Techcombank lãi trước thuế 6.800 tỷ quý I/2022, tiền gửi chạm 330.000 tỷ đồng

Huyền Anh Thứ ba, ngày 26/04/2022 19:05 PM (GMT+7)
Techcombank báo lãi trước thuế quý đầu năm 2022 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 23 % so với cùng kỳ năm trước).
Bình luận 0

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022.

Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi.

Cụ thể, thu nhập từ lãi đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ danh mục tín dụng được mở rộng và biên lãi thuần (NIM) ổn định.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,1%, đạt 2,0 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp của thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và thu từ thư tín dụng (LC), tiền & các khoản thanh toán tăng lần lượt 35,3% và 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1,1 nghìn tỷ nhờ phí từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tăng 132,5% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 41,0%. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022, CASA kỷ lục - Ảnh 1.

Nguồn: Techcombank

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,7% với chi phí hoạt động tăng 21,3% so với cùng kỳ. Ngân hàng cho biết, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do các khoản đầu tư vào công nghệ và hội sở mới (D'Capitale) để mở rộng kinh doanh, làm gia tăng chi phí khấu hao. Chi phí tư vấn (trong chi phí khác) tăng để hỗ trợ cho việc ra các quyết định chiến lược của ngân hàng.

Chi phí dự phòng giảm đáng kể, giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, dẫn đến việc trích lập dự phòng thấp hơn, hoặc một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.

Kết quả, Techcombank báo lãi trước thuế quý đầu năm 2022 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 23 % so với cùng kỳ năm trước).

Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022, CASA kỷ lục - Ảnh 2.

Techcombank lãi kỷ lục trong quý I/2022. (Ảnh: TCB)

Casa cao kỷ lục đạt 50,4%

Đến 31/3/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 615,3 nghìn tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý I đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2020.

Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 171,6 nghìn tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng cấp cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ 18,1% so với cuối quý I năm 2021, đạt 270,9 nghìn tỷ đồng.

Tổng tiền gửi tại ngày 31 tháng 03 năm 2022 là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nguồn huy động vốn khác tiếp tục được khai thác mạnh mẽ. Khoản vay hợp vốn tăng gần 3 lần, đạt 34,3 nghìn tỷ đồng và giấy tờ có giá đạt 32,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với quý 1 năm 2021.

Số dư CASA đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, duy trì tỷ lệ CASA cao ở mức 50,4% tại thời điểm 31 tháng 03 năm 2022, không thay đổi so với quý IV năm 2021.

CASA của khách hàng cá nhân đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%. Đồng thời, những nỗ lực mở rộng cung cấp các gói sản phẩm cũng giúp tăng CASA của khách hàng doanh nghiệp lên 42,2%.

Tiền gửi có kỳ hạn đạt 163,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối quý I năm 2021.

Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý I/2022, CASA kỷ lục - Ảnh 2.

Nguồn: Techcombank

Về thanh khoản và vốn, Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR4) đạt 71,9%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn3 ở mức 32,2% tại cuối quý 1 năm 2022, thấp hơn so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,1% cuối quý 1 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và nhích nhẹ so với cuối năm 2021.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý I/2022 của Techcombank ở mức 0,7% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh 160,8%, phản ánh chất lượng và sự ổn định của tài sản trong và sau đại dịch COVID-19.

Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 1,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ, thấp hơn mức 1,9 nghìn tỷ đồng ở cuối năm 2021.

Trong quý I năm 2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 0,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 9,8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý này lần lượt đạt 194,6 triệu giao dịch (tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,7 triệu tỷ đồng (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái).

Năm 2022, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 27,0 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% so với 2021. Tín dụng của ngân hàng được dự kiến tăng 15,0% lên 446,6 nghìn tỷ đồng hoặc cao hơn, trong mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tiền gửi của khách hàng sẽ tăng trưởng phù hợp với tín dụng thực tế khi Ngân hàng tiếp tục phát huy thế mạnh từ việc tối ưu hóa việc quản lý tài sản nợ - có (ALM). Techcombank đặt kế hoạch duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

"Techcombank đã đạt kết quả kinh doanh tốt trong quý /2022. Ngân hàng đang hoạt động với tỷ suất sinh lời cao và ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ của các phân khúc khách hàng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều phức tạp.

Trong quý đầu tiên, sự bùng phát của Omicron đã gây ra sự gián đoạn cho một số doanh nghiệp, bao gồm cả của chúng tôi. Và gần đây, động thái đúng đắn của các cơ quan quản lý nhằm lành mạnh hóa hoạt động trên thị trường trái phiếu và bất động sản đã tạo ra một số lo lắng nhất định trên thị trường tài chính.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng những thách thức này sẽ mang lại cơ hội cho các tổ chức đang nỗ lực kiểm soát rủi ro và xây dựng kế hoạch kinh doanh lâu dài bền vững, như Techcombank. Bước sang quý 2 năm 2022, chúng ta thấy rằng biên giới quốc tế của Việt Nam đã hoàn toàn mở lại, các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế trong nước đã được dỡ bỏ và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh.

Do đó, có những lý do để lạc quan. Ngân hàng hiện tại lớn mạnh hơn bao giờ hết và có vị thế vững chắc để phục vụ ước mơ và khát vọng của người dân Việt Nam, khi chúng ta cùng nhau chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống."

Ông Jens Lottner, Tổng Giám đốc Techcombank


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem