quen biết, vừa cậy có công, luôn không mấy cung kính khách sáo với Tào Tháo, thường nói đùa với Tào Tháo ngay trước mặt mọi người, thậm chí gọi thẳng nhũ danh của Tào Tháo: A Man à, không có ta, đố ông lấy được Ký Châu.

Ngoài mặt Tào Tháo cười đáp: Phải, phải, ông nói đúng, song trong lòng giận đến nghiến răng nghiến lợi. Về sau Tào Tháo đánh chiếm được Nghiệp Thành, Hứa Du lại chỉ vào cổng thành nói với người bên cạnh Tào Tháo: Nếu không có ta thì lão ấy đâu vào được cánh cổng này!

Tam quốc diễn nghĩa: Tào Tháo là gian hùng hay gian tặc? - Ảnh 1.

Tạo hình Tào Tháo trong phim Tam Quốc diễn nghĩa (2010). Ảnh: Sohu

Đến đây Tào Tháo không thể khoan dung nữa. Năm xưa ở Quan Độ, Tào Tháo nguy ngập đến nơi, đành nhiều lần nhẫn nhịn trước sự suồng sã của Hứa Du, lúc này thì không cần thiết nữa. Thế là Tào Tháo không mảy may do dự, lấy mạng Hứa Du.

Hai câu chuyện kể trên đều không thấy trong Tam Quốc chí, mà chỉ thấy trong chú thích của Bùi Tùng Chi. Câu chuyện trước được Bùi Tùng Chi chú thích trong Hậu phi truyện, câu chuyện sau thì chú thích trong Thôi Diễm truyện. Nhưng nguồn dẫn lại từ cùng một cuốn sách - Ngụy lược do Ngư Hoạn người nước Ngụy viết.

Rõ ràng, cho dù trong cùng một cuốn sách, Tào Tháo cũng có hai hình tượng. Thật ra còn có chuyện khó tưởng tượng hơn. Hứa Du là ân nhân của Tào Tháo lại bị giết, trong khi đó một số người "ác độc công kích" ông ta thì lại được tha.

[…]

Thậm chí đối với bạn bè đã phản bội mình, Tào Tháo cũng rất xem trọng tình nghĩa năm xưa. Trần Cung và Tào Tháo từng có một thời qua lại thân thiết, Tào Tháo nhậm chức Duyện Châu mục là nhờ công lao của Trần Cung.

Sau này Trần Cung quyết một lòng giúp Lã Bố đánh Tào Tháo, bị bắt cũng thà chết không chịu đầu hàng. Tào Tháo bèn gọi tên tự của Trần Cung: Công Đài, ông chết không hề gì, nhưng mẹ già biết làm thế nào! Trần Cung thở dài đáp: Trần mỗ nghe nói kẻ lấy hiếu cai trị thiên hạ không hại thân thích của người ta, mẹ già chết hay sống do minh công ngài quyết định.

Tào Tháo hỏi tiếp: Vợ con ông thì sao? Trần Cung đáp: Ta nghe nói kẻ cai trị thiên hạ bằng nền chính trị nhân từ không làm người ta phải tuyệt hậu, vợ con chết hay sống cũng do minh công xem xét. Dứt lời, Trần Cung không quay đầu lại, vươn cổ chịu chém. Tào Tháo rơi lệ tiễn đưa.

Sau khi Trần Cung chết, Tào Tháo phụng dưỡng mẹ ông ta, giúp con gái ông ta xuất giá, còn tốt với gia đình họ hơn cả lúc làm bạn trước kia. Trong Tam Quốc chí không có truyện về Trần Cung, chuyện này được chép trong Lã Bố truyện.

Trong Điển lược được Bùi Tùng Chi chú dẫn thì lại kể tỉ mỉ hơn. Xem ra, Tào Tháo cũng khoan hồng độ lượng. Nhưng con người khoan hồng độ lượng này lại lòng dạ hẹp hòi, so đo từng ly từng tí, hơn nữa có thù phải trả, không từ một thủ đoạn nào. Chẳng có ai mà ông ta không dám giết, cũng chẳng có ai mà ông ta không giết được.

[…]

Tào Tháo có bài học kinh nghiệm lần này, hơn nữa chức quan to hơn, dã tâm cũng lớn hơn, dần dần học được cách "khoan hồng độ lượng", khi trả thù không thẳng tay như thế nữa. Nhưng trả thù vẫn phải trả thù, ghen ghét vẫn phải ghen ghét. Cho dù là bạn cũ cũng không ngoại lệ.

Ví như Lâu Khuê, tên tự Tử Bá, chí lớn hiếm thấy, trí dũng song toàn, đi theo Tào Tháo, lập nhiều công lao, Tào Tháo thường tự than không bằng (Kế của Tử Bá, ta không bằng), song vẫn giết ông ta.

Cái chết của Lâu Khuê, Hứa Du và cả của Khổng Dung đều được chép trong lời chú thích Tam Quốc chí - Thôi Diễm truyện của Bùi Tùng Chi, bạn đọc có thể tìm xem.

Đây chính là Tào Tháo. Có lẽ ông ta là người có tính cách phức tạp nhất, hình tượng đa dạng nhất trong lịch sử. Ông ta thông minh tuyệt đỉnh, lại ngu xuẩn không ai bằng; gian trá xảo quyệt, lại thẳng thắn chân thành; phóng khoáng rộng rãi, lại nghi thần nghi quỷ; khoan hồng độ lượng, lại lòng dạ hẹp hòi.Có thể nói là phong độ đại gia, diện mạo tiểu nhân; khí phách anh hùng, lòng dạ đàn bà; tính khí Diêm vương, tâm địa Bồ tát.

Xem ra, dường như Tào Tháo có tận mấy bộ mặt, song chúng cùng tồn tại mà chẳng mâu thuẫn chút nào, đây đúng là một kỳ tích. Trên thực tế, Tào Tháo chân thực, cũng có bản sắc. Sự gian trá, xảo quyệt, tàn nhẫn, bạo ngược của ông ta đều thể hiện một cách ung dung, thoải mái, chân thành mà thản nhiên.

Đây thực sự là một loại "khí độ rộng rãi". "Chỉ đại anh hùng nên bản sắc, Riêng trang danh sĩ tự phong lưu". Xét từ góc độ này, Tào Tháo là anh hùng, hơn nữa là đại anh hùng. Có điều, vị đại anh hùng này lại rất gian trá, bởi vậy cũng có thể gọi là "gian hùng", tức "anh hùng gian trá".

Thật ra, đánh giá về Tào Tháo trong lịch sử (anh hùng, gian hùng, gian tặc) đều không thoát khỏi hai chữ "gian" và "hùng". Có người nhấn mạnh gian, có người nhấn mạnh hùng, cũng có người nhận định ông ta vừa gian vừa hùng. Cho nên tôi cho rằng Tào Tháo là "gian hùng", song phải thêm hai chữ "đáng yêu" vào đằng sau. Thế thì, Tào Tháo là "gian hùng đáng yêu" chăng?

PV (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem